Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, thế giới có “vạ lây”?
Một trong những ảnh hưởng lớn nhất của sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ rơi vào các nhà sản xuất hàng hoá cơ bản, nhất là các thị trường mới nổi có sự phụ thuộc lớn vào nhu cầu từ quốc gia này...
Một đợt giảm tốc kéo dài của kinh tế Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho một số công ty đa quốc gia và các nhà sản xuất nguyên vật liệu thô trong thời gian tới đây, phủ bóng lên sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sự giảm tốc đó chưa chắc đã làm chệch hướng hoàn toàn đà phục hồi của thế giới.
Trung Quốc là quốc gia chiếm khoảng 15% thương mại toàn cầu và ước đóng góp tới 1/4 vào tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong vòng 5 năm tới tính đến hết 2026. Do vậy, đà tăng trưởng suy yếu rõ rệt trong thời gian gần đây của quốc gia này đang gây áp lực giảm giá lên nhiều hàng hoá cơ bản như quặng sắt và gây khó khăn cho các doanh nghiệp muốn tìm kiếm tăng trưởng ở thị trường đông dân nhất thế giới.
NHỮNG ĐỐI TƯỢNG BỊ ẢNH HƯỞNG NHIỀU NHẤT
Cuối năm 2020 và nửa đầu 2021, Trung Quốc giữ vai trò đầu tàu đưa kinh tế thế giới thoát khỏi cuộc suy thoái do Covid gây ra. Sau đó, kinh tế Trung Quốc đã suy yếu đi nhiều từ nửa cuối 2021. Các biện pháp của Chính phủ nước này nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản đã khiến các hoạt động trong lĩnh vực đóng góp khoảng 1/4 tổng sản phẩm trong nước (GDP) này sụt giảm.
Các nhà sản xuất công nghiệp, dù vẫn ăn nên làm ra nhờ nhu cầu hàng hoá mạnh của thị trường toàn cầu, phải chống chọi với cuộc khủng hoảng thiếu điện mà một phần nguyên nhân là do chính sách hạn chế tiêu thụ than của Bắc Kinh nhằm cắt giảm khí thải carbon. Tăng trưởng tiêu dùng vẫn yếu do chính sách chống dịch nghiêm ngặt Zero Covid và mức tăng thấp của thu nhập hộ gia đình.
Một trong những ảnh hưởng lớn nhất của sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào các nhà sản xuất hàng hoá cơ bản, nhất là các thị trường mới nổi có sự phụ thuộc lớn vào nhu cầu Trung Quốc.
Trong dự báo mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 4,8% trong năm 2022 và 5,2% trong năm 2023. Tốc độ tăng trưởng như vậy giảm nhiều so với mức tăng hàng năm khoảng 8% mà Trung Quốc đạt được trong thời gian từ 2014-2019, đồng thời thấp hơn nhiều so với tiềm năng tăng trưởng hàng năm 5,1-5,7% mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho là nước này có được trong vòng 5 năm tính đến 2025. Năm 2021, GDP Trung Quốc tăng trưởng 8,1%.
Sự giảm tốc của Trung Quốc năm 2021 được bù đắp bởi tốc độ tăng cao hơn trung bình của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi các khoản tiền kích cầu và tiêu dùng mạnh mẽ của người dân đã giúp thúc đẩy sự hồi phục từ đại dịch.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được IMF dự báo chỉ đạt 4,4% trong năm 2022, giảm nhiều hơn mức tăng 5,9% đạt được trong năm ngoái, một phần do các gói kích cầu ở Mỹ đã hết tác dụng và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc. Tuy vậy, mức tăng dự báo này vẫn cao hơn so với những năm trước đại dịch.
Ông Louiis Kujis, Trưởng Bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics, cho rằng một trong những ảnh hưởng lớn nhất của sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào các nhà sản xuất hàng hoá cơ bản, nhất là các thị trường mới nổi có sự phụ thuộc lớn vào nhu cầu Trung Quốc.
Giá một số kim loại như nickel và nhôm hiện vẫn đang duy trì ở mức cao do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu lớn cho sản xuất những mặt hàng như ô tô điện. Tuy nhiên, giá quặng sắt – mặt hàng Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Australia và Brazil – đã rớt giá hơn một nửa trong thời gian từ giữa tháng 7 đến nay, do mối lo về nhu cầu của Trung Quốc, nước chiếm hơn một nửa sản lượng thép của thế giới.
Ảnh hưởng của sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ nói chung có thể chỉ ở mức độ không rõ ràng, xét tới tốc độ tăng trưởng mạnh hiện nay của kinh tế Mỹ - theo nhận định của ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á tại Capital Economics. Dù vậy, sự giảm tốc của Trung Quốc chắc chắn có khả năng gây suy giảm tăng trưởng doanh thu của các công ty, tập đoàn của Mỹ có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
Các nhà điều hành của tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng Procter & Gamble Co nói rằng doanh thu của hãng này tại thị trường Trung Quốc chuyển sang trạng thái đi ngang trong quý 4/2021, thay vì tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt 4-5 năm qua.
RỦI RO LẠM PHÁT VÀ BÁN THÁO TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
Trao đổi với tờ Wall Street Journal, ông Tod Carpenter, CEO của Công ty sản xuất hệ thống lọc có tên Donaldson Co. Inc. đặt trụ sở ở Minneapolis, cho biết trong một cuộc gọi công bố kết quả kinh doanh mới đây rằng công ty nhận thấy “lượng đơn đặt hàng rất lớn có thể sắp đến” từ các nhà sản xuất động cơ và công nghiệp ở Mỹ, trong khi thị trường Trung Quốc là “điểm yếu duy nhất”.
Châu Âu cũng đang cảm nhận rõ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Hãng xe Đức Volkswagen cho biết doanh số tại Trung Quốc, thị trường quốc gia lớn nhất của hãng, đã giảm khoảng 37% trong quý 4 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số tại thị trường Bắc Mỹ giữ vững được doanh số
Một tin tốt là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng đồng nghĩa với bớt đi một nguồn áp lực lạm phát. Nếu Trung Quốc tăng trưởng nóng, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị kéo căng hơn nữa, giữa lúc toàn chuỗi đã phải căng mình đáp ứng nhu cầu của thị trường phương Tây đối với các sản phẩm từ linh kiện bán dẫn cho tới đồ chơi trẻ em. Trong trường hợp như vậy, giá cả hàng hoá sẽ tiếp tục leo thang.
Nền kinh tế Đức giảm tốc mạnh trong quý 4, với GDP suy giảm 0,7% trong quý 4 so với quý 3, dù tăng trưởng 2,8% trong cả năm. Giới chuyên gia kinh tế nói rằng một nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế Đức giảm tốc là sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Đức.
Một kênh nữa mà sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác là thông qua du lịch. Theo Học viện Du lịch Trung Quốc (CTA), năm ngoái chỉ có khoảng 25 triệu lượt du khách Trung Quốc ra nước ngoài, giảm 83% so với năm 2019.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2021, một phần do lượng khách du lịch quốc tế ít ỏi. Năm 2019, du khách Trung Quốc đóng góp hơn 27% thu nhập của ngành du lịch Thái Lan.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, một tin tốt là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng đồng nghĩa với bớt đi một nguồn áp lực lạm phát. Nếu Trung Quốc tăng trưởng nóng, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị kéo căng hơn nữa, giữa lúc toàn chuỗi đã phải căng mình đáp ứng nhu cầu của thị trường phương Tây đối với các sản phẩm từ linh kiện bán dẫn cho tới đồ chơi trẻ em. Trong trường hợp như vậy, giá cả hàng hoá sẽ tiếp tục leo thang. “Kinh tế Trung Quốc giảm tốc giúp làm giảm bớt những áp lực này”, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của HSBC, ông Frederic Neumann, nhận định.
Dù vậy, vai trò của Trung Quốc trong việc ghìm giữ lạm phát toàn cầu không phải là một điều được đảm bảo chắc chắn. Nếu Omicron - biến chủng Covid-19 đã xuất hiện ở một số tỉnh thành Trung Quốc – tiếp tục gây bùng phát dịch và buộc Trung Quốc phải phong toả ở nhiều nơi, giá hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng cao hơn. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cứ 10% tăng thêm trong giá xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc do các vấn đề về chuỗi cung ứng, thì tăng trưởng GDP toàn cầu lại thiệt hại 0,7 điểm phần trăm.
Ngoài ra, còn có một rủi ro là kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc mạnh hơn những gì đang được dự báo ở thời điểm hiện tại, nhất là nếu thị trường bất động sản Trung Quốc sụt giảm sâu hơn và các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường tài chính nước này.
“Giới đầu tư toàn cầu đôi lúc hoảng sợ khi nghĩ đến sự giảm tốc ở Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Capital Economics, ông Williams, phát biểu. Cần nhớ là năm 2015, nỗi sợ về một đợt hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc, đã dẫn tới một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn có nguy cơ xảy ra một đợt bán tháo lớn trong ngắn hạn nếu mối lo về sự giảm tốc của Trung Quốc lan rộng trên thị trường. “Nhưng tôi không cho rằng điều này có ảnh hưởng kéo dài”, ông Williams nhận định.