08:51 13/05/2023

Người trẻ Trung Quốc vỡ mộng với ‘giấc mơ Bắc Âu’

Nguyễn Tuyên

Giới trẻ Trung Quốc đang chuyển đến Thụy Điển với số lượng kỷ lục, nhằm tìm kiếm điều kiện sống và làm việc tốt hơn. Nhưng thực tế phũ phàng tại đây đã khiến nhiều người “vỡ mộng”…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: VCG/Sixth Tone.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: VCG/Sixth Tone.

Sau nhiều năm làm việc trong ngành tài chính của Trung Quốc, Helen Wang cảm thấy gần như kiệt sức. Cô đã chán ngấy với những giờ làm việc mệt mỏi, sau đó phải trực điện thoại ngay cả trong khoảng thời gian nghỉ ngơi quý báu của mình. Cô gái 28 tuổi muốn tìm một con đường mới.

BỊ THU HÚT BỞI THÔNG TIN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Sau đó, một người bạn gợi ý cô nên chuyển đến Thụy Điển, một quốc gia ở Bắc Âu. Trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, những nước Bắc Âu thường được miêu tả là nơi quyền của phụ nữ được tôn trọng, cha mẹ của những đứa trẻ nhận được sự hỗ trợ lớn của chính phủ và văn hóa làm việc tương đối thoải mái.

Wang bắt đầu theo dõi một số người Trung Quốc sống ở Thụy Điển và bị thu hút bởi những gì cô nhìn thấy. Năm ngoái, cô gái quê ở tỉnh Giang Tô này đã quyết định bỏ việc, chuyển đến Stockholm và bắt đầu học bằng thạc sĩ thứ hai tại thành phố này.

Nhưng mọi thứ không theo như kế hoạch đã định. Điều khiến Wang bất ngờ là chương trình học tiếng Thụy Điển. Đây là chương trình khó nhất mà cô từng học. Vào dịp Giáng sinh, sau khi hoàn thành việc học tại trường, cô vẫn không thể tận hưởng kỳ nghỉ đông của mình, và chưa có cơ hội đi du lịch ở bất cứ đâu. “Thụy Điển không như tôi mong đợi”, Wang chia sẻ với tạp chí Sixth Tone, “Tôi không thích cuộc sống của mình ở đây”.

Nhiều người Trung Quốc khác cũng chia sẻ nỗi lòng tương tự sau một thời gian chuyển đến Thụy Điển sinh sống. Trong vài năm qua, những người trẻ Trung Quốc đã chuyển đến Thụy Điển với số lượng kỷ lục. Trước khi đến đây, nhiều người lý tưởng hóa đất nước Bắc Âu này như một “liều thuốc giải độc” cho mọi vấn đề họ đang phải đối mặt. Nhưng sau khi đến nơi, họ mới nhận ra cuộc sống ở đây phức tạp hơn những gì họ thấy trên mạng xã hội.

Số lượng cư dân Trung Quốc ở Bắc Âu đã tăng lên trong những năm gần đây. Ở Thụy Điển, số lượng cư dân Trung Quốc đã tăng từ khoảng 8.000 lên hơn 38.000 người vào năm ngoái.

Các phương tiện truyền thông xã hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này. Trên các nền tảng xã hội của Trung Quốc, nhiều người trẻ đã gọi Scandinavia là “ngôi nhà thứ hai lý tưởng” của họ. Cụm từ “Phong cách Bắc Âu” đã trở thành một từ được sử dụng nhiều trong buôn bán, từ đồ nội thất, quần áo, đến sữa yến mạch.

Đặc biệt, chính sách của Thụy Điển cho phép các cặp vợ chồng 480 ngày nghỉ phép để chăm sóc con đã thu hút sự quan tâm lớn trong giới trẻ Trung Quốc, nơi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một vấn đề nan giải. Những người trẻ Trung Quốc sống ở Thụy Điển nói rằng nhiều khía cạnh của cuộc sống ở đây đã đáp ứng được kỳ vọng của họ. Nhưng cũng có một số mặt trái mà họ không lường trước được.

CHI PHÍ SINH HOẠT CAO

Đối với Wang, một trong những điều ngạc nhiên lớn nhất với cô là chi phí sinh hoạt cao ở Thụy Điển. Nhiều việc Wang từng làm mà không cần suy nghĩ ở Trung Quốc - từ đi ăn ngoài, đến mua cà phê mang về - giờ đây cô phải tránh để tiết kiệm tiền. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cô. Ở Trung Quốc, Wang thường xuyên đi ăn với bạn bè và khao khát có thời gian ở một mình. Hiện nay, cô phải tự nấu ăn ở nhà hầu hết các ngày. “Chi phí đi ăn ngoài ở Thụy Điển rất cao nên thường không ai muốn đi ăn cùng tôi”, cô nói.

Đối với nhiều người trẻ Trung Quốc, làm quen với ẩm thực Thụy Điển là một thách thức lớn - đó là vấn đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn. Cindy Zhao, 22 tuổi, đến từ Thượng Hải, kinh hoàng nhớ lại chuyến đi siêu thị gần đây ở Stockholm. Sau khi lang thang trên các dãy hàng, cuối cùng cô cũng tìm thấy một số loại cà chua như ở Trung Quốc, nhưng giá cao gấp 5 lần so với ở Thượng Hải.

Trong khi đó, Liang Yajun, 26 tuổi, đến từ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, cho biết cô tránh đồ ăn Thụy Điển bất cứ khi nào có thể. Giống như nhiều người Trung Quốc, cô nhận thấy các món cá và thịt nguội tại Thụy Điển không hợp khẩu vị. Liang cho biết cô đã trở thành khách hàng trung thành của các nhà hàng Trung Quốc và châu Á ở Thụy Điển. Khi nhớ những món ăn ngon của Trung Quốc, thỉnh thoảng cô bay đến Barcelona (Tây Ban Nha), Paris (Pháp) và các thành phố châu Âu khác có đông người Trung Quốc sinh sống.

Ngoài ra, mỗi mùa đông ở Thụy Điển đều là thử thách đối với những người Trung Quốc xa xứ sống ở đây. Vào tháng Giêng, mặt trời lặn trước 3 giờ chiều ở Stockholm. Việc thiếu ánh sáng ban ngày khiến cơ thể tiết ra ít melatonin hơn, từ đó có thể dẫn đến chứng mất ngủ và trầm cảm.

Wang cho biết mặc dù đã bổ sung vitamin D nhưng cô vẫn cảm thấy lo lắng và chán nản trong suốt những tháng mùa đông. Cô thường ăn thật nhiều để đối phó với sự lo lắng. “Tôi nhận thức được những rủi ro sức khỏe liên quan đến nó, nhưng tôi không thể kiểm soát lượng tiêu thụ của mình”, Wang nói, “Khi tôi thức dậy và đi ra ngoài, trời vẫn còn tối. Tôi chưa kịp làm gì nhiều thì trời đã tối trở lại. Tôi tự hỏi tại sao tôi vẫn làm việc sau khi trời tối”.

KHÔNG DỄ THÍCH NGHI

Đối với Yuan Zhiqian, 37 tuổi, từng sống ở Thụy Điển trong 3 năm, nói rằng những ngày mùa đông ngắn ngủi không phải là vấn đề lớn với anh. Nhưng anh thường cảm thấy dường như nhịp sống thoải mái tại Thụy Điển đang làm anh chậm lại, dần khiến anh “lạnh lùng và lười biếng”.

Người dân Thụy Điển được biết đến với việc làm mọi thứ chậm lại. Nhiều người dân địa phương trau dồi nghệ thuật sống Lagom - một thuật ngữ có nghĩa là “không quá nhiều cũng không quá ít”. Cuộc sống lagom cân bằng, nhẹ nhàng và không quá bận rộn. Nó cách xa sự hối hả không ngừng tại Thượng Hải và Bắc Kinh.

Trước khi trở về Trung Quốc vào năm 2011, Yuan đã nghĩ đến việc tiếp tục sống và làm việc ở Thụy Điển. Nhưng anh đã chọn quay trở về vì cảm thấy mình có thể có những trải nghiệm cuộc sống thú vị hơn ở đó. Cuối cùng, anh sống ở Thượng Hải, làm việc trong ngành công nghệ thông tin trong 6 năm trước khi làm nghề tự do. “Thụy Điển khá chậm rãi”, Yuan nói, “Nếu tôi sống ở đó, tôi vẫn sống cuộc sống như vậy ở tuổi 60”.

Mặc dù vậy, khi nhìn lại quãng thời gian ở Thụy Điển, Yuan cho biết, những mô tả về đất nước này trên mạng xã hội Trung Quốc là “đúng”. Cuộc sống bình yên và thoải mái như mọi người vẫn nói - vấn đề duy nhất là Yuan muốn một thứ gì đó hơn thế nữa. “Thụy Điển rất đẹp nhưng không dễ thích nghi”, Yuan nhận định.

Khi bận làm việc ở Trung Quốc, Yuan đôi khi nghĩ về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà anh có ở Thụy Điển. Anh ước mình có thể được hưởng chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ theo kiểu Thụy Điển sau khi con gái anh chào đời. Nhưng anh nói rằng không hối hận khi rời đi.

“Ngay cả khi ở Trung Quốc tốt, tôi vẫn sẽ nhớ Thụy Điển”, Yuan cho biết, “Rất ít quốc gia có thể sao chép mô hình của Thụy Điển. Nó đã đạt được sự bình đẳng theo nghĩa chân thật nhất”.