16:00 15/03/2022

Thiệt hại do tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất tăng sau khi xoá quy hoạch treo

Ánh Tuyết

Xoá dự án "treo" sau hàng chục năm nhưng số tiền sử dụng đất phải đóng khi chuyển mục đích sử dụng đất tăng lên gấp nhiều lần so với thời điểm quy hoạch, khiến cử tri địa phương bức xúc...

Có những dự án quy hoạch từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”.
Có những dự án quy hoạch từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”.

Cử tri tỉnh Bình Dương nêu rõ thực tế, thời gian qua, nhiều hộ dân không thể thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất ở, do đất nằm trong quy hoạch.

Tuy nhiên, sau khi quy hoạch được bãi bỏ, người dân thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở thì số tiền phải đóng tại thời điểm này tăng lên gấp nhiều lần so với thời điểm quy hoạch.

Chính vì vậy, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu các quy định phù hợp về số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Dương tại công văn số 2171, Bộ Tài chính chỉ rõ, việc thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất của người sử dụng đất, trong đó, có hộ gia đình, cá nhân được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 57 Luật Đất đai 2013.

Theo đó, khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 điều này.

Cụ thể, chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.. thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.

Đồng thời, việc chuyển mục đích sử dụng đất cũng được quy định chỉ tiết tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Điều 5 Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014, Điều 3 Thông tư số 10/2018/TT-BTC ngày 30/01/2018 của Bộ Tài chính.

Chẳng hạn, ông A có thửa đất với tổng diện tích là 200m2, gồm 100m2 đất ở, 100m2 đất vườn trong cùng thửa đất có nhà ở. Ông A làm đơn xin chuyển 50m2 đất vườn thành đất ở.

Giả sử, vị trí thửa đất của ông A theo bảng giá đất có tiền sử dụng đất theo theo giá đất ở là 02 triệu đồng/m2, đất vườn là 200.000 đồng/m2.

Theo quy định, trong trường hợp trên thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng đất = (100 triệu - 10 triệu đồng)/2 = 45 triệu đồng.

Hiện tại, bảng giá đất được các UBND các tỉnh, thành xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ.

 

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất khá phức tạp và khi mỗi 5 năm lại áp dụng bảng giá đất mới thì giá đất ở của nhiều tỉnh thành tăng cao.

Bộ Tài chính cho biết thêm, về việc hướng dẫn phê duyệt hoặc bãi bỏ quy hoạch sử dụng đất thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng.

Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật theo hướng nâng cao và chấn chỉnh chất lượng quy hoạch sử dụng đất, tránh quy hoạch "treo" như Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nêu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng có giải pháp để tháo gỡ.

 

Dự án "treo" tồn tại nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng lưu ý, TP. Hà Nội lên tới 383 dự án; TP. Hồ Chí Minh 126 dự án; tỉnh Hòa Bình 105 dự án; tỉnh Thái Nguyên 22 dự án… Báo cáo của HĐND TP. Hà Nội cho thấy còn tình trạng tồn tại những dự án quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”.