Kích hoạt ngay phương án “4 tại chỗ” để ứng phó với thiên tai, mưa lũ
Mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc trong những ngày từ 4 - 8/8, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản...
Chiều 8/8/2023, tại Phú Thọ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc Họp trực tuyến với 14 địa phương về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ các tỉnh miền núi.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 7 ngày vừa qua, khu vực miền núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng từ 300-400 mm. Mưa lớn gây lũ cục bộ trên sông suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc, gây thiệt hại về người, nhà ở, sản xuất, cơ sở hạ tầng, nhất là tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai...
THIỆT HẠI RẤT NẶNG NỀ
Thông tin từ Viện Vật lý địa cầu cho biết vào hồi 00h25’ ngày 08/8/2023, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra 01 trận động đất với độ lớn 2,8; độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.
Tính đến chiều 8/8, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc đã làm 11 người thiệt mạng (Lai Châu 4 người, Yên Bái 3 người; Sơn La 1 người, Lào Cai 1 người, Hà Giang 1 người, Thái Nguyên 1 người) và 2 người mất tích tại Lai Châu.
Về tài sản, có 58 nhà bị sập, 297 nhà bị hư hại. Về nông nghiệp: gần 200 ha lúa và hoa màu và 11 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Về cơ sở hạ tầng: 11 công trình thủy lợi, nước sạch, kè; 6 trường học bị sạt lở, hư hỏng.
Về giao thông, sạt lở 152 điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ 4H, 279D, Quốc lộ 32, Quốc lộ 6, 70; ngoài ra còn hàng trăm điểm sạt lở trên các đường tỉnh lộ giao thông địa phương.
Chính quyền các địa phương, đơn vị quản lý đã tổ chức rào chắn cảnh báo, phân luồng giao thông và khắc phục bước 1; riêng QL279D, 32 địa bàn Sơn La, Yên Bái chưa thông xe. Ngoài ra, còn hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến tỉnh lộ, giao thông địa phương.
Tại Tây Nguyên, tình trạng sạt lở đất cũng diễn ra tại nhiều địa điểm, gây thiệt hại về nhà cửa, đe dọa đến tính mạng của người dân.
Trước đó, vào sáng 8/8/2023, đoàn công tác Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó trưởng ban chỉ đạo dẫn đầu đã tới kiểm tra thực tế tại hồ chứa nước Đông Thanh, một trong những điểm sạt lở ở Lâm Đồng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, tình trạng sụt lún ở hồ Đông Thanh không phải xuất phát từ nguyên nhân chính là mưa nhiều vì ở khu vực này, lượng mưa trong tháng 7 cũng chỉ ở mức 200mm. Nguyên nhân chính gây sạt trượt ở hồ Đông Thanh là đã có một khối trượt hiện hữu từ lâu và do một số tác động nên khối trượt này bắt đầu hoạt động, gây sạt lở.
"Dự báo, từ đêm ngày 8 đến sáng 9/8, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-50mm, có nơi trên 100mm; mưa lớn cục bộ ở có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 11-12/8'.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia.
Về giải pháp, trước mắt cần làm chậm sự dịch chuyển của khối trượt bằng các biện pháp kĩ thuật, đánh gia hướng dịch chuyển cũng như phạm vi ảnh hưởng của khối trượt. Ngoài ra cần thực hiện nhiều giải pháp khác như: Tính toán vị trí hồ, kênh mương xung quanh để gia cố; thực hiện việc thoát nước, cả nước bề mặt và nước ngầm; về lâu dài cần phải có những cuộc khảo sát lớn hơn để xác định những vũng trượt nhỏ, hoặc bắt đầu xuất hiện.
Trước đó, vào chiều 7/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác đã khảo sát tại các điểm sạt lở tại tỉnh Đắk Nông và có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu tỉnh Đắk Nông phải đặt an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai để có giải pháp ứng phó, xử lý.
“Tỉnh Đắk Nông cũng cần phải tính toán lại kịch bản vỡ đập Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), nơi có sức chứa hơn 2,1 triệu m3 nước. Tỉnh Đắk Nông phải tính toán đến mức thiệt hại phía hạ du nếu xảy ra vỡ đập nhằm rà soát, di dời hết người và tài sản ở phía hạ du ra khỏi vùng nguy hiểm, giảm tối đa thiệt hại”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHẢI KÍCH HOẠT NGAY PHƯƠNG ÁN 4 TẠI CHỖ
Nhận định về tác động từ việc phá rừng đến tình trạng sạt lở, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng sạt lở đất hiện nay có nguyên nhân lớn từ việc suy giảm diện tích rừng phòng hộ, do thời gian qua nhiều địa phương đã chuyển đổi một số diện tích rừng sang các mục đích khác.
Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương chủ động rà soát các diện tích đất cho lâm nghiệp, không chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ, rừng ở các khu vực xung yếu.
“Về trồng rừng hạn chế ảnh hưởng mưa lũ, các địa phương cần uu tiên những loại cây bản địa, tán rộng, lá thường xanh, bộ rễ phát triển, là cây lâu năm và trồng với mật độ 600 cây/ha”, ông Lực nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chủ động của các địa phương, kịp thời triển khai các phương án phòng chống mưa lũ qua đó đã góp phần giảm phần nào rủi ro, hậu quả của mưa lũ. Bộ trưởng gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình bị thiệt hại về người do mưa lũ, ghi nhận những nỗ lực của các địa phương đã tập trung lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ những ngày qua.
Để chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả mưa lũ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống thiên tai mưa lũ, nhanh chóng khắc phục hậu quả đã xảy ra.
Phải kiểm tra an toàn các hồ chứa thuỷ điện, hồ chứa nước và phía hạ du. Tăng cường công tác thông tin truyền thông đến người dân ở các thôn bản vùng trọng yếu để nâng cao cảnh giác. Kích hoạt ngay phương án “4 tại chỗ” để ứng phó với thiên tai mưa lũ dự báo nguy cơ sẽ xảy ra trong những ngày tới, nhằm bảo vệ về con người và tài sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị, các địa phương tiếp tục tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ người bị nạn về nhà ở, hỗ trợ đời sống nhân dân; huy động lực lượng khắc phục các điểm sạt lở để thông tuyến. Các địa phương thống kê nhanh thiệt hại, xác định sơ bộ nhu cầu các công trình phòng, chống thiên tai cấp bách để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định theo thứ tự ưu tiên.
Về lâu dài, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng cần có những phương án, chiến lược dài hạn với cách tiếp cận đồng bộ, phát huy nguồn lực cả địa phương và trung ương, trong đó ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân đồng thời đảm bảo công tác sản xuất tại các địa phương.
Sáng 8/8, UBND tỉnh Đắk Nông đã họp khẩn, bàn và chuẩn bị thủ tục để ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai. Đợt mưa lũ bất thường vừa qua tại Đắk Nông khiến nhiều công trình hạ tầng bị hỏng, nhiều cầu dân sinh bị cuốn trôi, tỉnh này đã phải thực hiện di dời 283 hộ dân tại các điểm bị sụt lún, sạt trượt đến nơi an toàn. Ước thiệt hại trên 250 tỷ đồng.
Riêng thiệt hại phát sinh do sạt lở đất từ ngày 6-8/8 trên địa bàn tỉnh đã khiến 24 nhà hư hại, 130 hộ dân di dời khỏi khu vực sụt lún, sạt lở đất. Đặc biệt, diễn biến sạt lở hồ chứa Đắk N’Ting vẫn tiếp diễn, huyện Đắk G’Long đã di dời 174 hộ vùng nguy hiểm ở hạ du đến nơi an toàn.
Qua thống kê, rà soát, hiện có 4 khu vực của tỉnh Đắk Nông xảy ra nứt, sạt trượt nghiêm trọng gồm: quốc lộ 14 (đoạn qua TP Gia Nghĩa); đường tránh TP Gia Nghĩa trên quốc lộ 28; hồ chứa nước Đắk N'Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) và sạt trượt, đứt gãy địa chất tại bon Bu Krắk, Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức).