23:41 14/12/2022

Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 11 bộ và 33 tỉnh, thành phố trong năm 2023

Vũ Phong

Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ, giảm 49 nhiệm vụ so với năm 2022, tập trung các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ban hành Quyết định số 1482/QĐ-KTNN về việc ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 49 nhiệm vụ so với năm 2022, tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cụ thể, liên quan đến kiểm toán báo cáo quyết toán, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung nhiệm vụ kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại 16 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, như: Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…; Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 tại 33 địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận… ; kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại 11 Bộ, cơ quan Trung ương, như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Đài Truyền hình Việt Nam…

Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán 23 chuyên đề (không tính khối cơ quan Đảng), bao gồm "Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15", "Việc quản lý và sử dụng Quỹ viễn thông công ích", "Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm"...

Kiểm toán Nhà nước kiểm toán 3 chương trình mục tiêu quốc gia về: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; để phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023 đối với chủ đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 28 cuộc kiểm toán (không tính lĩnh vực an ninh, quốc phòng), trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện…

Đối với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 16 cuộc kiểm toán như: Ngân hàng Nhà nước; các tập đoàn, tổng công ty gồm: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam…, và doanh nghiệp quốc phòng. Tại các cuộc kiểm toán này, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 của các cơ quan, đơn vị.

Đối với lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 5 cuộc kiểm toán gồm: các đơn vị dự toán cấp II, III trực thuộc Bộ Công an; 25 công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 17 tỉnh ủy, thành ủy; 1 cuộc kiểm toán chuyên đề và 1 cuộc kiểm toán dự án đầu tư.

Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước được xây dựng bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và đặc biệt là ý kiến của các đại biếu Quốc hội; đảm bảo tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước.

Đồng thời, đảm bảo tập trung, dân chủ, tránh trùng lặp, chồng chéo với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và của Kiểm toán Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 75/2022/QH15, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 01 lần/năm về cùng 1 nội dung đối với 1 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương được kiểm toán.