17:30 14/02/2023

Khó khăn nhiều hơn lợi thế, Hà Giang “vẽ lại” bức tranh kinh tế, tìm cơ hội mới và động lực mới

Anh Nhi

“Khó khăn mà Hà Giang đối mặt vẫn nhiều hơn tiềm năng và lợi thế. Vì thế, Hà Giang phải làm thế nào để “vẽ lại” bức tranh mới nhằm kiến tạo cơ hội mới, động lực mới để Hà Giang phát triển”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh…

Toàn cảnh Hội nghị thẩm định. Ảnh: Hữu Tuấn.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định. Ảnh: Hữu Tuấn.

Chia sẻ tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chiều ngày 14/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng cho rằng có nhiều “điểm nghẽn” đang cản trở Hà Giang phát triển.

“Quy mô kinh tế của Hà Giang còn khiêm tốn, nông nghiệp chỉ có một vài sản phẩm đặc trưng, du lịch mới giai đoạn sơ khai… Trong khi đó, Hà Giang chỉ có thể kết nối với địa phương khác bằng duy nhất hình thức giao thông đường bộ nhờ Quốc lộ 2, các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không không có hoặc không hiệu quả. Hơn nữa, đa phần diện tích là đất đồi núi, rất khó làm các khu công nghiệp để hút vốn đầu tư”, Bộ trưởng cho biết.

Vì vậy, triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển, tạo động lực mới, xung lực mới, mang tính đột phá để Hà Giang đưa ra giải pháp, cách thức để phát triển.

Khó khăn nhiều hơn lợi thế, Hà Giang “vẽ lại” bức tranh kinh tế, tìm cơ hội mới và động lực mới - Ảnh 1

“Nhiều ý kiến cho rằng Hà Giang phải đầu tư hạ tầng giao thông, chẳng hạn như tuyến cao tốc kết nối với cửa khẩu và sân bay để phát triển thương mại và du lịch. Chủ trương này, nếu có, cần phải được làm rõ tạo ra những giá trị mới cho địa phương như thế nào?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt câu hỏi.

TẬP TRUNG 3 ĐỘT PHÁ CHÍNH

Trả lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết với đặc thù là tỉnh địa đầu của tổ quốc, nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em, Hà Giang xác định phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh và bền vững.

“Tuy vậy, trong bối cảnh mới, Hà Giang xác định phải có tuy duy đột phá để tạo ra những cơ hội mới, động lực tăng trưởng mới cho phát triển”, Bí thư Hà Giang khẳng định.

Theo đó, trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Giang tập trung vào 3 đột phá chính.

Thứ nhất, tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại (đường cao tốc, sân bay...), hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistics.

Trong đó, ưu tiên nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy với quy mô 4 làn xe; xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai với Hà Giang (CT.12 đến địa phận huyện Bắc Quang) quy mô 4 làn xe.

Nghiên cứu, quy hoạch sân bay dân dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang tại vị trí thích hợp (tại huyện Bắc Quang và huyện Vị Xuyên).

Thứ hai, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

“Trong đó, tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch bền vững với việc xây dựng các homestay thay vì các nhà cao tầng đồ sộ thay vì các dự án vài trăm ha”, ông Đặng Quốc Khánh cho biết.

Ông Đặng Quốc Khánh cho biết sắp tới Hà Giang sẽ tập trung vào 3 đột phá chiến lược.
Ông Đặng Quốc Khánh cho biết sắp tới Hà Giang sẽ tập trung vào 3 đột phá chiến lược.

Thứ ba, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đặc biệt, Bí thư Hà Giang khẳng định, Quy hoạch tỉnh Hà Giang là một nội dung rất quan trọng của tỉnh, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững biên giới hòa bình hữu nghị, hội nhập, đối ngoại phát triển...

“Quy hoạch là cái gốc để phát triển dài hạn, là cái gốc, chứ không phải nhiệm kỳ. Đây là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để Hà Giang thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn chậm phát triển từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc”, ông Đặng Quốc Khánh nêu rõ quan điểm.

PHÁT TRIỂN 6 CỤM NGÀNH, 4 TRỤ CỘT, 4 CỰC TĂNG TRƯỞNG VÀ 4 TRỤC ĐỘNG LỰC

Trình bày Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết thời gian tới, Hà Giang đặt mục tiêu phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện với phương châm "sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá".

Theo đó, Hà Giang sẽ ưu tiên phát triển 6 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng (ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu; ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ; và ngành giáo dục và đào tạo) và tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng (hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch sinh thái và đẳng cấp; một số chuỗi nông nghiệp đặc trưng; dô thị bản sắc và hiện đại).

Hà Giang đưa ra 3 kịch bản phát triển giai đoạn tới, trong đó Kịch bản 2 được xách định là phương án lựa chọn hợp lý đối với tỉnh Hà Giang.
Hà Giang đưa ra 3 kịch bản phát triển giai đoạn tới, trong đó Kịch bản 2 được xách định là phương án lựa chọn hợp lý đối với tỉnh Hà Giang.

Về định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội, Hà Giang xác định 4 cực phát triển, tăng trưởng (thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên - phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, dịch vụ; cao nguyên đá Đồng Văn - phát triển du lịch; huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình - phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp; huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần - phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch);

Ngoài ra, Hà Giang cũng phát triển 4 trục động lực tăng trưởng, gồm:

Trục động lực kinh tế đô thị (cấp tỉnh) - thương mại, dịch vụ - cửa khẩu quốc tế - du lịch: Liên kết phát triển toàn bộ khu vực động lực trung tâm tỉnh; kết nối KKT cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ với các huyện Vị Xuyên, TP. Hà Giang, huyện Bắc Quang;

Trục động lực kinh tế biên mậu - du lịch - đô thị (cấp huyện): Liên kết phát triển các khu vực cửa khẩu, lối mở dọc tuyến biên giới; các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Tây & phía Bắc của tỉnh; Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu, cụm, điểm du lịch chính của tỉnh;

Trục động lực kinh tế đô thị - dịch vụ - công nghiệp: Liên kết phát triển phát triển các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Nam với các khu vực khai thác lâm sản, nông nghiệp, khoáng sản, công nghiệp;

Trục động lực kinh tế du lịch - dịch vụ: Liên kết phát triển các khu, cụm, điểm du lịch và các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Đông tỉnh.