13:00 18/07/2022

Rất nhiều việc phải làm để Đà Nẵng hấp dẫn, giữ chân khách ngoại 

Anh Văn - Phan Dương

Sở hữu nhiều lợi thế về cảnh đẹp tự nhiên mà ít có nơi nào sánh bằng, hạ tầng du lịch vượt trội với những khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới… Đà Nẵng được đánh giá là một điểm đến độc đáo thế nhưng lại chưa phải là một thành phố đáng đến, đáng sống. ..

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nhiều năm liền, Đà Nẵng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn bậc nhất trong cả nước. Thậm chí, năm 2021, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch theo đánh giá kết quả dự án thí điểm xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam. Mặc dù vậy, vị trí điểm đến du lịch hàng đầu của Đà Nẵng chưa thực sự bền vững.

DU LỊCH CHƯA TRỞ THÀNH THƯƠNG HIỆU QUỐC TẾ

Điều đó thể hiện ở giai đoạn đầu mở cửa trở lại, du lịch Đà Nẵng bị xem là có phần chậm hơn một nhịp so với các điểm đến khác. Dịp Tết Nhâm Dần vừa qua – được coi là cơ hội thúc đẩy du lịch trở lại sau tác động của dịch Covid-19, song trái ngược với sự sôi động của Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa,... du lịch Đà Nẵng lại khá trầm lắng, buồn tẻ. Một trong những nguyên nhân quan trọng là Đà Nẵng chưa sẵn sàng cho sự mở cửa và còn thiếu những làn gió mới để hấp dẫn khách du lịch.

Ngay sau đó, nhờ sự chủ động, linh hoạt của lãnh đạo thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp, hàng loạt sự kiện, chương trình mới, quy mô tầm cỡ cả nước, khu vực và quốc tế đã được tổ chức tại Đà Nẵng. Tiêu biểu như sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022, Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng… Nói về điều này, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World, thông tin rằng ngay khi thành phố quyết định mở cửa hoàn toàn, các điểm đến của Sun Group đều ở tâm thế sẵn sàng và đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm mới, đẳng cấp tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nhằm gia tăng sức hấp dẫn cho điểm đến Đà Nẵng trong mùa cao điểm hè 2022, Sun Group đã phối hợp cùng Sở Du lịch Đà Nẵng triển khai chuỗi sự kiện hấp dẫn cho Lễ hội Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022.

Tuy nhiên, so với năm 2019 trước khi xảy ra dịch thì vẫn còn hạn chế, khiêm tốn, lượng khách quốc tế vô cùng ít. Tổng số lượng khách đến Bà Nà Hills kể từ khi mở cửa từ ngày 18/3 đến nay tăng 151,12% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế chỉ chiếm vỏn vẹn 8%. Doanh thu đương nhiên không thể so sánh so với trước khi có đại dịch bởi khách nội địa chi tiêu quá ít, không thể bằng khách quốc tế. 

Nhiều chuyên gia nhận xét, trong hai năm qua, số lượng lớn du thuyền và máy bay tư nhân di chuyển đến Địa Trung Hải để tránh dịch khá nhiều nhưng rất tiếc họ không đến Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do trải nghiệm của khách du lịch ở Đà Nẵng hiện nay khá nghèo nàn. Ngoài nhà đầu tư Sun Group thường xuyên đồng hành cùng thành phố tổ chức các sự kiện giải trí tầm cỡ, Đà Nẵng vẫn còn thiếu các sự kiện quy mô được tổ chức thường niên và tạo thành thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế để hấp dẫn du khách và đưa các sự kiện này trở thành cái cớ để khách đến Đà Nẵng đúng vào khoảng thời gian đó. Hơn nữa, đến nay, Đà Nẵng chưa có hệ sinh thái du lịch phục vụ du lịch siêu giàu, chưa có trực thăng VIP, trực thăng y tế…

Khách sang trọng rất cần có những không gian tận hưởng cao cấp hơn, từ ăn uống, ẩm thực, shopping cho đến giải trí, spa… Trong khi đó, Đà Nẵng đã có những tuyến phố thời trang (như Lê Duẩn), chợ đêm… nhưng hầu hết là hàng bình dân, chưa có trung tâm mua sắm tầm cỡ với các thương hiệu, nhãn hàng lớn trong các lĩnh vực như siêu xe, thời trang, may mặc… 

“Đà Nẵng cần sớm hình thành đề án hướng tới thu hút du khách siêu giàu, cần hướng tới xác lập một vị thế đẳng cấp: nơi tiếp đón những vị khách đẳng cấp (trong nhiều lĩnh vực), nơi có hệ thống dịch vụ thương mại đẳng cấp, có những trải nghiệm đẳng cấp nhất... Đà Nẵng còn phải là nơi thu hút giới siêu giàu, thượng lưu đến bằng siêu du thuyền. Vậy thì phải đầu tư cả các bến du thuyền đẳng cấp, tương xứng, các tour trải nghiệm dành cho đối tượng này, thậm chí nghĩ tới việc gia tăng sức hút để giới siêu giàu mua nhà ở Đà Năng, thường xuyên đến đây như là second home...”, ông Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận định: với vị trí sát biển và điều kiện tự nhiên bao trọn vịnh Đà Nẵng, thành phố có quá nhiều lợi thế để phát triển triển thành trung tâm của khu vực. Tuy nhiên, lợi thế này lại chưa được khai thác xứng tầm, một số thế mạnh còn bỏ ngỏ. 

Ví như dù có nhiều con sông đẹp nhưng du lịch đường thủy lại chưa phát triển. Du lịch sông Cổ Cò đã khởi xướng từ lâu nhưng “con đường tơ lụa” qua sông Cổ Cò nối Hội An - Đà Nẵng chưa biết bao giờ thành hiện thực. Nhóm sản phẩm hướng biển cao cấp thì chưa có các tour trên mặt biển, khám phá biển, chưa khai thác đúng tiềm năng và còn kém so với một số địa phương khác. Nhóm văn hóa lịch sử gắn với miền cửa ngõ văn hóa bản địa, ẩm thực, nếp sống đô thị cũng chưa phát triển. 

Nhóm sinh thái rừng núi, sông hồ phía Tây đang định vị là điểm đến đặc sắc. Dù có nhiều thương hiệu khách sạn nhưng lại chưa có du thuyền. Du lịch đô thị Đà Nẵng với tư cách thành phố trung tâm miền Trung và Tây Nguyên, trở thành điểm đến vui chơi, giải trí, mua sắm,... hiện Đà Nẵng đã làm mạnh nhưng còn thiếu phố đi bộ, chợ đêm, show diễn thực cảnh đặc sắc…

THÀNH PHỐ CẦN NỖ LỰC LÀM MỚI MÌNH

Nhiều ý kiến cũng cho rằng đã đến lúc Đà Nẵng cần phát triển du lịch theo chiều sâu, cao cấp, tận dụng thế mạnh hiện có. Trong lúc từng bước cơ cấu lại ngành kinh tế, vẫn phải dồn sức cho lĩnh vực du lịch, xứng đáng trở thành ngôi sao sáng của ngành công nghiệp không khói. Đồng thời đưa Đà Nẵng trở thành điểm đáng đến và đáng sống tầm cỡ quốc tế.

“Bảng xếp hạng 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2022 được công bố mới đây đã gọi tên các thành phố như Vienna (Áo); Copenhagen (Đan Mạch); Zurich (Thụy Sĩ), Melbourne (Úc), Osaka (Nhật Bản)... Thật khó để đặt Đà Nẵng lên bàn cân, so sánh với các thành phố danh tiếng nói trên. Nhưng nhìn vào những tiêu chí đánh giá của Tạp chí The Economist như chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận không gian xanh… thành phố cần có những trăn trở và định hướng chiến lược bài bản để hướng tới mục tiêu thành phố đáng sống”, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng thừa nhận, đại dịch Covid-19 như một khoảng lặng lớn để thành phố Đà Nẵng nhìn nhận lại những kết quả đạt được, những điểm còn thiếu sót trong công tác phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch cùng chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng, đặc biệt là suy nghĩ những bước đi mới, cách làm mới để đưa Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống. Để nắm cơ hội từ làn sóng du lịch sau đại dịch, Đà Nẵng cũng đứng trước thách thức làm mới chính mình, làm sao để duy trì sức hấp dẫn trong mắt du khách, xứng danh thành phố đáng đến.

Tuy vậy, khi nói về tiềm năng phát triển trong tương lai, nhiều chuyên gia và lãnh đạo thành phố bày tỏ niềm tin rằng với địa hình vừa có núi, có sông, có biển, Đà Nẵng không chỉ sở hữu tiềm năng to lớn về du lịch mà còn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, tiện ích cảnh quan đặc sắc. Đây cũng là yếu tố để tạo sức bật mới cho hạ tầng đô thị, phát huy lợi thế thành phố bên sông. Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới. Điều này phụ thuộc trước hết vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng du lịch và hạ tầng đô thị xứng tầm của thành phố.<

 

"Với địa hình vừa có núi, có sông, có biển, Đà Nẵng không chỉ sở hữu tiềm năng to lớn về du lịch mà còn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, tiện ích cảnh quan đặc sắc. Đây cũng là yếu tố để tạo sức bật mới cho hạ tầng đô thị, phát huy lợi thế thành phố bên sông. Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới".

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Đà Nẵng