14:00 17/04/2023

Thương hiệu quốc gia: Khó gấp trăm lần gây dựng

Lưu Hà

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu ngay từ thị trường trong nước...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022. Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt cũng gia tăng mạnh mẽ.

NỖ LỰC CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

Năm 2022, đã có 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm được vinh danh tại lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia không chỉ là nguồn lực của từng doanh nghiệp mà còn của cả quốc gia. Do đó, việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý rằng có được thương hiệu rất khó, duy trì được thương hiệu còn khó gấp trăm ngàn lần.

Nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận con đường để có sản phẩm đạt và duy trì thương hiệu quốc gia không trải đầy hoa hồng. Đơn cử như sản phẩm tôm đông lạnh của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex Việt Nam) lần thứ hai liên tiếp được Bộ Công Thương quyết định công nhận đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex Việt Nam, ngoài kết quả sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì thương hiệu cần rất nhiều điều kiện khác về áp dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, sản xuất bền vững…

Là doanh nghiệp đưa được sản phẩm có thương hiệu riêng của mình vào hệ thống bán lẻ của châu Âu, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, khẳng định: gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của công ty đã chính thức lên kệ của hai hệ thống đại siêu thị tại Pháp là Carrefour và Leclerc.

Để làm được điều này, gạo Lộc Trời không chỉ đáp ứng những yêu cầu cao nhất mà thị trường châu Âu yêu cầu về quy trình canh tác, bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng đạt chuẩn, mà còn là tính bền vững và ưu tiên bảo vệ con người, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), tại buổi tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” mới đây, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood, chia sẻ muốn làm thương hiệu phải xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ xung quanh, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia.

“Nếu sản phẩm đầu ra không có giá trị gấp 5 - 7 lần thì không bao giờ thành thương hiệu. Tất cả mọi đối tượng tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi, đều có lợi nhuận, đều muốn bỏ tiền vào đầu tư... thì lúc đó nông sản Việt Nam mới có được thương hiệu”, ông Trần Bảo Minh khẳng định.

Gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của Lộc Trời đã chính thức lên kệ của hai hệ thống đại siêu thị tại Pháp là Carrefour và Leclerc.
Gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của Lộc Trời đã chính thức lên kệ của hai hệ thống đại siêu thị tại Pháp là Carrefour và Leclerc.

Thiệt hại của việc xuất khẩu không có thương hiệu được bà Võ Thị Tam Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Trà Rồng Vàng, dẫn chứng cụ thể: Trà ô long hái tay chất lượng cao, giá xuất khẩu thô chỉ dao động 10 - 12 USD/kg; tuy nhiên, sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần.

“Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu trà, nhưng khoảng 90% sản lượng trà xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và chỉ được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu”, bà Dân cho biết.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ rõ theo chương trình Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2019, tầm nhìn 2030, Bộ Công Thương phải phát triển thương hiệu thực phẩm với 9 mặt hàng như: Chè, cà phê, tiêu, hạt điều, rau quả, ngũ cốc, thủy sản, rau quả tươi, mật ong.

Tuy vậy, không phải đưa hết những mặt hàng này vào làm thương hiệu mà có sự chọn lựa, sàng lọc, phải tính toán xem lợi thế mặt hàng nào có khả năng vượt đối thủ cạnh tranh để xây dựng. Hiện Bộ Công Thương đang lồng ghép việc xây dựng thương hiệu vào các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với sự hỗ trợ của các ngành hàng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thương hiệu quốc gia: Khó gấp trăm lần gây dựng - Ảnh 1