09:33 05/03/2021

Ngành thủy sản: Chủ động đối mặt và thích nghi với 3 chữ "biến"

Chu Khôi

Ngành đánh bắt và xuất khẩu hải sản nói riêng, nông nghiệp nói chung đều phải đối mặt với những chữ "biến": biến đổi khí hậu; biến chuyển xu thế tiêu dùng; biến đổi về hàng rào pháp lý ở thị trường tiêu thụ

Thị trường hải sản đang găp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của đại dịch covid-19
Thị trường hải sản đang găp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của đại dịch covid-19

Bởi vậy, khi cùng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc với Tổng cục Thủy sản về khai thác và tiêu thụ hải sản, vào chiều 2/3/2021,Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: cần phải chủ động cập nhật thông tin, linh động trong các tình huống để thích nghi.

KHAI THÁC HƠN 3,6 TRIỆU TẤN/NĂM 

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 94.572 tàu cá. Trong đó có: 45.950 tàu cá chiều dài từ 6-12m; 18.425 tàu cá chiều dài từ 12-15m; 27.575 tàu cá chiều dài từ 15-24m; 2.662 tàu cá có chiều dài lớn hơn 24m. Số lượng tàu cá phân theo nhóm nghề khai thác chính như sau: nghề lưới kéo 17.078 chiếc, chiếm 18,1%; nghề lưới vây 7.212 chiếc, chiếm 7,6%; nghề lưới rê 33.538, chiếm 35,5%; nghề câu 16.043 chiếc, chiếm 17%; nghề khác 17.543 chiếc, chiếm 18,5%; tàu dịch vụ hậu cần 3.158 chiếc, chiếm 3,3%. Hiện đã có 4.227 tổ đội sản xuất trên biển đang hoạt động với sự tham gia của 29.588 tàu cá, 179.60 lao động trên các vùng biển.

Ngành thủy sản: Chủ động đối mặt và thích nghi với 3 chữ "biến" - Ảnh 1"Tại sao chúng ta không xã hội hóa một phần dịch vụ, để kết nối doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm với ngư dân? Qua đó tuyên truyền, vận động và đào tạo kiến thức cho ngư dân để giải quyết các bất cập trong lĩnh vực thủy sản như các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Tôi nghĩ, nếu làm được như vậy, thì doanh nghiệp sẽ rất hào hứng tham gia, bởi chính doanh nghiệp cũng cần truy xuất nguồn gốc sản phẩm, muốn có nguyên liệu sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn sản phẩm.
Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

Cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá đang ngày càng được mở rộng và phát triển. Đến nay, toàn quốc đã có 51 cảng cá được công bố mở cảng, trong đó có 3 cảng loại I do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công bố. Bộ đã công bố 3 đợt với 41 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản theo quy định. Cả nước cũng đã xây dựng được 66 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thuộc 24 tỉnh thành phố với sức chứa cho tối đa 42.464 tàu cá được công bố, thông tin để các chủ tàu biết, lựa chọn neo đậu khi có bão trong năm 2018.

Tổng cục Thủy sản cũng đã tổ chức thẩm định 27 cơ sở và công nhận 26 cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá là các chi cục thủy sản và trung tâm đăng kiểm tàu cá trực thuộc chi cục thủy sản; trong đó: 9 cơ sở loại I, 12 cơ sở loại II, 5 cơ sở loại III. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; đến nay đã có gần 26.000 tàu cá lắp đặt (đạt 84%).

Thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 17, tính đến hết năm 2020, ngành ngân hàng đã cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu đánh cá. Trong đó: cho vay đóng mới là 1.031 chiếc, chiếm 49,63% tổng số 2.284 chiếc được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương (vỏ thép là 359 chiếc, tàu vật liệu mới là 98 chiếc, tàu vỏ gỗ là 574 chiếc; 864 tàu khai thác, 167 tàu dịch vụ hậu cần).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã xuất hiện các khó khăn, vướng mắc như: đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá chưa đạt được mục tiêu của Nghị định, ngân sách bố trí để thực hiện chính sách này còn hạn chế. Các công trình hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải; cho vay vốn lưu động đạt thấp so với số ngư dân có nhu cầu, do mức ưu đãi vay vốn lưu động 6,5% là chưa cao trong khi cơ chế cho vay vẫn là cơ chế cho vay thương mại thông thường, thủ tục phê duyệt qua nhiều cấp, phương thức cho vay chưa phù hợp, vay theo mỗi chuyến biển nên hàng tháng phải làm thủ tục vay nên không thuận lợi cho ngư dân. Đến nay, mới có 62% số tàu cá xa bờ tham gia chính sách bảo hiểm và 56% ngư dân đi khai thác trên biển được hưởng chính sách.

Năm 2020, sản lượng khai thác biển đạt 3,63 triệu tấn cá các loại. Năm 2020, cả nước đã cấp được hơn 3.000 giấy chứng nhận thủy sản khai thác với khối lượng đạt khoảng 38 nghìn tấn hải sản xuất khẩu, trong đó có 2.500 giấy chứng nhận phục vụ cho xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo Tổng cục Thủy sản, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mọi mặt. Thị trường hải sản đang gặp nhiều bất lợi, khâu tiêu thụ và lưu thông nhiều thị trường bị gián đoạn. Giá bán sản phẩm khai thác phục vụ nhà hàng và xuất khẩu bị giảm sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của ngư dân. Cùng với đó, tình hình an ninh trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên biển. Cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu đối với khai thác hải sản của Việt Nam, kèm theo các khuyến nghị, vướng mắc trong thủ tục xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác vào thị trường EU tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân.

ĐỨT GÃY CHUỖI SẢN XUẤT - TIÊU THỤ 

Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhận định, một trong những trở ngại cho phát triển đánh bắt hải sản hiện nay chính là hạ tầng hậu cần nghề cá (cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão) chưa đáp ứng sự phát triển và yêu cầu đặt ra. Hầu hết cảng cá được xây dựng từ lâu nên thiếu nhiều hạng mục theo quy định trong Luật Thủy sản 2017 như: các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện, nước...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu tình trạng vẫn đứt rời chuỗi sản xuất tiêu thụ của ngành thủy sản. Ông chia sẻ, "Tôi về cảng cá Sông Cầu (Phú Yên), chính quyền địa phương nói rằng chưa có cơ chế gì tập hợp ngư dân với ngư dân, ngư dân với doanh nghiệp. Ngày trước còn có nghiệp đoàn, bây giờ nghiệp đoàn giải tán rồi, ngư dân chỉ biết dựa vào đầu nậu thôi. Đầu nậu cung cấp dầu, đá lạnh, thậm chí là nhu yếu phẩm cho các tàu cá. Khi tàu đánh bắt cập cảng phải giao lại cá cho đầu nậu, từ đó nảy sinh rất nhiều tranh chấp về giá cả, mâu thuẫn. Một số người vì không chấp nhận sự thua thiệt, đã phải chở cá từ Phú Yên ra Đà Nẵng, Nha Trang để bán với giá cao hơn. Như vậy rất vất vả".

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu không giải quyết được mối quan hệ này thì sinh kế của hơn 3 triệu ngư dân sẽ luôn phập phồng, như kiểu đánh bạc vậy. Để làm được điều đó, Nhà nước cần ở giữa để kéo ngư dân và doanh nghiệp ngồi lại với nhau, tạo ra chuỗi liên kết phát triển bền vững hơn. Từ trước tới nay, chúng ta chỉ tập trung vào chuyện đầu tư, mở rộng cảng cá, nhưng có khi nào chúng ta ngồi lại để nghĩ đến mô hình phát triển cảng cá đó? Cảng cá không chỉ là nơi để tàu thuyền neo đậu, trao đổi sản phẩm, bơm dầu và bốc xếp đá lạnh. Mỗi cảng cá quản lý một vùng ngư trường. Họ quản lý được có bao nhiêu tàu gần bờ, tàu xa bờ, các tàu cá hoạt động thế nào.

Cũng theo ông Hoan, ngành thủy sản hay trồng trọt, chăn nuôi đều phải đối mặt với chữ "biến". Một là biến đổi khí hậu. Hai là biến chuyển xu thế tiêu dùng. Ba là biến chuyển xu thế tiêu dùng. Ngành thủy sản đang đứng giữa sức ép tăng trưởng với sự đánh đổi về môi trường sinh thái; giữa khai thác và bảo tồn; giữa tăng trưởng số lượng và chất lượng... Chúng ta mở được thị trường này, nhưng rất có thể là phải đóng thị trường khác do những rào cản kỹ thuật...

Trong 28 quốc gia từng bị Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản khai thác nhập khẩu vào thị trường EU, đến nay 22 quốc gia đã khắc phục xong, được EU ngừng cảnh báo. Việt Nam là 1 trong 6 nước chưa gỡ được thẻ vàng. 

"Phải luôn quan niệm việc thay đổi các bất cập là làm cho mình, chứ không phải để chống đỡ với những thẻ phạt của ai đó. Phải coi đó là việc xây dựng và tô đẹp hình ảnh quốc gia. Thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại của sự biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Quan trọng là chúng ta cần phải chủ động cập nhật thông tin, linh động trong các tình huống để thích nghi", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.