Tiêm vaccine vẫn có thể mắc Covid-19: 8 điều cần biết
Dù hàng tỷ người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp vẫn nhiễm virus dù đã tiêm phòng...
Dù hàng tỷ người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp vẫn nhiễm virus dù đã tiêm phòng.
Tương tự như các trường hợp từng mắc Covid-19 và có kháng thể trong người nhưng vẫn tái nhiễm, vaccine không phải lá chắn hoàn hảo trước virus. Điều này nhắc nhở rằng chừng nào đại dịch vẫn còn trên thế giới, thì đó vẫn là mối đe dọa với tất cả mọi người. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có kháng thể - nhờ tiêm chủng hoặc từng nhiễm virus trước đó - đối mặt với ít nguy cơ hơn so với những trường hợp không có kháng thể.
Dưới đây là 8 điều cần biết về việc đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm Covid-19, theo hãng tin Bloomberg:
1. TẠI SAO NGƯỜI ĐÃ TIÊM VACCINE VẪN DƯƠNG TÍNH VỚI COVID-19?
Kết quả xét nghiệm dương tính đồng nghĩa với việc một người đã nhiễm SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bệnh này chỉ được chẩn đoán khi virus gây ra các triệu chứng như sốt, ho… trong khi có một tỷ lệ lớn người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng.
Dù vaccine Covid-19 giúp tránh được nguy cơ bệnh trở nặng, người tiêm không hoàn toàn được bảo vệ khỏi việc lây nhiễm. Điều này đồng nghĩa nhiều người đã tiêm vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm virus và lây sang người khác. Trong dịch tễ học, những trường hợp này được gọi là ca nhiễm đột phá (breakthrough infection). Virus càng lây lan mạnh trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm đột phá càng cao.
Trong một số trường hợp, virus phá vỡ lá chắn bảo vệ của các kháng thể (sinh ra nhờ tiêm vaccine) và gây ra các triệu chứng kể trên. Ở một số trường hợp hiếm gặp, việc lây nhiễm có thể đe dọa tính mạng. Một nguy cơ nữa là hội chứng “Covid-19 kéo dài” với các triệu chứng mệt mỏi, khó thở cũng như một số triệu chứng khác triền miên - được phát hiện ở khoảng 1/10 số người sống sót được sau khi mắc Covid. Hiện chưa rõ vaccine hiệu quả thế nào trong việc ngăn ngừa các triệu chứng kéo dài này.
2. TẠI SAO LẠI XẢY RA CÁC CA NHIỄM ĐỘT PHÁ?
Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi thành các biến thể đáng lo ngại, vừa dễ lây nhiễm hơn vừa có khả năng tránh được sự miễn dịch - có được nhờ tiêm vaccine hoặc từng nhiễm virus - tốt hơn. Các biến thể “thích ứng tốt” này ngày càng lan nhanh trên toàn cầu, khiến đại dịch Covid-19 càng khó ngăn chặn hơn.
Những dữ liệu hiện có chỉ ra rằng hầu hết các loại vaccine đã được cấp phép giúp bảo vệ người tiêm khỏi tình trạng bệnh trở nặng gây ra bởi các biến thể phổ biến. Trong đó, một số vaccine -đặc biệt là loại sử dụng công nghệ mRNA do các công ty Moderna và Pfizer/BioNTech phát triển - giúp bảo vệ tốt hơn so với những loại khác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng để đạt được sự bảo vệ miễn dịch tối đa, cần phải tiêm vaccine đầy đủ - thường là hai mũi cách nhau từ 2-12 tuần, tùy vào loại vaccine. Ngoài ra, cũng cần có thời gian để vaccine phát huy hết tác dụng - thường là khoảng 2 tuần kể từ mũi tiêm cuối cùng, nhưng một số loại thậm chí cần tới vài tháng.
Bên cạnh đó, hiệu quả của vaccine có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về sản xuất cũng như việc bảo quản và tiêm không đúng cách (điều này ít xảy ra).
Đối với mỗi cá nhân khác nhau, vaccine cũng không đảm bảo khả năng miễn dịch hoàn hảo, kể cả các loại vaccine hiệu quả nhất. Một số cá nhân có thể không đáp ứng với vaccine, tức là không tạo đủ kháng thể để ngăn chặn virus và các tế bào lympho T giúp săn lùng và tiêu diệt các tế bào nhiễm virus.
Điều này càng đáng lo ngại hơn với người lớn tuổi và người bị suy giảm hệ miễn dịch - có thể do mắc các bệnh ảnh hưởng tới hệ miễn dịch như AIDS hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch sau phẫu thuật cấy ghép tạng hoặc điều trị ung thư.
Kể cả những người có hệ miễn dịch tốt, khả năng bảo vệ của vaccine có thể giảm dần theo thời gian, dù các nhà nghiên cứu chưa chắc chắn về tốc độ xảy ra điều này.
3. LÂY NHIỄM ĐỘT PHÁ CÓ PHỔ BIẾN KHÔNG?
Không dễ theo dõi các ca nhiễm đột phá, đặc biệt là khi việc xét nghiệm thường xuyên giảm dần tại nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Tại Mỹ, dữ liệu trong 4 tháng đầu năm của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) cho thấy có 10.262 ca nhiễm đột phá Covid-19 trên tổng số gần 133 triệu người đã tiêm vaccine, tức tỷ lệ lây nhiễm đột phá là khoảng 1/10.000. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng con số lây nhiễm đột phá có thể còn cao hơn, đặc biệt là ở những người không có triệu chứng.
Một nghiên cứu về hệ thống nhà tù tại bang Rhode Island (Mỹ), nơi các tù nhân và lính gác được xét nghiệm hàng tuần, phát hiện 27 trong 2.380 người đã tiêm vaccine mắc Covid-19 trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2021.
4. THẾ GIỚI ĐÃ BIẾT GÌ VỀ NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐÃ TIÊM VACCINE VẪN NHIỄM COVID-19?
Có một số bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng trong trường hợp lây nhiễm đột phá. Từ tháng 5, CDC Mỹ đã dừng việc theo dõi tất cả các ca nhiễm Covid-19 ở những người đã tiêm vaccine, và thay vào đó chỉ theo dõi những ca phải nhập viện hoặc tử vong. Từ đó đến ngày 12/7, CDC Mỹ ghi nhận 3.733 ca nhiễm Covid phải nhập viện và 791 ca tử vong do Covid ở những người đã tiêm phòng. Trong tổng số ca Covid phải nhập viện ở Mỹ hiện nay, 97% là những người chưa tiêm vaccine - theo Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky. Trong khi đó, những người hiện chưa tiêm một mũi vaccine Covid nào ở Mỹ chiếm khoảng 44% dân số.
5. BẰNG CHỨNG Ở CÁC QUỐC GIA KHÁC THÌ SAO?
Hồi cuối tháng 4, Israel - quốc gia vào thời điểm đầu năm 2021 giữ vị trí dẫn đầu thế giới về tỷ lệ dân số được tiêm phòng Covid - ghi nhận khoảng 400 trường hợp nhập viện vì Covid ở những người đã tiêm phòng đầy đủ. Trong số này có 234 người trong tình trạng nghiêm trọng và 90 ca tử vong. Một cuộc rà soát kỹ lưỡng đối với khoảng một nửa số ca nhiễm đột phá phải nhập viện cho thấy nguy cơ khiến họ rơi vào tình trạng nguy kịch còn do yếu tố bệnh nền, chẳng hạn huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim mạch, cũng như những bệnh lý khác khiến hệ miễn dịch suy yếu.
6. CÁC VACCINE ĐẠT HIỆU QUẢ RA SAO TRONG VIỆC CHỐNG LẠI COVID?
Trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với các vaccine Covid-19 đang được sử dụng, mức độ hiệu quả dao động từ 50-95%. Điều này có nghĩa là trong nhóm tình nguyện viên được tiêm vaccine, số ca mắc Covid-19 thấp hơn từ 50-95% so với ở nhóm tình nguyện viên được tiêm giả dược. Ở mức độ một cá nhân, mức hiệu quả, giả dụ 80%, có nghĩa là một người đã được tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm bệnh chỉ khoảng 20% so với nguy cơ của một người tương tự không được tiêm vaccine.
Tuy nhiên, hiệu quả của một vaccine trong thế giới thực, hay còn gọi là hiệu lực của vaccine đó, chưa chắc đã đúng như hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, hiệu quả thử nghiệm và hiệu quả thực tế của cùng một vaccine cũng không giống nhau tại các cộng đồng, thời điểm, và chế độ tiêm khác nhau. Những tỷ lệ này còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, gồm các biến chủng Covid hiện hành và mức độ tuân thủ các biện pháp xã hội và y tế cộng đồng nhằm ngăn sự lây lan của virus.
7. MỘT NGƯỜI ĐÃ TIÊM VACCINE CÓ KHẢ NĂNG PHÁT TÁN COVID-19 NHƯ THẾ NÀO?
Có những bằng chứng cho thấy vaccine Covid có thể làm giảm nguy cơ phát tán virus từ một người đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh. Một nghiên cứu thực hiện trên nhân viên y tế ở Scotland vào cuối năm 2020, đầu năm 2021 phát hiện rằng các ca mắc Covid-19 trong gia đình của những người đã tiêm vaccine là ít hơn 30% so với trong gia đình của những đồng nghiệp chưa được tiêm. Một nghiên cứu khác thực hiện ở Anh trong cùng khoảng thời gian cho thấy khả năng lây nhiễm trong gia đình giảm đi 40-50% ở những gia đình của bệnh nhân Covid-19 đã được tiêm phòng so với trong gia đình của những bệnh nhân Covid chưa tiêm phòng.
Sự xuất hiện của những biến chủng Covid mới có thể phủ nhận những phát hiện này. Tuy nhiên, các vaccine Covid đã cho thấy khả năng rút ngắn khoảng thời gian bị bệnh và giảm lượng virus phát tán qua đường hô hấp của những người đã tiêm vaccine, theo đó làm giảm khả năng những người này truyền bệnh sang người khác.
8. MŨI TIÊM NHẮC LẠI CÓ PHẢI LÀ GIẢI PHÁP
Nhiều quốc gia gồm Thái Lan, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cho phép dùng một vaccine khác để tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm vaccine của hai hãng dược Trung Quốc Sinovac và Sinopharm – hai loại vaccine bị nghi ngờ về hiệu quả.
Tại Mỹ và châu Âu, các chuyên gia về vaccine và giới chức y tế cho rằng có thể sẽ đến lúc cần phải tiêm nhắc lại, nhưng chưa có đủ dữ liệu để kết luận cần phải tiêm nhắc lại luôn ở thời điểm này. Các chuyên gia y tế cộng đồng lập luận rằng việc khuyến nghị tiêm nhắc lại quá sớm có thể sẽ chiếm mất số vaccine lẽ ra được phân phối đến hàng tỷ người khác trên thế giới còn chưa được tiêm.