11:15 30/10/2017

Phân cấp phân quyền: Mới chỉ có Thủ tướng làm mạnh

Hà Vũ

Cấp này phải xin ý kiến cấp kia, cấp kia lại xin ý kiến cấp nọ, không biết bao giờ trả lời, nên thiệt thòi trước hết là người dân và doanh nghiệp

Đại biểu Nguyên Thị Quyết Tâm trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Nguyên Thị Quyết Tâm trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Cấp này phải xin ý kiến cấp kia, cấp kia lại xin ý kiến cấp nọ, không biết bao giờ trả lời, nên thiệt thòi trước hết là người dân và doanh nghiệp, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Tp.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng 30/10.

Vấn đề được bà Tâm đề cập nằm trong nội dung được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao: kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016

Đề cập vấn đề phân cấp, phân quyền, đại biểu Tâm cho rằng Thủ tướng thì rất mạnh mẽ nhưng Chính phủ và các bộ ngành chưa mạnh mẽ.

 "Tôi thấy có những quyền của Thủ tướng, Thủ tướng mạnh dạn phân cấp cho địa phương, nhưng một số bộ ngành lại không mạnh dạn và không quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền. Không thể để các bộ ngành kéo dài việc đó được mà Quốc hội phải trong thẩm quyền của mình phải giám sát, và đã rõ rồi thì Quốc hội phải quyết định. Tôi cho rằng đây là cơ hội để Quốc hội quyết định trong nghị quyết của mình", bà Tâm nói.

Theo nhận xét của đại biểu Tâm thì tình trạng hội họp nhiều gây lãng phí về thời gian, kinh phí, quyết định vấn đề chậm, báo cáo giám sát có nói đến nhưng chưa phân tích sâu, chưa điểm huyệt đúng tình trạng này.

Đại biểu Tâm phân tích: chậm xử lý, hội họp nhiều là tổ chức còn dàn trải đều từ Trung ương đến phường xã, một việc mà cả 4 cấp đều làm, nhiệm vụ chức năng chồng chéo nhau thì đương nhiên phải họp. Cấp này lại phải xin ý kiến cấp kia, cấp kia lại xin ý kiến cấp nọ, không biết bao giờ trả lời, nên thiệt thòi trước hết là người dân và doanh nghiệp. Cồng kềnh nên đẻ ra "chạy", đẻ ra né tránh trách nhiệm vì quá nhiều người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm thì lấy ai là người chịu trách nhiệm chính.

Phó bí thư Tp.HCM cũng nhấn mạnh, một việc, một cấp một người đứng đầu chịu trách nhiệm thì đã nói nhiều rồi, nhưng khi giám sát chưa chỉ ra cụ thể hạn chế đó trách nhiệm của ai? Vì sao để kéo dài như vậy? Nó còn kéo dài nữa không khi nghị quyết về giám sát của Quốc hội ra đời?

Nói và làm phải đi đôi vơi nhau thì người dân mới đỡ khổ. Những vấn đề khó thì cấp phải chịu trách nhiệm chính lại né tránh dựa vào lỗ hổng của pháp luật, dựa vào sự cào bằng về trách nhiệm nên đi hỏi cấp trên, cấp trên hỏi cấp trên nữa, lên tận Chính phủ, cuối cùng người dân phải dài cổ chờ đợi. Do quy định của pháp luật nên các cấp chính quyền dễ né tránh, vi phạm thưc hiện nhiệm vụ ở cấp của mình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, bà Tâm nhìn nhận.

Vấn đề tiếp theo được đại biểu Tâm quan tâm chính là vai trò của cấp chính quyền xã, phường. "Đây là cấp chính quyền sát dân nhất, như một cái lu, bao nhiêu nước máng xối là đổ về cái lu này. Tôi đề nghị cần xác định chức năng nhiệm vụ cho đúng đắn, từ đó biên chế thế nào cho đủ để làm việc, tránh việc có biên chế mà không chuyên trách. Chuyên trách và không chuyên trách lằn ranh về nhiệm vụ rất mong manh, nhưng chế độ lại rất khác biệt, sinh ra không công bằng", đại biểu Tâm phân tích.

Một vấn đề khác cũng được đại biểu đề cập là nâng cao thu nhập của cán bộ công chức một cách chính đáng để họ đủ sống ở trung bình khá trở lên mới toàn tâm toàn ý làm việc được.

Theo đại biểu thì  mức lương hiện nay thực sự là quá thấp, cần có cơ chế khoán kinh phí một cách chủ động cho chính quyền địa phương, tự họ sẽ quyết định lương cán bộ phù hợp với năng suất lao động, chức năng được giao. Như vậy, công vụ của cán bộ công chức đi song hành với chế độ mà họ được thụ hưởng.

Trong cuộc trao đổi, phóng viên cũng đề cập đến thông tin từ báo cáo của Chính phủ có nói công chức địa phương vượt hơn 8000 người so với quy định, trong đó Tp, HCM cũng vượt khá nhiều.

Trả lời vấn đề này, bà Tâm cho rằng Chính phủ  và Quốc hội phải thấy rõ ràng rằng thời gian qua chúng ta phân biên chế có tính cào bằng. Nghĩa là không phân định được tính chất của từng địa phương: số dân, địa vị chính trị, nền kinh tế, số lượng công vụ mà bộ máy ở đó phải đáp ứng.

"Tp.HCM có trên dưới 10 triệu dân, lượng công vụ ở đó gấp bao nhiêu lần địa phương khác, vậy thì tổ chức bộ máy phải tương thích với nhiệm vụ đó, không thể cào bằng như vậy được. Việc này phải được bàn đến trong kỳ họp này. Thời gian qua tổ chức bộ máy bất cập với một số địa phương có nhiệm vụ nặng nề và lãng phí với địa phương có ít dân và nhiệm vụ. Nói như vậy không có nghĩa là Tp. HCM đã làm tốt hết, chúng tôi vẫn tính toán sắp xếp lại, tinh giản, nhưng vẫn cần có chính sách thu hút người có khả năng phục vụ trong bộ máy", đại biểu Tâm cho biết.