07:42 06/09/2021

Philippines Airlines gia nhập danh sách hơn 20 hãng hàng không “sập tiệm” vì Covid-19

An Huy

Trước hãng này, đã có hơn 20 hãng bay khác trên thế giới phải tái cơ cấu hoặc dừng hoạt động vĩnh viễn kể từ khi đại dịch xuất hiện...

Một máy bay của Philippines Airlines - Ảnh: Bloomberg.
Một máy bay của Philippines Airlines - Ảnh: Bloomberg.

Philippine Airlines nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại New York vào hôm 3/9 trong bối cảnh Covid-19 khiến ngành hàng không toàn cầu điêu đứng. Trước hãng này, đã có hơn 20 hãng bay khác trên thế giới phải tái cơ cấu hoặc dừng hoạt động vĩnh viễn kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Hãng tin Bloomberg cho biết, Philippine Airlines - hãng hàng không quốc gia của đất nước Đông Nam Á - phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ nhằm tái cơ cấu nợ và duy trì hoạt động. Nhận được sự hậu thuẫn của các chủ nợ, kế hoạch trên nhằm giảm bớt 2 tỷ USD tiền nợ, bơm thêm 505 triệu USD vốn cổ phần mới và vốn vay mới từ cổ đông chính, cộng thêm150 triệu tiền vay mới từ các nhà đầu tư mới.

Cũng theo kế hoạch, số máy bay của Philippine Airlines sẽ giảm 25%. Năm nay, hãng đã cắt giảm 35% số nhân viên.

Phippines Airlines là hãng bay mới nhất tiến hành tái cơ cấu theo luật Mỹ. Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ cho phép doanh nghiệp phá sản được tái cơ cấu để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng sẽ do toà án đưa ra.

Giới chuyên gia cho biết Mỹ thường được chọn là nơi để các hãng hàng không đệ đơn xin phá sản, một phần vì luật của Mỹ có lợi hơn cho doanh nghiệp, một phần do hợp đồng giữa công ty với chủ nợ thường dựa trên luật bang ở New York hoặc Deleware. Những hãng bay đã xin phá sản ở New York gần đây có hãng Latam Airlines của Chile, Aeromexico của Mexico, hay Avianca của Colombia.

Đại dịch đã khiến hàng loạt hãng hàng không trên toàn cầu phải dừng bay, sa thải nhân viên và tìm kiếm sự giúp đỡ tài chính. Tái cơ cấu hoặc dừng hoạt động vĩnh viễn là hai lựa chọn cuối cùng đối với nhiều hãng bay.

Nguồn: Skift.
Nguồn: Skift.

Tại khu vực Đông Nam Á, số phận của Garuda Indonesia cũng đang mong manh. Theo tờ Nikkei Asia, hãng hàng không này đang cần từ 1,3-3 tỷ USD vốn mới. Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của Garuda là Chính phủ Indonesia lại không sẵn sàng bơm vốn.

Đối với PAL Holdings Inc., công ty mẹ của Philippine Airlines, những thách thức lớn đã có từ trước đại dịch. Hãng này đã liên tục báo lỗ từ quý 1/2017. Năm ngoái, công ty lỗ 71,8 tỷ Peso (1,4 tỷ USD), sau khi lỗ 10,3 tỷ USD trong năm 2019. Năm nay, giá cổ phiếu PAL Holdings đã giảm 7,6%, sau khi giảm 17% trong năm 2020.