Lừa đảo trực tuyến và 4 khuyến cáo quan trọng với người mua hàng
Trước các vụ việc người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền khi mua hàng hóa, dịch vụ trên mạng, đặc biệt là vụ 23.000 đơn hàng sập bẫy lừa mua giống lúa không có thật VST-899…, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an đưa ra các khuyến cáo quan trọng...
Những năm gần đây, lừa đảo trực tuyến đã và đang trở thành vấn nạn trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Các đối tượng lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao, gây bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
HƠN 23.000 ĐƠN HÀNG SẬP BẪY GIỐNG LÚA “ẢO”
Ngày 4/7/2024, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố 7 bị can về hành vi lừa bán giống lúa không có thật VST-899, chiếm đoạt 7,8 tỷ đồng.
Theo đó, cơ quan công an xác định các đối tượng có hành vi dùng thủ đoạn gian dối bằng cách lấy thóc thu hoạch của gia đình và mua thêm các loại thóc giá rẻ sau đó tự đóng túi nilong loại 1kg, đặt in nhãn mác giống lúa VST-899 dán lên bao bì của túi thóc.
Các đối tượng lấy các hình ảnh, video trên mạng sau đó chạy quảng cáo trên các trang Facebook để tiếp cận nhiều người. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam không có giống lúa VST-899, thông tin mà các đối tượng đưa ra đều không có thật.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên không gian mạng và khởi tố 07 bị can gồm: Nguyễn Văn Thịnh (sinh năm 1987), Trần Thị Hương (sinh năm 1987), Nguyễn Văn Đại (sinh năm 1981), Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1988), Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1986), Nguyễn Tiến Lâm (sinh năm 1988), Hà Thị Châm (sinh năm 2000) cùng trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, Cơ quan Công an thu giữ nhiều công cụ, phương tiện phạm tội gồm: thóc các loại, túi nilong, nhãn mác VST-899, các loại máy móc, thiết bị…
Quá trình điều tra xác định, từ khoảng tháng 5/2023 đến nay, với hành vi tương tự nhau, 3 nhóm đối tượng trên đã giao được trên 23.000 đơn hàng đến người dân trên khắp cả nước, tương đương với số tiền chiếm đoạt khoảng 7,8 tỷ đồng.
Thời gian qua, nhiều vụ việc lừa đảo với hình thức bán combo vé máy bay, điện thoại giá rẻ trên mạng hoặc làm thị thực (visa) ra nước ngoài cũng được đưa điều tra, đưa ra xét xử như vụ án Huỳnh Thị Kim Xuyến (ở Long An), Lê Nguyễn Qúy Minh (ở Hà Đông)… với mức hình phạt tương xứng.
4 KHUYẾN CÁO QUAN TRỌNG
Trước tình hình lừa đảo phổ biến trên mạng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an đã cảnh báo về các dấu hiệu lừa đảo mua hàng hóa, dịch vụ giá rẻ.
Đó là các đối tượng đăng tải bài viết quảng cáo các loại hàng hóa dịch vụ với mức giá rẻ hơn so với thị trường. Khi người dân liên hệ, các đối tượng tạo vỏ bọc uy tín, yêu cầu người dân chuyển tiền đặt cọc hoặc trả tiền trước, sau đó chiếm đoạt số tiền trên.
Hoặc các đối tượng đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm thị thực (visa) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản đặt cọc hoặc thanh toán trước chi phí, các đối tượng yêu cầu nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ rồi lấy lý do khác nhau để không trả lại tiền.
Các đối tượng cũng giả mạo websire/fanpage của công ty du lịch uy tín, làn giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Khi khách hàng chuyển tiền thì bị chiếm đoạt và chặn liên lạc.
Tội phạm có thể mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, đăng tải nhiều bài viết thể hiện việc đặt vé máy bay cho nhiều đoàn khách khác nhau.
Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin hoặc sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để tạo vé giả, yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận tiền, các đối tượng không xuất vé máy bay và cắt liên lạc.
Từ đó, Bộ Công an khuyến cáo 4 cách phòng ngừa sau đây:
Thứ nhất, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lực chọn mua sắm hàng hóa hoặc các gói dịch vụ trên mạng; nên lựa chọn mua hàng, dịch vụ đặt tour, đặt phòng, vé máy bay… của công ty uy tín. Để yên tâm, người dân có thể đề nghị đối tác cho xem hóa đơn, chứng từ, giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề…; đề nghị thanh toán sau khi nhận và kiểm tra hàng với các giao dịch mua hàng trực tuyến.
Thứ hai, người dân cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường, tên các website giả sẽ gần giống với các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tư. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz,.tk…
Thứ ba, với các trang mạng xã hội hoạt động mua bán, quảng bá các gói dịch du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (đã được xác thực) hoặc chọn trang mạng xã hội uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.
Thứ tư, người dân phải lưu lại thông tin liên quan để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan công an để được hướng dẫn giải quyết.
Khi nghi ngờ bản thân có biểu hiện đang bị lừa đảo qua mạng, hãy tìm kiếm thông tin về các hình thức lừa đảo hoặc xin sự tư vấn từ bạn bè, người thân. Đừng ngại ngùng chia sẻ câu chuyện của mình đang gặp phải, người bên ngoài sẽ luôn có tâm lý bình tĩnh, tỉnh táo hơn.
Đồng thời liên hệ với ngân hàng chủ quản để báo cáo sự việc và đề nghị hỗ trợ. Cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử…