15:45 19/04/2022

Không nên tiếp tục trễ hẹn tăng lương tối thiểu vùng

Phúc Minh

Các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng sang đầu năm 2023, còn theo các chuyên gia, cần thiết tăng lương ngay từ 1/7/2022 bởi đã “trễ hẹn” gần hai năm so với thông lệ, đến nay không thể trì hoãn thêm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6%. Tuy nhiên, ngay sau đó, 8 hiệp hội doanh nghiệp đã có kiến chị Chính phủ và một số Bộ, ngành về việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sang đầu năm 2023.

CẦN THIẾT TĂNG LƯƠNG NGAY TỪ 1/7/2022 

Trong văn bản kiến nghị, các hiệp hội đưa ra nhiều lý do để hoãn tăng lương vào thời điểm ngày 1/7/2022 như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2020 và không làm ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của người lao động; các doanh nghiệp không thể xoay sở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm 1/7 đã đến quá gần.

Hiện nay các doanh nghiệp đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022. Hay tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động và sự tồn vong của doanh nghiệp....

Trước thông tin này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Uỷ ban Xã hội), nhấn mạnh lương tối thiểu vùng rất cần điều chỉnh ngay từ ngày 1/7/2022, thời điểm hiện nay việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động và gia đình họ hết sức khó khăn.

Theo ông Lợi, còn phương án tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 để trình lên Chính phủ là mức điều chỉnh chấp nhận được, thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp và giới chủ đối với người lao động và ngược lại khi vừa trải qua đại dịch Covid-19.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cũng cho rằng cần thiết tăng ngay từ 1/7/2022, thậm chí ngay cả khi tăng từ 1/7 năm nay thì cũng đã "trễ hẹn" 18 tháng không tăng lương. “Chúng ta không thể kéo dài sự chậm trễ này thêm nữa, đáng lẽ ra phải tăng từ 1/1/2021 rồi. Mức tăng 6% thể hiện sự chia sẻ và trách nhiệm của các bên với nhau trên cơ sở đã cân đối một loạt yếu tố”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, sở dĩ cần phải tăng lương ngay bởi theo kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, mức lương người lao động nhận được hiện không đủ trang trải nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình.

Có 56,1% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ; và 13,2% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống. Rất nhiều người lao động không đủ sống phải rút bảo hiểm xã hội một lần: Hơn 1/5 số người được khảo sát (21,4%) cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Thực trạng tiền lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra nguy cơ dẫn tới ngừng việc tập thể, đình công tự phát… Khảo sát cho thấy, có 66,7% đại diện người sử dụng lao động ủng hộ phương án điều chỉnh lương tối thiểu từ 1/7 hàng năm thay vì từ đầu năm như hiện nay và 81,4% cá nhân người sử dụng lao động cho rằng doanh nghiệp của họ đồng tình với chủ trương điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 hàng năm.

DOANH NGHIỆP CÓ LỢI KHI TĂNG LƯƠNG ?

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết những lý do mà các hiệp hội doanh nghiệp đưa ra trước đó đều đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia thảo luận và phân tích, đánh giá tất cả các mặt tác động tích cực và tiêu cực khi tăng lương tối thiểu vùng và thấy đúng là có những áp lực cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu cũng có lợi nhiều hơn cho người sử dụng lao động, giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn, như vậy doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển. “Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, tuy nhiên nhiều chuyên gia độc lập cũng chỉ ra rằng, việc tăng lương tối thiểu có lợi nhiều hơn cho người sử dụng lao động. Trong mùa dịch, dù doanh nghiệp khó khăn nhưng hầu hết các nước đều tăng lương tối thiểu để hỗ trợ người lao động và phục hồi thị trường lao động”, ông Quảng lý giải.

Trước đó, tại phiên họp lần hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia hôm 12/4, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tính toán, căn cứ vào mức tăng CPI thực tế năm 2021 là 1,84% và kế hoạch năm 2022 khoảng 4% thì mức lương tối thiểu hiện hành vẫn cao hơn 3% so với mức sống tối thiểu tính cho năm 2021 và thấp hơn 1,3% so với mức sống tối thiểu tính cho năm 2022. Nếu tính hết năm 2023 (với CPI khoảng 4%) thì mức lương tối thiểu hiện hành thấp hơn 5,3%.

Qua các yếu tố thực tế căn cứ để xác định mức lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động cho thấy, hiện nay cần thiết xem xét, điều chỉnh lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/7/2022. Nguyên nhân do mức lương tối thiểu hiện hành sẽ không đảm bảo được mức sống tối thiểu từ năm 2022, khi kinh tế, xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới và sản xuất kinh doanh bắt đầu trong giai đoạn phục hồi.