13:17 05/12/2019

Sẽ ra sao nếu Huawei bị loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ?

Minh Nhật

Đây sẽ là một đòn giáng mới đối với Huawei trong bối cảnh hãng này đang bị liệt vào "danh sách đen" thương mại của Mỹ

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington D.C. - Ảnh: Xinhua.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington D.C. - Ảnh: Xinhua.

Theo nguồn tin thân cận từ Reuters, Nhà Trắng đang cân nhắc loại Huawei Technologies, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới của Trung Quốc, ra khỏi hệ thống tài chính nước này. 

Đầu năm nay, Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đã cân nhắc đưa Huawei vào danh sách Các quốc gia được Chỉ định Đặc biệt (SDN) của Bộ Tài chính Mỹ. Kế hoạch trừng phạt này sau đó đã bị hoãn lại và thay bằng việc đưa Huawei vào Danh sách Thực thể Thương mại, cấm mua sản phẩm và dịch vụ của Mỹ. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Reuters, kế hoạch trên có thể sẽ được khởi động trở lại trong vài tháng tới. 

Nếu bị đưa vào danh sách SDN, Huawei sẽ không thể thực hiện các giao dịch bằng đồng USD. Đây sẽ là một đòn giáng mới đối với hãng công nghệ Trung Quốc. 

Danh sách SDN là gì?

Được phát hành bởi Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Mỹ, danh sách SDN gồm tên của các thực thể, nhóm, tổ chức và cá nhân bị cấm thực hiện giao dịch tài chính bằng đồng USD. Mọi tài sản tại Mỹ của họ đều bị đóng băng. 

Danh sách này, dài hơn 1.300 trang, gồm các cá nhân và công ty thuộc sở hữu hoặc được kiểm soát, hoạt động cho hoặc đại diện cho các quốc gia bị nhắm đến. Danh sách này cũng gồm các cá nhân, tổ chức và thực thể, như các tay khủng bố hay buôn bán người dưới các chương trình không nhắm tới quốc gia cụ thể nào. 

Công dân Mỹ nhìn chung bị cấm làm ăn kinh doanh với bất kỳ đối tượng nào trong danh sách này. Về cơ bản, danh sách SDN gồm những công ty hoặc cá nhân mà Mỹ tin là đe doạ tới an ninh quốc gia. 

Được cập nhật thường xuyên, danh sách SDN mới nhất được công bố vào ngày 3/12/2019, trong đó có nhiều tài phiệt Nga, chính trị gia Iran và kẻ buôn ma tuý người Venezuela. Các công ty Trung Quốc có mặt trong danh sách này gồm có Công ty Vận tải Biển và hãng thép Henan Jiayun Aluminium Industry Co Ltd. Danh sách bao gồm nhiều thực thể tại các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran, Anh và Mỹ. 

OFAC là cơ quan chính phủ quyền lực của Mỹ nhưng hầu như không có nhiều thông tin công khai về tổ chức này. OFAC được thành lập vào năm 1950, có thẩm quyền áp lệnh trừng phạt đối với các thực thể vi phạm quy định, bao gồm áp tiền phạt và đóng băng tài sản. 

Đây là một phần trong chính sách Trừng phạt Chọn lọc của Bộ Tài chính Mỹ, mà ở đó các cá nhân và tổ chức có liên quan tới hành vi phạm tội nào đó, bị trừng phạt. OFAC cho biết danh sách SDN là một công cụ để chống lại hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo Đạo luật Ái quốc Mỹ, có hiệu lực từ năm 2001, hành vi "hỗ trợ về vật chất" cho khủng bố và các tổ chức khủng bố trong danh sách SDN là phạm pháp. 

Năm 2015, OFAC đạt một thoả thuận trị giá 963 triệu USD với tập đoàn ngân hàng BNP Paribas của Pháp. bị buộc tội vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Sudan, Iran, Cuba và Myanmar.

Rủi ro nào cho Huawei nếu bị đưa vào SDN? 

Một số quan chức Mỹ cảnh báo rằng việc cấm vận sâu rộng đối với Huawei có thể làm phương hại tới ngành công nghệ nước này bởi các công ty Mỹ đang bán hàng tỷ USD hàng hoá và dịch vụ cho hãng công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, những người cứng rắn hơn thì khẳng định trung Quốc và các công ty "sân sau" như Huawei, là mối đe doạ an ninh cần phải được loại bỏ. 

Với Danh sách Thực thể ("danh sách đen" thương mại) hiện tại, các chuỗi cung ứng nước ngoài lớn vẫn nằm ngoài tầm với của các nhà chức trách Mỹ. Điều này cho phép Huawei mua các sản phẩm thay thế từ châu Âu và Nhật. Tuy nhiên, nếu bị đưa vào danh sách DNS, Huawei sẽ bị cấm hoàn toàn khỏi các giao dịch bằng USD, theo Reuters. 

Theo chuyên gia về Internet Annie Fixler của Quỹ Quốc phòng Dân chủ, động thái này có thể "gây ảnh hưởng sâu rộng đối với Huawei trên toàn cầu". Chuyên gia này nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh tại châu Âu và châu Á của đại gia công nghệ Trung Quốc này sẽ bị "ảnh hưởng nghiêm trọng".