21:18 15/06/2010

Quy hoạch Thủ đô: Quốc hội lo ngại điều gì?

VNECONOMY

VnEconomy tổng hợp những phát biểu đáng chú ý tại phiên thảo luận của Quốc hội về đồ án quy hoạch Thủ đô

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang: Quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 tôi thấy thời gian ngắn quá- Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Nguyễn Đăng Vang: Quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 tôi thấy thời gian ngắn quá- Ảnh: TTXVN.
Đồng thuận về chủ trương, song còn rất nhiều băn khoăn, lo ngại khi Quốc hội cho ý kiến về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050.

VnEconomy tổng hợp những phát biểu đáng chú ý tại phiên thảo luận này, vào sáng nay (15/6).

Liệu con cháu có đồng ý?

Đại biểu Vũ Hồng Anh - Hà Nội  

"Báo cáo về quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 dày 32 trang của Chính phủ chủ yếu đề cập đến kết quả mà không đưa ra báo cáo tóm tắt các nội dung đã thực hiện trước đó. Do vậy một số đề xuất của đề án chưa có cơ sở luận cứ khoa học và thiếu tính thuyết phục. Ví dụ việc tính toán quy mô dân số hay việc lựa chọn trung tâm vị trí hành chính quốc gia đến năm 2050.

Việc lựa chọn Ba Vì là nơi xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050 bao gồm trụ sở các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ là không thuyết phục và thiếu luận cứ khoa học. Chuyển trụ sở của Chính phủ và các bộ, ngành lên Ba Vì làm xa thêm khoảng cách giữa trung tâm hành chính với vùng trọng điểm kinh tế, dẫn đến tăng chi phí cho quản lý điều hành.

Đề xuất của đồ án có tính đến ý kiến của con cháu chúng ta sau này không, liệu tác giả của đồ án có đảm bảo được rằng sau này con cháu chúng ta, những người sẽ ngồi vào vị trí như chúng ta hiện nay sẽ đồng ý với đề xuất chuyển dời trụ sở Chính phủ và các bộ, ngành lên Ba Vì không?".

Nên lấy tên khác cho đồ án

Đại biểu Hoàng Văn Toàn  - Vĩnh Phúc  

"Về tên gọi, đồ án xác định tên gọi là "quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội" như vậy chủ yếu tập trung về vấn đề xây dựng. Tuy nhiên trong nội dung có đề cập tới nhiều các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, vành đai xanh….

Do vậy theo tôi nên lấy tên là "quy hoạch chung đô thị Hà Nội". Như vậy thì vừa tập trung vào quy hoạch không gian, vừa đề cập tới nhiều nội dung khác trong quy hoạch và cũng đúng như tinh thần của Luật Quy hoạch đô thị.

Về thời gian quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, nhưng đây là đô thị đặc biệt, là thủ đô của đất nước và chúng ta cũng đang kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đông đô Hà Nội. Do vậy theo tôi có thể xác định tầm nhìn dài hơn tới 2100 hoặc xa hơn".

Đánh giá tác động môi trường chưa đầy đủ

Đại biểu Rcom Sa Duyên  - Gia Lai  

"Đánh giá tác động môi trường chiến lược như đồ án quy hoạch tôi thấy chưa đầy đủ. Ngoài ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái đất, hệ sinh thái và đa dạng sinh học thì cần có sự đánh giá tác động về môi trường việc làm của người nông dân khi bị thu hồi đất.

Đồ án chưa dự báo bao nhiêu nông dân được tạo công ăn việc làm ổn định cuộc sống để tăng thu nhập trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong tương lai nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề này tại vùng nông thôn thì người nông dân sẽ bỏ nông thôn lên thành phố tìm kiếm việc làm gây mất ổn định dẫn đến áp lực gia tăng dân số cho Thủ đô và có thể di dân đi tìm đất để mưu sinh.

Từ đó dẫn đến nạn phá rừng trồng cà phê, cao su và tạo ra điểm nóng về tranh chấp đất đai hiện đã và đang xảy ra ở các vùng miền. Quy hoạch thì rất đồ sộ và hoành tráng, nhưng nếu như các chính sách trong quy hoạch chưa hợp lý thì khó khả thi".

Khiếm khuyết của mô hình

Đại biểu Nguyễn Văn Hợp - Hải Dương  

"Mô hình thuyết minh đồ án chưa làm rõ một số điểm quan trọng, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau gây tranh luận và những bức xúc về mặt tâm lý không cần thiết. Như nói về khu đất dự trữ ở Ba Vì xây dựng các cơ quan của Chính phủ, hàm ý như xây dựng một Trung tâm hành chính quốc gia. Tôi cho đó khiếm khuyết của mô hình và thuyết minh.

Về hướng phát triển không gian, để hạn chế sự di chuyển theo hướng Đông - Tây, đồ án cần chỉ rõ hơn nữa hướng bố trí các cơ sở kinh tế dịch vụ phía Tây. Hiện nay nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế lớn được bố trí ở phía Đông, nhu cầu tập trung nhiều lao động nhưng không gian chủ yếu phát triển theo phía Tây.

Về trục Thăng Long, Thủ đô Hà Nội rất cần có một trục hướng tâm và đó là một điểm nhấn kiến trúc. Ý tưởng xây dựng trục Thăng Long là một ý tưởng táo bạo nhằm thực hiện một mục tiêu kép. Nhưng nếu không đạt được mục tiêu kép, mà cuối cùng chỉ đạt được mục tiêu đơn lẻ là giao thông hoặc hạ tầng kỹ thuật, thì vô hình chung chúng ta sẽ gây ra một sự tốn kém rất lớn cho ngân sách Nhà nước, cho việc giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật".

Nên có tượng đài độc lập

Đại biểu Nguyễn Văn Lưu  - Cà Mau  
 
"Có thể do thiếu thông tin hoặc ít được đi nghiên cứu nước ngoài, nhưng tôi được biết thủ đô của nhiều nước thì trung tâm chính trị, trung tâm hành chính đều gắn với nhau để dễ dàng phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Do đó tôi đề nghị xem xét lại việc di dời các cơ quan Chính phủ đến Ba Vì sau năm 2050. Cần quy hoạch xây dựng một trung tâm chính trị, trung tâm hành chính của cả nước tại Thăng Long, có thể Ba Đình hoặc Mỹ Đình, vừa là nơi linh thiêng, là thủ đô ngàn năm văn hiến cũng là thủ đô cả thế giới đều biết trong thế kỷ XX này.

Thứ ba, việc xây dựng tượng đài độc lập là rất cần thiết, thể hiện khí phách của một dân tộc ngàn năm văn hiến, một dân tộc có một nét văn hóa đậm đà bản sắc, một dân tộc liên tiếp chống thiên tai, hiểm họa để tồn tại, một dân tộc có truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Do đó tượng đài độc lập này cũng nên đặt ở vị trí Thăng Long để xứng ngang tầm vóc của thời đại".

Sửa quan điểm xây dựng và phát triển

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn  

"Về quan điểm xây dựng và phát triển Thủ đô, tôi để ý thấy trong báo cáo in đậm: "Xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành một thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại".  Tôi thấy đồ án này chỉ giao cho Bộ Xây dựng làm việc là chính, Bộ Xây dựng gồm các nhà kỹ thuật là chính, cho nên thành thật tôi nói với Bộ trưởng là câu văn này lủng củng lắm, không hợp lý.

Tại sao xanh lại đứng thứ nhất, hiện đại đứng thứ tư, xanh đã đủ chưa hay còn phải sạch, phải đẹp, phải gần gũi với con người, phải tôn lên giá trị con người. Tôi nghĩ đấy mới là tư tưởng chỉ đạo.

Làm cho Hà Nội trở thành một thành phố văn hiến, tôi không hiểu thế là thế nào? Hà Nội đã có 1.000 năm văn hiến, bây giờ lại làm cho nó trở thành văn hiến nghĩa là thế nào? Hay phải chăng phải kết hợp truyền thống với hiện đại?

Tôi xin mạnh dạn kiến nghị là nên sửa quan điểm này là xây dựng Hà Nội trở thành một thủ đô hiện đại, thân thiện, hài hòa. Hài hòa ở đây có nghĩa là hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, hài hòa giữa đô thị với nông thôn, hài hòa giữa các vùng văn hóa. Tôi xin đề nghị chỉnh lại tư tưởng chỉ đạo xây dựng thủ đô như vậy không biết có được không?".
 
Nên giữ lại yếu tố văn hiến

Đại biểu Dương Trung Quốc - Đồng Nai  

"Theo quan điểm của tôi, quy hoạch là một tri thức rất tổng hợp, nó không thuộc chuyên môn riêng lẻ nào. Việc xây dựng quy hoạch thủ đô cho dù chỉ 30 - 40 năm nữa, một khoảng thời gian vật chất không phải là lớn lắm nhưng cũng dài. Trong bối cảnh ngay cả quan điểm về kiến trúc hiện đại cũng đang có những thay đổi rất lớn cho nên rất dễ chúng ta rơi vào cảm tính khi chúng ta có thể đánh giá những vấn đề chúng ta đang diễn thuyết ngày hôm nay.

Ví dụ vấn đề về tiêu chí như anh Nguyễn Minh Thuyết nêu lên, tiêu chí văn hiến rất quan trọng, văn hiến chính là đặc trưng của thủ đô của chúng ta, là nơi có thể sáng tạo những giá trị, là nơi quy tụ và đào tạo những nhân tài cho đất nước. Yếu tố đó nên giữ lại và chúng tôi nghĩ rằng đồ án cũng đã cân nhắc rất nhiều khi chọn từ này.

Cách diễn đạt vấn đề trong dự án này dễ gây ra tranh luận, dễ gây băn khoăn, ví dụ như chuyển trung tâm hành chính. Cho dù hành chính sau này sẽ được hiểu theo nghĩa là dịch vụ công đi chăng nữa thì dẫu sao trong tâm thức của chúng ta vẫn gắn hành chính với chính trị, với trung tâm. Tôi nghĩ, ở đây chúng ta nên trình bày dự án có chiều sâu của thời gian, của những dự báo, nhưng phải gắn chặt với cách suy nghĩ, nhận thức của chúng ta ngày hôm nay".

Thời gian ngắn quá

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang - Bình Định  

"Quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 tôi thấy thời gian ngắn quá, đến năm 2030 là 20 năm. Chúng ta mới hồi nào thống nhất đất nước đến nay đã 35 năm, mới hồi nào chúng ta tiến hành đổi mới đến nay đã hơn 20 năm, 20 năm chỉ xây được khoảng 3 công trình lớn. Cho nên, chúng ta phải quy hoạch đến năm 2050, còn tầm nhìn đến ít nhất là 2100.

Tôi thấy Thủ đô Paris, tượng đài Khải Hoàn Môn cách đây 200 năm, từ 1808, rồi tôi thấy như Thủ đô Oasinton là người Pháp đến quy hoạch cách đây hơn 200 năm thì chúng ta phải quy hoạch 90 năm sắp tới cũng là ngắn.

Cho nên, tôi xin đề nghị là có một cách nhìn 100 năm để đến lúc Hà Nội có 1.500 năm thì người ta sẽ thấy quy hoạch hiện nay là thông minh".

Sao cứ nhất thiết chọn đi hướng núi Ba Vì?

Đại biểu Nguyễn Duy Nguyên - Hải Dương  

"Tôi đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn khi chọn trục Thăng Long đi hồ Đồng Mô, Ngải Sơn đến chân núi Ba Vì. Vì sao ta không chọn đi hướng nam, hướng tây, hướng bắc hoặc hướng đông mà nhất thiết phải chọn đi hướng núi Ba Vì?

Kết thúc trục này là núi Ba Vì và sông Đà. Trong khi đó, trục đường Láng - Hòa Lạc, ta đã và đang làm to hơn, rộng hơn và chỉ cách trục Thăng Long dự kiến là trên, dưới 5 cây số. Nếu có trục Thăng Long thì lên Hòa Lạc, Ba Vì có hai trục đường lớn, việc này ta cần tính toán kỹ càng hơn. Trong khi đó, trong đồ án thì trục giao thông đi Bắc- Nam rất quan trọng, nhưng chưa đủ sức cho giao thông của Thủ đô tương lai.

Đề nghị cần xem xét lại ý tưởng xây dựng trung tâm hành chính ở chân núi Ba Vì. Ý kiến của tôi nên quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính ở khu vực vành đai 3 và khu vực Mễ Trì - Mỹ Đình hiện nay. Vì ở khu vực Mễ Trì - Mỹ Đình gắn và gần với các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, vừa tiện cho lãnh đạo, tiện cho chỉ đạo, tiện cho triển khai công việc của Đảng, Nhà nước và việc học hành, tiện cho các địa phương về Hà Nội làm việc".
 
Thiết tha đề nghị bỏ tên trục Thăng Long

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - Hà Nội  

"Khi chúng ta bàn về Hà Nội ở đây, nhưng bên ngoài xã hội và đặc biệt tôi tin rằng các nhà đầu cơ đất đai, những nhà săn tin có lẽ rất quan tâm đến phiên họp hôm nay.

Tôi hoàn toàn tin rằng sau quy hoạch này là không thể và không nên có một sự trục lợi của ai đó và ý tưởng này không thể mang lại nguồn lợi bất chính cho những kẻ đầu tư và làm tổn hại đến lợi ích nhân dân.

Dân ta bàn rất nhiều về trục Thăng Long và tôi cho rằng trục Thăng Long chỉ tồn tại trong tâm thức chứ không nên thể hiện ở tên gọi cụ thể. Nó sẽ bị lợi dụng để lôi cuốn các nhà đầu cơ bất động sản, dân ta với nhận thức chưa rõ về mặt thông tin có thể bị lợi dụng.

Tôi rất thiết tha đề nghị bỏ tên trục Thăng Long thay vào đó là trục nào đó ví dụ trục giao thông Ba Vì. Trong này phải hiểu là sự kết nối không gian, phải hiểu là nơi để giao thông tốt nhất để phát triển nông nghiệp xanh, để cung cấp cho Hà Nội.

Do vậy tôi loại bỏ và hoàn toàn không nhất trí trung tâm hành chính sẽ về đó, bởi vì tôi nghĩ rằng sau 50 năm nữa theo đà cải cách hành chính quốc gia thì Chính phủ đâu cần những cơ ngơi to lớn hoành tráng đến như vậy".

Lấy ý kiến thực sự hay chưa?

Đại biểu Đặng Như Lợi - Cà Mau  

"Thứ nhất là đồ án phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Thủ đô Hà Nội. Nhưng vấn đề này thì đại biểu Quốc hội lại không hiểu, không biết vấn đề này như thế nào để có thể có ý kiến về chuyện gọi là giữa Đồ án chung của Thủ đô với vấn đề chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2030 tầm nhìn 2050.

Đồ án có nói đã lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp của nhân dân và báo cáo Quốc hội ở đây. Tôi chưa biết cách lấy ý kiến như thế nào và mức độ ra sao, là thật sự hay là vẫn chưa thật sự. Đại biểu Quốc hội chắc là được cung cấp tài liệu đầy đủ hơn những người lấy ý kiến khác, nhưng tôi thấy còn khó lắm, tôi đọc mà sao vẫn không hiểu hết vấn đề.

Vậy việc lấy ý kiến thật sự đến đâu? Nếu ta thống kê theo cách gọi là tính số lượng để quyết định vấn đề chất lượng thì vấn đề lấy ý kiến cần xem xét cho kỹ hơn để rút kinh nghiệm sau này".

Không có chỉ đạo về việc dời đô

Đại biểu Nguyễn Thế Thảo - Hà Nội  
 
"Về trung tâm hành chính Quốc gia và trục Thăng Long, trước tiên, chúng tôi khẳng định rằng không có một chủ trương, một sự chỉ đạo nào về việc dời đô như một số ý kiến đã nêu. Mà trong nhiệm vụ thiết kế khi để giải quyết vấn đề di dời các cơ quan Trung ương của các bộ thì đã nêu ra một nhiệm vụ là xem xét để có thể nghiên cứu một trung tâm hành chính mới bao gồm các cơ quan, các bộ phải di dời ở trong đô thị lõi ra bên ngoài.

Sau khi xem xét các mô hình thực tế và kể cả tham khảo các ý kiến của các chuyên gia thì Thủ tướng đã thống nhất quyết định không có quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính mà chỉ đạo xem xét quy hoạch các địa điểm di dời các bộ.

Đối với trục Thăng Long, ở đây trước tiên là xác định là một trục về không gian, về kiến trúc cảnh quan đô thị, một cái trục để thực hiện mục tiêu kép, đó là trục không gian kết nối giữa trung tâm Ba Đình với Ba Vì. Trong đó mục đích là để cùng phối hợp với 7 trục hướng tâm hiện nay tạo nên một trục không gian mới cũng hướng tâm từ Ba Vì và Ba Đình. Và trên cơ sở đó cũng để chúng ta tổ chức thiết kế quy hoạch kiến trúc thành những điểm nhấn trục kiến trúc cho Hà Nội.

Hà Nội chúng ta có 7 trục, nhưng hiện nay để tạo nên một trục không gian kiến trúc có những điểm nhấn và nổi bật của quy hoạch và của kiến trúc thì chúng ta chưa có. Đây chính là điều kiện và cơ hội để chúng ta tạo ra được quỹ đất để thực hiện trục này. Trên cơ sở đó dự kiến kể cả những công trình như tượng đài Độc lập".

Họp chuyên gia giỏi của cả nước

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng - Nghệ An  

"Tôi thấy có nhiều đại biểu chưa nhất trí với nhau về quy hoạch, có đại biểu bảo là cần có trục Thăng Long, có đại biểu bảo không cần, có đại biểu nói về vành đai xanh như thế nào, thủ đô hành chính ra làm sao, tôi đề nghị như thế này:

Thứ nhất, các đại biểu Quốc hội là những người giơ tay biểu quyết ấn nút để quyết định, nhưng cũng chưa phải những chuyên gia để có thể giải đáp được những câu hỏi về quy hoạch. Cho nên tôi đề nghị Chính phủ phải tập họp tất cả những chuyên gia giỏi của đất nước này để mà làm chuẩn thêm qu hoạch cho tốt hơn nữa, để đỡ bàn cãi hơn và được sự đồng thuận của nhân dân hơn.

Đây là quy hoạch thủ đô nước Việt Nam, cho nên cần phải có một tập hợp rất nhiều nhà tài giỏi về văn học, về lịch sử, về địa chất, về xây dựng của cả nước, cả trong Nam, ngoài Bắc tập hợp lại và do một đồng chí, tối thiểu là thứ trưởng đứng ra lãnh đạo quy hoạch đó, làm lại thật chuẩn, thật đẹp, thật tốt để sau này con cháu ta không phải làm lại".
 
Tính khả thi ở đâu?

Đại biểu Trần Du Lịch - Tp.HCM

"Nhìn dự kiến hiện nay Hà Nội mở rộng thì dân số đô thị hóa vào loại thấp nhất trong các đô thị lớn, tức là có 40% , còn 60% vẫn là dân nông thôn. Nếu tính đến 1.000 năm Thăng Long, kể cả Hà Tây cộng vào thì đất đô thị, kể cả thị trấn tính theo km2 là 455km2, chiếm 13,6%.

Ta dự kiến thời điểm năm 2030 tức là 20 năm tới nâng diện tích đô thị lên 11.200km2, tức là 35% diện tích đất, có nghĩa là trong vòng 20 năm ta phải xây dựng một đô thị hiện đại gấp 3 lần lịch sử 1000 năm Thăng Long, tính khả thi ở đâu, tôi chưa thấy có lý giải.

Động lực kinh tế để có thể xây dựng một đô thị khả thi theo quy hoạch trong 20 năm đầu và 20 năm sau tôi đề nghị trong đề án phải làm rõ, nếu không chúng ta dẫn tới quy hoạch treo và dẫn tới sự đầu cơ đất đai làm rối loạn.

Tôi đồng ý xây dựng 5 đô thị vệ tinh như đề án nhưng thực sự cũng băn khoăn, động lực nào để hình thành được 5 đô thị vệ tinh trong thời gian sớm như quy hoạch, cũng chưa rõ. Bởi vì thực tế vừa qua quá trình đô thị hóa nhiều nơi chúng ta muốn thành đô thị nhưng không thành được và vẫn bỏ đất hoang. Vì muốn thành đô trước hết nó phải thị, có thị mới đô được, không chủ quan được.

Trong quy hoạch sắp tới phải biến 3 triệu nông dân thành thị dân. Cái khó nhất của đô thị hóa là chuyển nông dân thành thị dân chứ không phải tiền bồi thường. Do đó tôi đề nghị chỗ nào chưa khả thi trong 20-30 năm tới tôi đề nghị để lại đất dự trữ, mà đất dự trữ làm nông nghiệp sinh thái đã rồi trong tương lai sẽ quyết định để không biến động về giá đất, chống đầu cơ".

Rất lãng phí

Đại biểu Lê Quốc Dung - Thái Bình  

"Chúng tôi rất ngạc nhiên, thấy khó hiểu ở đồ án này là trục Thăng Long và khu vực hành chính. Bởi vì trong khi chúng ta đang tập trung vào lõi là khu sông Hồng, Hồ Tây và khu phố cổ thì chúng ta lại di chuyển một phần hành chính lên trên Ba Vì.

Đây là điều không phù hợp, bởi vì thứ nhất là lãng phí quá. Nếu chúng ta đặt trung tâm hành chính ở đấy thì thu hút bao nhiêu tiền xã hội lên đầu tư bất động sản, bao nhiêu tiền làm đi, làm lại vài ba, bốn lần về các cơ quan xây dựng, rất tốn kém.

Chúng ta đã đi nhiều nước rồi, có những nước người ta xây cung điện 500 năm nay mà Chính phủ người ta vẫn ở đấy, Quốc hội ở đấy, Nhà Vua ở đấy và dân vẫn đến du lịch, thăm quan. Người ta không mất tiền xây 500 năm nay thì các đồng chí biết, chúng ta thấy hiệu quả đó như thế nào. Chúng ta chơi sang kiểu lãng phí như thế là không nên".

Điều chỉnh tên khu đất dự trữ

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Hà Nội

"Về trục Thăng Long và trung tâm hành chính quốc gia mới, đây là một vấn đề đông đảo cử tri quan tâm, cá nhân tôi rất quan tâm. Tôi cho rằng những ý kiến trái chiều xảy ra trong thời gian vừa qua có thể xuất phát từ chính tên gọi của quỹ đất dự trữ này, đó là trung tâm hành chính của quốc gia sẽ di chuyển lên Ba Vì.

Nhân đây tôi cảm ơn giải trình của Bộ trưởng tại hội trường Quốc hội hôm nay, khẳng định quy hoạch đó là quy hoạch của đất dự trữ, không phải chúng ta có ý định dịch chuyển trung tâm lên Ba Vì. Vì vậy tôi đề nghị tên gọi của khu đất dự trữ này nên được điều chỉnh lại.

Để xây dựng một thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại rất cần có một quy hoạch chung hợp lý. Cơ sở thực hiện quy hoạch này chính là sự đồng thuận trong trái tim người dân. Vì vậy tôi xin chuyển tải đến những tư vấn, những ý kiến của cư tri và mong muốn đây là tư liệu để Ban tư vấn tham khảo, chỉnh sửa, giải thích để cử tri được rõ, tạo sự nhất trí cao trong cộng đồng khi thực hiện quy hoạch chi tiết vì một Hà Nội nghìn năm linh thiêng và hào hoa".