07:24 10/09/2021

Học trực tuyến: "Khốn khổ" vì mạng nghẽn, mạng lag

Hồng Vinh

Trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19, nhiều địa phương triển khai việc học online cho hàng triệu học sinh, dẫn tới nhu cầu sử dụng Internet tăng đáng kể, xảy ra hiện tượng nghẽn mạng cục bộ…

Thầy giáo Trần Bình Phục đang hướng dẫn học sinh học online trên đảo Hòn Chuối - Cà Mau (ảnh: M.Định)
Thầy giáo Trần Bình Phục đang hướng dẫn học sinh học online trên đảo Hòn Chuối - Cà Mau (ảnh: M.Định)

Trong ngày 6/9 (ngày đầu tiên nhiều địa phương bắt đầu học trực tuyến) hướng truy cập đến các giải pháp học trực tuyến như Microsoft Team, Zoom, Google Meet... tăng mạnh so với thời điểm trước khai giảng. 

NHU CẦU TĂNG ĐỘT BIẾN GÂY NGHẼN MẠNG

Nhu cầu sử dụng Internet cho việc dạy và học tập trực tuyến tăng đột biến cộng với sự cố cáp quang biển diễn ra cùng lúc trên 2 tuyến cáp AAG và AAE-1 đã ảnh hưởng tới truy cập của người dùng, nhất là truy cập đến các trang web quốc tế. 

 
“Có những lúc, tôi phải mở điện thoại phát 4G cho cháu học và tải tài liệu cho đường truyền ổn định hơn. Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi rất không muốn việc này xảy ra thường xuyên vì cũng cần điện thoại để liên lạc, làm việc khi cần thiết."
Phụ huynh Phương Trang.

Theo ghi nhận của phóng viên VnEconomy.vn, tình trạng nghẽn mạng vẫn chưa được khắc phục, gây khó khăn cho thầy và trò trong quá trình dạy học. Chị Phương Trang, một phụ huynh có con học lớp 4 quận 10 TP.HCM chia sẻ: đến hôm nay, cháu vào học online, tải bài giảng, tài liệu học tập như PowerPoint, Word để làm bài thì hệ thống bị “đơ”, rớt mạng liên tục. Chị Trang liên tục phải thoát ra và vào lại thì mới tải được.

“Có những lúc, tôi phải mở điện thoại phát 4G cho cháu học và tải tài liệu cho đường truyền ổn định hơn. Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi rất không muốn việc này xảy ra thường xuyên vì cũng cần điện thoại để liên lạc, làm việc khi cần thiết. Cứ nghĩ dùng mạng Internet cố định thì đường truyền ổn định hơn”, chị Trang cho hay.

Ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ mạng, đại diện Viettel cho biết đã chủ động mở rộng dung lượng, tối ưu các hướng truy cập, ưu tiên kết nối để đảm bảo lưu lượng với các nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến (Microsoft Team, Google Meet, Zoom ...). Từ ngày 7/9 đến nay, hiện tượng chập chờn khi truy cập vào các ứng dụng học tập đã được khắc phục. 

Theo thống kê của Viettel, lượng khách hàng đăng ký mới/nâng cấp các gói cước Internet cố định băng rộng từ đầu năm học có tăng nhẹ. Các gia đình phổ biến lựa chọn đăng ký mới/nâng cấp lên các gói cước có dung lượng khoảng 80MB (chi phí từ 180.000-200.000đồng/tháng). Với băng thông này, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng Internet của các gia đình bao gồm việc học trực tuyến, giải trí và làm việc online.

Đối với các gia đình có diện tích rộng, nhiều phòng, Viettel khuyến nghị sử dụng gói dịch vụ HomeWiFi (với chi phí chỉ từ 265.000đ/tháng) ứng dụng công nghệ Mesh, phủ sóng đến toàn bộ ngóc ngách trong căn nhà, khắc phục rớt mạng giữa các phòng.

CẦN SỬ DỤNG NHIỀU PHẦN MỀM, GIẢM TẢI CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Theo tìm hiểu, hiện nay không ít các trường đều sử dụng hệ thống học trực tuyến (phần mềm Zoom) miễn phí, trong khi tài khoản miễn này thường giới hạn về số lượng học sinh và chất lượng cũng không ổn định. Cụ thể, tài khoản miễn phí chỉ có dung lượng "tiếp nhận" khoảng 40 em học sinh, trong khi đó nhiều trường công có số học sinh trung bình khá đông, mỗi lớp lên tới 50-60 học sinh. 

Do vậy, khi học sinh "vào học" trên lớp ảo, nếu quá số lượng tài khoản Zoom quy định sẽ khiến hệ thống bị chậm, trong khi tài khoản miễn phí vốn đã không ổn định. Nhiều học sinh đăng nhập chậm sẽ không thể vào lớp được hoặc, nếu vào được thì một học sinh khác đã đăng nhập vào hệ thống bị "văng" ra khỏi lớp học. 

"Trường của con sử dụng hệ thống Zoom miễn phí. Nhiều hôm con đang học bài thì bị "out", có tiết bị "out" nhiều lần, đến khi vào được thì hết tiết học", chị K., ở phường Hạ Đình, Thanh Xuân bức xúc.

Một phụ huynh ở quận 5 chia sẻ rất lo lắng khi ngày đầu con học trực tuyến trên hệ thống Zoom, trong nhiều tiết học không ít lần con bị "văng" ra khỏi lớp học, nhưng sau đó nhà trường chuyển sang dùng Google Meet thì hệ thống chạy rất mượt, và con trong lúc học cũng không còn tình trạng bị "rơi" khỏi lớp học.

"Sáng mùng 7/9 khi dậy học trên hệ thống phần mềm của nhà trường quy định nhưng chỉ được một thời gian ngắn là mất tín hiệu. Tuy nhiên, khi tôi nhắn cho học sinh chuyển sang phần mềm dự phòng khác thì rất may hệ thống chạy khá ổn định", một giáo viên trường PTTH ở quận 3, TP.HCM cho hay.

Cô Thu Hà, giáo viên dạy môn tin học Trường PTTH ở quận 8 TP.HCM chia sẻ, hiện nhiều trường vẫn còn thực hiện quá cứng nhắc trong việc dạy học trực tuyến, xếp thời khóa biểu dạy học trực tuyến như dạy học trực tiếp.

Cùng một khối lớp có trường chú trọng dạy những môn chính như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Tin học; có trường sắp xếp thời khóa biểu quá nhiều môn học và dạy cả sáng lẫn chiều trong suốt một tuần nên dẫn tới nghẽn mạng, quá tải cho học sinh, khó khăn cho phụ huynh khi cần hỗ trợ con học vào khung giờ bố mẹ phải làm việc. 

Có nhiều học sinh phải học liên tục cả 2 buôi trong ngày, tối lại làm bài tập.
Có nhiều học sinh phải học liên tục cả 2 buôi trong ngày, tối lại làm bài tập.

Một vấn đề nữa theo cô Hà, việc điểm danh học sinh khá dễ dàng vì theo phần mềm Ms Team việc vào và ra khỏi lớp học online đều được giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên cho dù có bật camera cũng không thể kiểm soát việc học, tự học và vấn đề xao nhãng việc học, làm việc riêng của các em.

Cô Hà cũng đề nghị cần phải sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, giảm tải chương trình học và cả độ khó của các bài kiểm tra để các em có thể nắm bắt kiến thức và tự học để đạt kết quả tốt.

 

Trước đó, ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về xây dựng và triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến. 

Ngày 6/9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất thực hiện chương trình hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh thành phố với các giải pháp như huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay cùng tiếp sức học sinh khó khăn; vận động doanh nghiệp viễn thông tài trợ hoặc cung cấp gói cước viễn thông giá rẻ để ổn định đường truyền, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; Mua trả góp, ưu đãi mua máy tính. Hiện, TP.HCM có 72.638 học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa có thiết bị và đường truyền để học trực tuyến.

Hội thảo trực tuyến “Chuẩn bị tâm thế cho học sinh học trực tuyến sẵn sàng bước vào năm học mới” sẽ diễn ra lúc 9 giờ ngày 11/9/2021. Đăng ký tại (https://dxcenter.org.vn/su-kien/hoi-thao-truc-tuyen-chuan-bi-tam-the-cho-tre-hoc-truc-tuyen-san-sang-buoc-vao-nam-hoc-moi/). Đối tượng tham dự hiệu trưởng, giáo viên, các trường mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; Phụ huynh học sinh...