Hoạt động rút và gửi tiền ở một số chi nhánh ngân hàng SCB tại Hà Nội vẫn bình thường
Do SCB tăng thêm lãi suất huy động nên có nhiều khách hàng đến đây để gửi tiền tiết kiệm...
Ghi nhận trong sáng nay (8/10/2022), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động lên khoảng 1 điểm phần trăm cho nhiều kỳ hạn đối với nhiều sản phẩm.
Cụ thể, đối với loại hình gửi tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng từ 6,85%/năm lên 7,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng từ 7%/năm lên 8%/năm và kỳ hạn 12 tháng từ 7,3%/năm lên 8,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất là ở kỳ hạn 36 tháng đạt 8,9%/năm (trước đó là 7,55%/năm).
Đồng thời, các sản phẩm các như chứng chỉ tiền gửi và hình thức gửi tiết kiệm tại quầy cũng được SCB điều chỉnh tăng tương ứng lên khoảng 1 điểm phần trăm.
Việc điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động của SCB được diễn ra trong bối cảnh, ngày 7/10/2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.
"Ngân hàng Nhà nước đã có Công điện yêu cầu tất cả Chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc ngân hàng thương mại, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm. Việc cán bộ ngân hàng thương mại vận động, lôi kéo khách hàng của SCB rút tiền gửi để gửi sang NH mình là cạnh tranh không lành mạnh, có thể tạo ra sự bất ổn cho SCB lúc này và mất an toàn chung cho hệ thống ngân hàng thương mại".
(Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước)
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên sáng nay tại một chi nhánh ở Trung Yên, Trung Hòa (Cầu Giấy) và một phòng giao dịch trên đường Nguyễn Thị Định (Hà Nội), mặc dù lượng người rút tiền tại SCB có tăng mạnh nhưng ngân hàng vẫn chi trả cho khách bình thường. Bên cạnh đó, do SCB vừa tăng lãi suất huy động nên cũng có nhiều khách hàng đến đây để gửi tiền.
Lãnh đạo SCB cho biết, ngày 8/10/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công An có thông tin quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phát hành mua bán trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.
Theo đó, ngân hàng đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.
“Ngân hàng Sài Gòn cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật. Quyền lợi của khách hàng được đặt ở vị trí cao nhất", SCB cho biết.
Vào lúc khoảng 12 giờ trưa nay (8/10), đại diện Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo khẳng định sẽ giữ vững ổn định hoạt động của SCB nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những giải pháp, chính sách theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại SCB.
“Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB", đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.
Đặc biệt, để chấn chỉnh hiện tượng một số nhân viên ngân hàng chào mời người rút tiền tại SCB sang gửi ngân hàng mình, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã có công điện yêu cầu tất cả Chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm. Việc cán bộ ngân hàng thương mại vận động, lôi kéo khách hàng của SCB rút tiền gửi để gửi sang ngân hàng mình là cạnh tranh không lành mạnh, có thể tạo ra sự bất ổn.