07:29 11/11/2022

Nhà đầu tư ngoại đua nhau rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc

Ngọc Trang

Trong tháng 9 và tháng 10, các nhà đầu tư ngoại đã bán ròng tổng cộng 68,5 tỷ Nhân dân tệ (9,45 tỷ USD) cổ phiếu niêm yết ở thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông...

Việc cổ phiếu Kweichow Moutai - thương hiệu được coi là biểu tượng của sự giàu sang - bị bán tháo cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang mất niềm tin và sự kiên nhẫn vào thị trường Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Việc cổ phiếu Kweichow Moutai - thương hiệu được coi là biểu tượng của sự giàu sang - bị bán tháo cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang mất niềm tin và sự kiên nhẫn vào thị trường Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Theo Nikkei Asia, các nhà đầu tư nước ngoài đang ồ ạt rút vốn khỏi các cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông do quan ngại về các biện pháp phòng dịch theo chính sách Zero Covid của Bắc Kinh cũng như tăng trưởng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong tháng 9 và tháng 10, các nhà đầu tư ngoại đã bán ròng tổng cộng 68,5 tỷ Nhân dân tệ (9,45 tỷ USD) cổ phiếu niêm yết ở thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Tính từ đầu năm, các nhà đầu tư quốc tế đã bán ròng khoảng 9,6 tỷ Nhân tân tệ, ngược lại với xu hướng mua ròng của những năm trước.

Dòng vốn rút khỏi thị trường, thông qua liên thông giao dịch giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đã ảnh hưởng lớn tới các công ty khổng lồ của Trung Quốc như ngân hàng China Merchants Bank hay nhà sản xuất rượu Mao Đài - công ty Kweichow Moutai.

Trong ba tháng qua, nhà đầu tư ngoại đã bán tổng cộng 18,7 tỷ Nhân dân tệ cổ phiếu Kweichow Moutai, hiện niêm yết ở Thượng Hải, do lo ngại công ty này sẽ bị thiệt hại do chiến dịch “thịnh vượng chung” hướng tới thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong nước của Chính phủ Trung Quốc.

Từ tháng 1 đến nay, giá cổ phiếu Kweichow Moutai đã mất gần 30% giá trị. Giới đầu tư cho rằng nhu cầu đối với loại rượu baijiu nổi tiếng sẽ sụt giảm do các chính sách mới của Chính phủ và nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng yếu nhất trong nhiều thập kỷ.

“Kweichow Moutai, được coi là biểu tượng của sự giàu sang, sẽ phải đối mặt với ‘một cơn gió ngược' do tác động của các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo”, ông Stevan Tam, giám đốc nghiên cứu ở Hồng Kông của Fulbright Securities, cho biết. “Việc cổ phiếu công ty này bị bán tháo cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang mất niềm tin và sự kiên nhẫn vào thị trường Trung Quốc”.

Dù tăng điểm mạnh trong tuần qua, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông vẫn giảm khoảng 30% so với thời điểm tháng 1. Trong khi đó, chỉ số SSE Composite Index của thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 16% trong cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngược lại với khối ngoại, các nhà đầu tư trong nước của Trung Quốc lại đặt cược rằng Chính phủ sẽ sớm nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid gây tranh cãi như phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt dù chỉ phát hiện một số ít ca nhiễm. 

Tính từ đầu năm, các nhà đầu tư trong nước của Trung Quốc đã rót khoảng 363,86 tỷ Đôla Hồng Kông (tương đương hơn 46,3 tỷ USD) vào các cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông, thông qua giao dịch liên thông, dù Chỉ số Công nghệ Hang Seng đã giảm khoảng 40% và các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đang đối mặt nền kinh tế suy yếu cũng như chiến dịch siết quản lý của Bắc Kinh.

 

Trung Quốc có thể bắt đầu mở cửa trở lại vào quý 2/2023. Việc mở cửa trở lại có thể giúp chứng khoán Trung Quốc tăng tới 20% với khoảng 2.600 tỷ USD được bơm vào thị trường. Tuy nhiên, thị trường cũng có thể sụt 15% trong trường hợp Bắc Kinh không mở cửa hoặc trì hoãn việc này.

Ngân hàng Goldman Sachs

Nhà đầu tư trong nước của Trung Quốc cũng đã rót khoảng 37 tỷ Đôla Hồng Kông (4,71 tỷ USD) vào các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đang niêm yết ở nước ngoài. Trong đó, cổ phiếu tập đoàn công nghệ Tencent hút được nhiều tiền nhất, khoảng 36,8 tỷ Đôla Hồng Kông trong 3 tháng qua.

"Bắc Kinh hiện duy trì chính sách chống dịch nghiêm ngặt, nhưng một bộ phận nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đang đặt cược gần như chắc chắn rằng Chính phủ sẽ nới lỏng biện pháp phòng dịch và kỳ vọng sẽ thu lời trong ngắn hạn dựa trên các tin đồn về việc mở cửa", ông Thomas Fung, CIO ở Hồng Kông của China Rise Securities Asset Management, nhận xét.

Theo một số ngân hàng toàn cầu, một hội nghị hôm thứ Bảy tuần trước do cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc tổ chức là tín hiệu cho thấy khả năng Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách Zero Covid.

“Những nhấn mạnh về việc thực thi chính sách chống dịch tại hội nghị này có thể dẫn tới việc nới lỏng phần nào trong thực tế”, ngân hàng Citi cho biết trong một báo cáo phân tích thị trường đầu tuần này. “Việc phòng chống Covid ở một số địa phương được cho là đang thái quá”.

Trong khi đó, chuyến thăm tới Trung Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và những kỳ vọng về việc Bắc Kinh bật đèn xanh cho phép tiêm vaccine Covid công nghệ mRNA của BioNTech cho người nước ngoài ở quốc gia này cũng là “tin tức đáng khích lệ và là một tín hiệu về việc mở cửa” - theo nhận định của ngân hàng Goldman Sachs.

“Việc mở cửa trở lại có thể giúp chứng khoán Trung Quốc tăng tới 20% với khoảng 2.600 tỷ USD được bơm vào thị trường”, các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định, đồng thời dự báo Trung Quốc sẽ bắt đầu mở cửa trở lại vào quý 2/2023.

Tuy nhiên, ngân hàng Mỹ cũng cảnh báo thị trường có thể sụt 15% trong trường hợp Bắc Kinh không mở cửa hoặc trì hoãn việc này.