06:00 19/09/2023

Tăng tốc nền kinh tế, kích thích "cỗ xe tam mã"

Anh Nhi

Để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm, nền kinh tế cần tiếp tục đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy "cỗ xe tam mã" gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu...

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Dù tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất định, trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, kinh tế 8 tháng đầu năm vẫn có nhiều yếu tố tích cực.

Những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn đã được triển khai như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp... đã phát huy hiệu quả. Xuất khẩu tháng 8/2023 tiếp tục tăng so với tháng trước, nâng kim ngạch xuất siêu 8 tháng lên gần 20 tỷ USD, doanh nghiệp thành lập 8 tháng thiết lập cột mốc mới, giải ngân vốn đầu tư công khả quan, vốn FDI đăng ký mới bật tăng sau nhiều tháng liên tục giảm...

Dẫu vậy, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm vẫn còn nhiều áp lực nhất là khi "cỗ xe tam mã" của nền kinh tế vẫn yếu, chưa phục hồi như kỳ vọng. Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trước thềm Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2023 diễn ra ngày 19/9 về những giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế khi tình hình thế giới còn bất định.

Số liệu thống kê cho thấy nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đã tốt lên trong quý 2/2023 và những tháng gần đây. Điều này đã tác động như thế nào đến nền kinh tế nước ta, thưa bà?

Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp; hậu quả của đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia; kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, có nước rơi vào suy thoái; thương mại và đầu tư quốc tế giảm; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề...

Tuy nhiên, kinh tế của một số quốc gia trên thế giới đã có những chuyển biến tích cực hơn so với dự báo trước đó, nhiều nền kinh tế không rơi vào tăng trưởng âm. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I, quý II năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số nền kinh tế lần lượt là: Mỹ tăng 1,8% và 2,6%; khu vực châu Âu tăng 1,1% và 0,5%; Trung Quốc tăng 4,5% và 6,3%; Ấn Độ tăng 6,1% và 7,8%; Nhật Bản tăng 2% và 1,6%; Singapore tăng 0,4% và 0,5%; Thái Lan tăng 2,6% và 1,8%; Indonesia tăng 5,0% và 5,2% ... .

Diễn biến kinh tế tích cực đã tạo cơ sở để cải thiện các chỉ số về niềm tin người tiêu dùng và niềm tin kinh doanh. Tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế như Nhật Bản, Mỹ, ... được cải thiện, niềm tin người tiêu dùng liên tục được củng cố trong những tháng gần đây. Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện cũng đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2022, phản ánh sự lạc quan mạnh mẽ về các hoạt động kinh doanh trong năm 2023.

Chỉ số này hiện cũng đang ở mức cao tại nhiều nền kinh tế trên toàn cầu như chỉ số BCI tháng 8/2023 của Trung Quốc đạt 49,7 điểm, cao hơn 0,6 điểm so với tháng trước; Ấn Độ đạt 132 điểm, cao hơn 6 điểm; Mỹ 47,6 điểm, cao hơn 1,2 điểm; Cộng hòa Séc 93,9 điểm, cao hơn 2,8 điểm; Ca-na-đa 53,5 điểm, cao hơn 4,9 điểm...

Tăng trưởng quý 2/2023 cùng chỉ số BCI tăng lên ở một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới lập tức tác động tới tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng 7 và 8/2023. Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu tháng 8/2023 đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9% so với tháng trước (dù vẫn giảm 6,5% so với cùng kỳ). Trước đó, xuất khẩu tháng 7/2023 cũng tăng 4,4% so với tháng 6/2023 (giảm 9,9% so với cùng kỳ). Tính chung 8 tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,89 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (xuất siêu 5,26 tỷ USD).

Tăng tốc nền kinh tế, kích thích "cỗ xe tam mã" - Ảnh 1

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng được thúc đẩy, đặc biệt là vốn đầu tư mới. Sau nhiều tháng giảm liên tục, trong các tháng 7 và 8/2023, vốn đầu tư đăng ký mới liên tục tăng. Dù chưa thể khẳng định vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã phục hồi song điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao triển vọng đầu tư vào Việt Nam.

Như vậy có thể hy vọng tình hình thế giới những tháng cuối năm sẽ tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, thưa bà?

Nhiều dự báo được các tổ chức quốc tế đưa ra gần đây cho thấy những tháng cuối năm 2023 tình hình thế giới còn những bất định. Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu chưa thực sự rõ nét. Hơn nữa, lực cản từ chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn đang ngày càng rõ ràng.

Báo cáo Triển vọng tăng trưởng kinh tế mới đây được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt 2,1%, tốc độ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cùng với việc nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại, nhu cầu của nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu cũng sụt giảm. Theo đó, hoạt động thương mại quốc tế vẫn suy giảm trong nửa cuối năm, dù tình hình có khả quan hơn so với nửa đầu năm 2023.

Điều này có nghĩa rằng Việt Nam vẫn phải cẩn trọng với những “cơn gió ngược” từ thế giới.

Những tháng cuối năm tình hình trong nước sẽ lạc quan hơn đúng không, thưa bà?

Theo Tổng cục Thống kê, một số yếu tố được xác định đóng góp tích vực vào tăng trưởng những tháng cuối năm là việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động áp dụng từ 01/7; chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; ngành du lịch sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm; đầu tư công được đẩy mạnh, tạo tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác; cơ hội xuất khẩu gạo sang các thị trường tiềm năng; và đặc biệt là niềm tin của doanh nghiệp về xu hướng kinh doanh những quý sau đã tốt hơn quý trước.

Tăng tốc nền kinh tế, kích thích "cỗ xe tam mã" - Ảnh 2

Nói như vậy nhưng không có nghĩa tình hình trong nước chỉ toàn màu hồng. Khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như chi phí sản xuất đầu vào tăng cao trong khi thị trường lao động gặp khó khăn…

Với bối cảnh như vậy, theo bà, cần tập trung vào những giải pháp gì để thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế?

Để duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 8 tháng đầu năm, kinh tế nước ta cần tiếp tục đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy cỗ xe tam mã (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm.

Để kích cầu tiêu dùng, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng..., ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023. Theo đó, cần thực hiện chính sách giảm thuế VAT, giảm giá hàng hóa, điều chỉnh tăng lương, giảm thuế thu nhập cá nhân… nhằm đẩy mạnh sức mua trong nước.

Để kích cầu đầu tư, cùng lúc phải thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân thông qua việc ưu tiên đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, có tiềm năng đóng góp vào tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; công khai danh mục đầu tư; triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Để thúc đẩy xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại bền vững, nhiều dự báo cho cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào những tháng cuối năm do lượng tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ giảm đáng kể trong thời gian qua. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu. Về phía Chính phủ, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tận dụng tốt những hiệp định thương mại tự do đã ký kết, xúc tiến thương mại hiệu quả...