07:00 04/02/2022

Thị trường tài chính sẽ ra sao nếu Nga tấn công Ukraine?

An Huy

Nếu Nga thực sự mở một cuộc tấn công nhằm vào nước láng giềng, đó sẽ là một sự kiện châm ngòi cho việc bán tháo các tài sản rủi ro, khiến giá cổ phiếu tụt dốc và giá hàng hóa cơ bản leo thang cao hơn...

Một đơn vị quân đội Ukraine di chuyển qua làng Klugino-Bashkirivka ở vùng Kharkiv, Ukraine, hôm 31/1/2022 - Ảnh: Getty/CNBC.
Một đơn vị quân đội Ukraine di chuyển qua làng Klugino-Bashkirivka ở vùng Kharkiv, Ukraine, hôm 31/1/2022 - Ảnh: Getty/CNBC.

Căng thẳng giữa Nga với Ukraine đã làm gia tăng mức độ biến động trên thị trường tài chính thời gian gần đây, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu Nga thực sự mở một cuộc tấn công nhằm vào nước láng giềng, đó sẽ là một sự kiện châm ngòi cho việc bán tháo các tài sản rủi ro, khiến giá cổ phiếu tụt dốc và giá hàng hóa cơ bản leo thang cao hơn – hãng tin CNBC nhận định.

Chính phủ Mỹ đã chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt dành cho Nga nếu nước này đưa quân vào Ukraine. Về phần mình, điện Kremlin vẫn một mực khẳng định không có ý định tấn công. Nhưng với vai trò của Nga là nguồn cung cấp lớn nhiều hàng hóa quan trọng cho thế giới, một cuộc tấn công của nước này nhằm vào Ukraine sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với phần còn lại của thế giới.

Theo CNBC, ở thời điểm hiện tại, thị trường tài chính toàn cầu chưa phản ánh một sự kiện mang tính thảm họa như vậy, nhưng giá dầu sẽ tăng vọt và giá khí đốt ở châu Âu có thể leo thang cao hơn nữa nếu quân Nga vượt biên giới tiến vào Ukraine. Giá dầu thô và một số hàng hóa cơ bản khác hiện đã bao gồm phần bù rủi ro, trong khi giá một số tài sản Nga như chứng khoán và cổ phiếu đã mất giá đáng kể.

Nếu xảy ra tấn công, đồng USD có thể tăng giá mạnh, giá trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tăng cao, đẩy lợi suất giảm sâu, trong khi giá những hàng hóa cơ bản như lúa mì và kim loại quý palladium sẽ tăng chóng mặt.

“Mỹ và Nga vẫn đang đàm phán. Chừng nào còn có đàm phán, rất khó để hình dung Nga gây chiến”, chiến lược gia trưởng Marc Chandler thuộc Bannockburn Global Forex nhận định. Ông Chandler nhấn mạnh rằng đồng Rúp Nga, tuy mức giảm giá 2,2% từ đầu năm đến nay, vẫn tỏ ra vượt trội so với đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khác trong những phiên giao dịch gần đây. Trong 5 phiên gần nhất, Rúp Nga tăng 4,1%.

“Bởi vì họ đang đàm phán, thị trường hiểu là không cần phải lo lắng về lúc này”, ông Chanler nói. “Thị trường không lo ngại nhiều về chuyện này như các chính trị gia”.

RỦI RO LỚN

Tuy nhiên, bà Helima Croft  - trưởng bộ phận hàng hóa cơ bản toàn cầu của RBC – nói rằng khả năng xảy ra một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine có thể cao hơn hình dung của thị trường. “Cho dù khả năng đó chỉ là 50%, thì vẫn là một rủi ro thực sự cao, xét tới những lợi ích liên quan”, bà nói.

Một số nhà phân tích tin rằng Nga sẽ chọn không tấn công, mà thay vào đó sẽ gây ra những trở ngại khác cho Ukraine như chiến tranh mạng hoặc các gián đoạn kinh tế khác. Nhưng nếu Nga thực sự tấn công, Mỹ và Anh đã cam kết ngay lập tức đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, các nhà lãnh đạo và doanh nhân chủ chốt của nước này.

“Điều tôi thực sự biết là nếu xe tăng Nga vượt biên giới, thì giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng”, bà Croft nói. “Chúng ta sẽ cảm nhận rõ rệt điều đó trên thị trường khí đốt ở châu Âu, trên thị trường lúa mì, và trên nhiều thị trường khác. Nga không hề đơn giản đâu”.

Bà Croft giải thích rằng Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Nga cùng Ukraine chiếm khoảng 29% thị trường xuất khẩu lúa mì toàn cầu. “Họ không chỉ là một trạm xăng dầu, họ còn là một siêu nhà kho hàng hóa cơ bản. Họ là một nước sản xuất kim loại lớn. Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là lương thực và năng lượng”, bà Croft phát biểu, và nhấn mạnh rằng lạm phát trên toàn cầu vốn dĩ đã cao hiện nay sẽ leo thang lên một nấc mới.

“Nếu họ không tấn công, chúng ta sẽ không phải nói đến một sự gián đoạn lớn trên thị trường hàng hóa cơ bản”, bà Croft phát biểu.

Ông Bark Melek, chiến lược gia trưởng về thị trường hóa cơ bản toàn cầu của TD Securities, nói ông nhận thấy khả năng Nga tấn công Ukraine là thấp hơn 50%. Tuy nhiên, nếu xảy ra một cuộc tấn công như vậy, giá hàng hóa sẽ tăng vọt và kéo theo lạm phát.

“Mức độ ảnh hưởng sẽ còn tùy thuộc vào lệnh trừng phạt cứng rắn tới mức nào”, ông Melek nói. “Đó là các biện pháp trực tiếp hay nhằm vào những cá nhân có liên quan, hay các nhà bảo hiểm? Rủi ro sẽ đặc biệt lớn trên một số thị trường nhất định. Chẳng hạn như thị trường nhôm, chúng tôi cho là sẽ thiếu hụt 2,3 triệu tấn nhôm ngay cả khi Nga không tấn công Ukraine. Nếu Nga phải dừng cung cấp nhôm và palladium, thì giá của những kim loại này sẽ lập đỉnh mới”.

Ông Melek nói rằng Nga cũng là một nước sản xuất nhiều nickel và phân bón nông nghiệp là một sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất khí đốt của nước này. Ngoài ra, Nga còn xuất khẩu bồ tạt (potash), một nguyên liệu để sản xuất phân bón, và nếu Nga ghìm giữ nguồn cung mặt hàng này, giá lương thực thế giới có thể lên cao hơn nữa.

Truyền thông Nga cho biết nước này sẽ cấm xuất khẩu phân bón ammonium nitrate trong 2 tháng tới đây – chuyên gia John Kilduff của Again Capital nói. Ông lưu ý rằng bán cầu Bắc chuẩn bị bước vào mùa gieo hạt. “Nga đang sử dụng lương thực làm vũ khí”, ông nói.

Ông Paul Christopher, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của Wells Fargo Investment Institute, không nhận thấy khả năng cao Nga tấn công Ukraine. Tuy nhiên, ông nói rằng nếu Nga tấn công, thì rủi ro đối với Nga sẽ nằm ở xung đột với châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Trong vấn đề Ukraine, Nga không muốn nước láng giềng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). “Nếu Nga tấn công vì thực sự muốn một cuộc đối đầu với NATO, thị trường sẽ nghĩ đến một cuộc chiến tranh lạnh mới. Đó sẽ là một lỗ hổng lớn trong nền kinh tế Nga, vì Nga cần phải bán được hàng hóa cho phương Tây”, ông Christopher phát biểu.

DÙNG NĂNG LƯỢNG LÀM VŨ KHÍ?

Nga là một trong những nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nga đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu và Mỹ - vì các lý do an ninh - từ lâu đã phản đối việc châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga.

“Giá lương thực tăng sẽ đặt sức ép lên các chính phủ. Nga giữ vai trò quan trọng trên thị trường hàng hóa cơ bản. Bây giờ họ đã giảm bớt cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine rồi”, bà Croft phát biểu.

Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đi qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) I và cả đường ống đi qua Ukraine. Theo bà Croft, nếu xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine, dòng chảy năng lượng này sẽ bị gián đoạn, chưa kể hạ tầng năng lượng có thể thiệt hại.

“Nhưng có một câu hỏi lớn hơn.  Có phải Nga đã bắt đầu nói về việc cắt giảm xuất khẩu dầu? Chưa ai dám chắc kế hoạch của Nga là gì” trong trường hợp các ngân hàng của Nga bị trừng phạt hay Nga bị loại khỏi các giao dịch tài chính quốc tế  - bà Croft nhấn mạnh.

Giá dầu thế giới gần đây tăng lên mức cao nhất 7 năm, một phần do căng thẳng Nga-Ukraine, một phần do nguồn cung thắt chặt. Thế giới sẽ càng thiếu dầu hơn nữa nếu các khách hàng sử dụng khí đốt bị thiếu khí đốt và phải chuyển sang dùng thêm dầu thô.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt trong mùa đông năm nay. Hôm thứ Tư tuần này, giá khí đốt tại thị trường châu Âu là 25 USD/1 triệu đơn vị nhiệt (BTU), cao gấp hơn 5 lần so với ở Mỹ, do thiếu cung và lo ngại rằng căng thẳng sẽ khiến nhập khẩu khí đốt từ Nga gián đoạn. Dù vậy, so với thời điểm mới bắt đầu mùa đông này, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm hơn một nửa.

Ông Kilduff nói đã có sự thay đổi tâm trạng trên thị trường khí đốt châu Âu trong tuần này, ngay cả khi căng thẳng vẫn tiếp tiễn. “Tâm lý bị vây hãm đã giảm xuống nhanh chóng”, ông Kilduff nhận định và nhấn mạnh rằng Nga đã bơm thêm khí đốt cho châu Âu trong ngày 2/2.

Trước đó, từ mùa thu năm ngoái, Nga đã giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu xuống mức thấp hơn bình thường. Đại lục châu Âu bước vào mùa đông với lượng khí đốt dự trữ rất thấp. Rồi thời tiết lạnh giá và các vấn đề khác khiến giá khí đốt tăng vọt.

Theo IHS Market, nỗ lực của Mỹ cung cấp thêm khí hóa lỏng (LNG) cho châu Âu có vẻ đã tạo ra sự khác biệt. Chiến lược gia Michael Stoppard của IHS nói rằng lượng LNG mà Mỹ cung cấp cho châu Âu đã lập kỷ lục trong tháng 1, với 250 triệu mét khối mỗi ngày, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Stoppard, nhiều lô LNG xuất khẩu của Mỹ đã chuyển hướng tới châu Âu, thay vì tới châu Á và Brazil như kế hoạch ban đầu.

Ngoài ra, ông Stoppard nói rằng lượng khí đốt châu Âu nhập khẩu từ Nga đã giảm mạnh, với mức giảm 45% trong tháng 1 so với cùng kỳ 2021.

“Lượng khí đốt đến châu Âu qua các đường ông dẫn từ Nga trong tháng 1 chỉ ngang với lượng LNG mà châu Âu nhập khẩu qua đường biển từ Mỹ”, ông nói. Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, Qatar cũng đang là một nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu, hiện cung cấp 55MMcm khí hóa lỏng cho châu Âu mỗi ngày, tăng khoảng 35 MMcm/ngày so với trước.

“Châu Âu có thể đương đầu với một sự gián đoạn nguồn cung khí đốt đi qua Ukraine, nhưng LNG không thể bù đắp tất cả nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn”, ông Stoppard nhận định. Nếu châu Âu bị Nga cắt khí đốt trong mùa đông này, các nước trong khu vực sẽ rút lượng khí đốt dự trữ ra dùng, nhưng sẽ không được lâu.

“Chúng tôi không cho là Mỹ sẽ đưa ra biện pháp trừng phạt khiến Nga không thể bán khí đốt cho châu Âu. Rủi ro lớn hơn, nhưng cũng ít khả năng xảy ra hơn, là Nga dừng cung cấp khí đốt để trả đũa sự trừng phạt ở những lĩnh vực khác”, ông Stoppard nói thêm.

TÀI SẢN NGA

Nhiều tài sản Nga đã chật vật vì mối lo của nhà đầu tư xung quanh căng thẳng Nga-Ukraine. Các chuyên gia của ngân hàng Barclays nói rằng chênh lệch rủi ro đối với các tài sản Nga đã tăng đáng kể trong mấy tuần gần đây, cùng với đà leo thang của căng thẳng.

“Các tài sản Nga đang yếu hơn so với thị trường nói chung do căng thẳng địa chính trị leo thang và khả năng Nga bị áp các biện pháp trừng phạt mới. Tuy nhiên, cũng có khả năng giá các tài sản Nga sẽ phục hồi mạnh trở lại như thường thấy sau mỗi đợt giảm như thế này”, báo cáo của Barclays có đoạn viết.

Các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) đầu tư vào các tài sản Nga đã bị bán nhiều. Quỹ iShares MSCI Russia ETF đã giảm 7,7% trong một năm trở lại đây và giảm gần 22% trong vòng 3 tháng qua.

Tuy nhiên, đa phần giới chuyên gia không cho rằng xung đột hiện nay sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh, và sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Mỹ.

“Vấn đề Ukraine là một rủi ro, nhưng chúng tôi không cho rằng đó là một nhân tố đang ảnh hưởng dù nhiều hay ít đến thị trường”, ông Christopher nhận định. “Ukraine không phải là một vấn đề, mà Fed và sự thay đổi chính sách tiền tệ của Fed mới là vấn đề thực sự. Mọi người đang băn khoăn không biết Fed sẽ thắt chặt nhanh như thế nào. Tôi cho rằng khi mọi người không còn lo về Fed nữa, thì tự khắc họ cũng không còn lo chuyện Ukraine nữa”.