17:00 28/04/2021

Phụ nữ luôn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất

Chu Khôi

90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ - những người có công việc không được pháp luật hiện hành công nhận vì họ được coi là một phần của khu vực kinh tế phi chính thức...

Hội thảo: Thực trạng lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Hội thảo: Thực trạng lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Một kết quả nghiên cứu “Thực trạng lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” vừa được chia sẻ tại Hà Nội vào sáng ngày 28/4/2021. 

 

Trong tất cả các ngành, rào cản mang tính cấu trúc đã hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ tới tài nguyên thiên nhiên, thông tin, công nghệ, thị trường và cơ hội đào tạo. Điều này, khiến họ gặp phải khó khăn trong phát triển năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy,  nông nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu ở Việt Nam và phụ nữ thường chịu tác động lớn hơn, vì họ chiếm phần đông lực lượng lao động trong ngành này. Bởi vậy, cần có công nghệ mới và đa dạng hóa sinh kế để phụ nữ nông dân ở nông thôn chủ động ứng với với những tác động của biến đổi khí hậu.

Ở lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, vấn đề an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu thường gây ra tác động nghiêm trọng hơn đến phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Trong khi, hầu hết các chính sách hiện có về quản lý tài nguyên nước chưa đề cập đến yếu tố giới, do đó chưa ứng phó hiệu quả với các tác động có yếu tố giới của tình trạng khan hiếm nước.

Trong ngành quản lý chất thải, 90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ - những người có công việc không được pháp luật hiện hành công nhận vì họ được coi là một phần của khu vực kinh tế phi chính thức.

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu này, bà Anne Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, hy vọng rằng những phát hiện chính sách trong báo cáo này và các khuyến nghị cho các ngành nghề chính sẽ hữu ích cho các đối tác Chính phủ để đảm bảo việc giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu có đáp ứng giới. Đảm bảo nguyên tắc bao trùm và dựa trên quyền để chúng ta có thể  cùng xây dựng một tương lai thực sự bền vững cho thế hệ này và các thế hệ mai sau.

Theo bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, Bản cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam đã đệ trình lên Công ước Khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu vào tháng 9/2020, trong đó có đề cập đến tác động giới của biến đổi khí hậu.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và bao trùm xã hội vào bản cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định. Việc này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia trên thế giới coi bình đẳng giới như một nội dung xuyên suốt trong NDC của mình.

Tuy nhiên, bà Elisa Fernandez cho rằng chúng ta cần nhiều hành động thực tế hơn nữa. Việt Nam vẫn chưa thể hiện được nội dung lồng ghép vấn đề giới vào các khuôn khổ chính sách, làm cơ sở cho việc thực hiện các nội dung của bản Đóng góp quốc gia tự quyết định cập nhật. Điều này thấy ở cả bốn lĩnh vực được xác định ưu tiên: nông nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải và năng lượng tái tạo.

TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên môi trường đánh giá sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động quản lý và hoạch định chính sách ngành còn hạn chế.