Nghỉ hưu sớm do tinh gọn bộ máy, hưởng lương hưu thế nào?
Một số trường hợp nghỉ hưu trước tuổi (nghỉ hưu sớm), nghỉ thôi việc theo chính sách tinh gọn bộ máy sẽ không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa thông tin về chính sách đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc do quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 178/2024/NĐ-CP về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo đó, một số trường hợp nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định này được hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu.
Theo khoản 2, Điều 7, Nghị định 178, được sửa đổi bởi khoản 5, khoản 6, Điều 1 Nghị định 67, người nghỉ hưu trước tuổi do sắp xếp tổ chức bộ máy, nếu thuộc các đối tượng tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2 của Nghị định này, sẽ không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu, dù nghỉ sớm từ 2 đến 10 năm so với tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Cụ thể, có 3 nhóm đối tượng sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu nếu đáp ứng điều kiện về tuổi đời, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đặc thù công việc.
Bao gồm: Có tuổi đời còn từ đủ 2 năm đến dưới 5 năm so với tuổi nghỉ hưu, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Có tuổi đời còn trên 5 đến dưới 10 năm so với tuổi nghỉ hưu, đủ điều kiện hưởng lương hưu; Có tuổi đời còn từ đủ 2 đến dưới 5 năm so với tuổi nghỉ hưu, từng làm việc ít nhất 15 năm ở vùng đặc biệt khó khăn, hoặc làm nghề độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm.
Cũng theo nghị định 67, cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và lực lượng vũ trang do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ lương hưu.
Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng bao nhiêu thì vẫn phải căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Đó là: lao động nam hưởng tỷ lệ 45% tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; lao động nữ hưởng tỷ lệ 45%, tương ứng với 15 năm đóng.
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động được tính thêm 2% cho đến khi chạm mức tối đa bằng 75%. Như vậy, lao động nam phải có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ phải có 30 năm đóng mới được nhận lương hưu tối đa 75%.
Do đó, với quy định tại Nghị định 67 sửa đổi về nghỉ hưu trước tuổi, thì mức hưởng lương hưu hằng tháng khi nghỉ hưu trước tuổi của cán bộ, công chức viên chức và người lao động vẫn giữ mức từ 45% đến 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, trong 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người hưởng lương hưu, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết chi trả cho người lao động.
Để giải quyết chế độ hưu trí, cán bộ sẽ căn cứ vào hồ sơ do đơn vị sử dụng lao động chuyển đến (gồm cả quyết định nghỉ hưu đối với người lao động). Thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ hưu trước tuổi.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết ngay chế độ hưu trí cho người lao động, đảm bảo chi trả lương hưu kịp thời. Nếu đơn vị sử dụng lao động đã ban hành quyết định hưởng lương hưu, nhưng chưa chuyển hồ sơ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết thì việc trả lương hưu sẽ thực hiện sớm nhất sau khi có đủ hồ sơ.
Bộ luật Lao động 2019 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Theo lộ trình này, năm 2025, lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường nghỉ hưu ở 61 tuổi 3 tháng, còn lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 56 tuổi 8 tháng.