Thu phí sử dụng đường bộ cao tốc sẽ đảm bảo sự chi trả của người dân
Sơ bộ đến năm 2025, nhu cầu đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng là hơn 900.000 tỷ đồng. Do vậy, khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu giải pháp để đầu tư xong thu phí và hoàn vốn…
Liên quan đến đề xuất thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra chiều ngày 5/8/2023, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết đây là đề xuất được Bộ đưa vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, trên thế giới nói chung và ở các quốc gia đang phát triển nói riêng thì khả năng nguồn lực của quốc gia nào cũng thế, việc đầu tư hạ tầng gần như là không đáp ứng nổi. Chúng ta đã huy động rất nhiều giải pháp cũng như phương pháp, từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đến nguồn lực của các doanh nghiệp để đầu tư, trong đó có giải pháp là Nhà nước đầu tư rồi thu phí để hoàn vốn.
Tính toán sơ bộ đến năm 2025, nếu đầu tư được hệ thống kết cấu hạ tầng hơn 900.000 tỷ đồng thì cũng chỉ cân đối được 234.000 tỷ đồng. Do vậy, khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc, như cao tốc Bắc-Nam phía Đông và một số dự án đường cao tốc khác, đây đều là những dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội đã giao cho Chính phủ nghiên cứu các giải pháp để đầu tư xong rồi thu phí để hoàn vốn.
“Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng các đề án và trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ lần này cũng đưa vào. Đó là Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới, song song với việc đầu tư xây dựng các quốc lộ. Ở đây, người dân có quyền lựa chọn đi quốc lộ hoặc đi cao tốc”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thông tin.
Trả lời thắc mắc về thu phí như thế nào? Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết Bộ Giao thông vận tải đã tính toán các lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc, một là nhanh hơn, hai là tiết kiệm nhiên liệu hơn. Từ các chi phí tiết kiệm nhiên liệu, chi phí vận hành khai thác, Nhà nước sẽ thu phí với các lợi ích mang lại đó, đồng thời cũng sẽ bảo đảm sự chi trả của người dân. Mục đích của nguồn thu này là bổ sung lại nộp vào ngân sách, để phục vụ đầu tư kết cấu hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của Trung ương. Đối với các tuyến cao tốc mà Nhà nước đầu tư cơ bản, hiện nay đang đầu tư đều theo chủ trương và nghị quyết của Quốc hội phê duyệt.
Trước đó, vào tháng 5/2023, Bộ Giao thông Vận tải có Công văn số 4069/BGTVT - TC gửi các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép 9 tuyến đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025 thực hiện thí điểm theo cơ chế phí. Đó là: Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận 2.
Thời gian thực hiện thí điểm được kiến nghị áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua.
Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn/tuyến đường bộ được triển khai thu phí.