09:46 26/07/2023

Thế giới ghi nhận xu hướng giảm tiêu thụ thịt “thật”

Tuệ Mỹ

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành Future Food, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Bath (Anh) đã chỉ ra xu hướng “bài xích” thịt động vật do protein động vật là nguồn cung cấp chất béo bão hòa, là nguyên nhân góp phần gây ra bệnh tim…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khoảng hai thập niên, một nhà máy chế biến thịt của Family Butchers ở thị trấn Vörden, phía tây bắc nước Đức, đã sản xuất ra món thịt nguội hình gấu, có tên gọi Bärchenwurst, được trẻ em trên khắp cả nước yêu thích. Tuy nhiên, chi phí sản xuất tăng và nhu cầu thịt heo giảm ở quốc gia từng có tỷ lệ tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người cao nhất thế giới, đã khiến Family Butchers tuyên bố đóng cửa nhà máy này vài tuần trước.

Thông báo đóng cửa đó phản ánh tình trạng khó khăn của ngành công nghiệp thịt heo của Đức, vốn đang phải vật lộn chống chọi xu hướng nhu cầu giảm mạnh. Bên cạnh việc người tiêu dùng Đức chuyển sang các chế độ ăn giảm thịt, tăng đạm thực vật, một loạt thách thức kinh tế và các điều khoản về phúc lợi động vật đã khiến ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt heo cũng buộc phải giảm quy mô hoạt động.

Theo báo cáo dinh dưỡng năm 2022 của Bộ Thực phẩm và Nông nghiệp liên bang Đức, 44% người được khảo sát cho biết họ tuân theo chế độ ăn kiêng “linh hoạt”, hạn chế tiêu thụ thịt.

Tại Mỹ, thậm chí xu hướng ăn chay đã ảnh hưởng tới khẩu phần cho học sinh trong trường học. Bắt đầu từ tháng 9/2021, toàn bộ 1,1 triệu học sinh tại các trường học trong thành phố New York, Mỹ sẽ được phục vụ bữa ăn không thịt trong các ngày thứ Hai hàng tuần. Bà Amie Hamlin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Dinh dưỡng trường học ở New York cho biết: "Hiện nay, có những em mới 8 tuổi đã phải tiêm thuốc hạ huyết áp và hạ cholesterol. Điều này thật đáng sợ".

Tỷ lệ tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người giảm mạnh tại Đức, đã khiến Family Butchers tuyên bố đóng cửa nhà máy.
Tỷ lệ tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người giảm mạnh tại Đức, đã khiến Family Butchers tuyên bố đóng cửa nhà máy.

Do những lợi ích đối với sức khỏe nhờ việc ăn chay mang lại mà nhiều người có xu hướng giảm tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ động vật. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc, số người ăn chay ở châu Âu đã tăng gần 10% trong những năm gần đây. Riêng tại Anh, kết quả thăm dò dư luận do một tổ chức ủng hộ ăn chay cho thấy khoảng 1,05% người dân xứ sở sương mù không bao giờ ăn thịt hoặc các sản phẩm từ động vật. Còn tại Mỹ, 3% dân số nước này tự nhận là người ăn chay hoàn toàn.

Thịt “thật” đang mất dần sức hút ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng xu hướng này đặc biệt rõ rệt ở châu Âu. Tiêu thụ thịt heo của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập niên trong năm nay và trong vòng hai năm tới, sản lượng thịt heo ở khu vực này sẽ giảm khoảng 1/10. Theo nghiên cứu của hãng tư vấn quản lý McKinsey, ngay cả ở Trung Quốc, nơi chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ thịt heo của thế giới, loại thịt này không còn được tầng lớp trung lưu ưa chuộng khi họ xem thịt bò là lựa chọn lành mạnh hơn.

Theo Bloomberg, những lo ngại về sức khỏe là một trong những động lực dẫn đến sự thay đổi đó.  Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo ăn thịt chế biến sẵn như xúc xích và thịt heo xông khói có thể gây ung thư. Mối quan tâm về môi trường là một vấn đề khác. Tổn hại hệ sinh thái từ hoạt chăn nuôi gia súc là mối quan đặc biệt của người tiêu dùng khắp thế giới. Theo ông Sebastian Joy, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ ProVeg International, thị trường các sản phẩm thay thế thịt đang phát triển cũng đóng vai trò quan trọng.

Thị trường thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm dự kiến tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 51,6% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030.
Thị trường thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm dự kiến tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 51,6% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030.

Điển hình, người tiêu dùng ở nước Đức nói riêng và EU nói chung đang nhắm tới tiêu thụ thịt nhân tạo. Theo dữ liệu của Văn phòng thống kê Đức, sản lượng thịt giả làm từ các thành phần thực vật tăng 73% từ năm 2019 đến năm 2022. Hạ tuần tháng 6/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cấp phép sản xuất và bán thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho 2 công ty Upside Foods và Good Meat.

Như vậy, Mỹ là nước thứ hai trên thế giới, sau Singapore, cho phép bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (còn gọi là thịt nhân tạo). Hai công ty nêu trên đang có kế hoạch phục vụ sản phẩm tại các nhà hàng cao cấp trước khi mở rộng quy mô sản xuất để đạt được chi phí thấp hơn và cung cấp cho các cửa hàng và siêu thị thực phẩm. Dữ liệu từ Grand View Research cho thấy, thị trường thịt nuôi cấy dự kiến tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 51,6% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030.

Các loại thịt thực vật cũng đã tạo ra cơn sốt vào năm 2019 sau khi Beyond Meat (Mỹ), công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này, niêm yết cổ phiếu. Theo MarketsandMarkets, thị trường thịt thực vật toàn cầu năm 2019 vào khoảng 12,1 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 15% mỗi năm, lên tới 27,9 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, thị trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Theo Li Yihong, Giám đốc kế hoạch của Good Food Fund (Trung Quốc), thế hệ Millennials của đất nước tỷ dân cũng có sự quan tâm ngày càng tăng đối với chế độ ăn uống dựa trên thực vật.

Xuất phát từ nhu cầu của người dân, nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất thịt thực vật đã ra đời.
Xuất phát từ nhu cầu của người dân, nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất thịt thực vật đã ra đời.

Báo cáo của Bloomberg Businessweek và Starfield cho thấy khoảng 50% người thuộc thế hệ trẻ Trung Quốc tiêu thụ thịt chay vì sức khỏe, trong khi 27% cho biết mối quan tâm về môi trường là yếu tố chính. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường thịt chay tại Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm từ thực vật để thay thế thịt, đã tăng 33,5% hàng năm gần 10 năm nay, đạt 9,7 tỷ USD vào năm ngoái và dự đoán có giá trị 11,9 tỷ USD vào năm 2023.

Nhiều người dân Ấn Độ có thu nhập cao cũng đang sẵn sàng chi ra một khoản tiền lớn để thử các sản phẩm thay thế thịt động vật. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm thay thế thịt hay thịt nhân tạo đã ra đời tại Ấn Độ. Nhiều trong số này tập trung tại thành phố Mumbai. Nhà máy của công ty Blue Tribe Foods đang sản xuất xúc xích làm từ thực vật và thịt viên làm từ đậu nành. Đến nay, những sản phẩm này đã có mặt trên các kệ hàng ở khoảng 30 thành phố trên khắp Ấn Độ.

Ông Sohil Wazir - Đại diện công ty thực phẩm Blue Tribe Foods, Ấn Độ cho biết: "Về cơ bản, chúng tôi đang chiết xuất protein từ các loại thực vật chẳng hạn như đậu nành và sau đó cố gắng làm sao để khiến cho sản phẩm có kết cấu và tạo cảm giác giống như bạn đang ăn thịt động vật vậy". Tuy nhiên giá thành của những sản phẩm này vẫn đắt hơn nhiều so với thịt động vật, đây là một hạn chế lớn. Đa phần chỉ những người thuộc tầng lớp thu nhập trên trung bình, những người trẻ và sống tại khu vực thành thị mới có khả năng mua những sản phẩm này.