18:00 11/07/2023

Tổng cầu thế giới giảm, doanh nghiệp Việt chồng chất khó khăn

Nhóm phóng viên
Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, thương mại toàn cầu đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng cao, lạm phát… làm suy giảm mạnh sức mua và niềm tin của người tiêu dùng...

Tất cả các yếu tố này đang khiến cho dòng thương mại và đầu tư toàn cầu chưa kịp phục hồi sau đại dịch thì lại tiếp tục rơi vào những đợt sụt giảm mạnh và tiềm ẩn nhiều khả năng làm tăng nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào trì trệ.

DOANH NGHIỆP "ĂN ĐONG" ĐƠN HÀNG TỪNG THÁNG

Theo chỉ số sản xuất (PMI) tháng 6 được nhiều nước công bố, hoạt động sản xuất tại nhiều nền kinh tế lớn đang suy giảm mạnh. PMI của Mỹ chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, trong khi hoạt động sản xuất ở khu vực đồng Euro (Eurozone) trong tháng 6 giảm nhiều hơn dự đoán của các nhà kinh tế, xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm.

Số liệu thống kê trước đó của Trading Economics cũng chỉ rõ, có đến 13/16 nền kinh tế lớn trên thế giới (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu; 12/16 quốc gia (chiếm 75%) cũng có tốc độ sụt giảm nhập khẩu. Những con số này thể hiện sự đáng lo ngại về tác động tới dòng chảy thương mại trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới các quốc gia là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, trong đó có Việt Nam.

Liên tiếp quý 1 và quý 2 của năm 2023, các ngành hàng xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam đều chịu tác động nghiêm trọng và đối mặt với rất nhiều thách thức do tổng cầu thế giới suy giảm, đặc biêt tại các thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều mặt hàng. 

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch KorCham Việt Nam nhận định: “Đối với riêng Hàn Quốc và Việt Nam năm ngoái đặt ra mục tiêu năm nay kim ngạch thương mại song phương sẽ lên tới 100 tỷ, năm ngoái đã đạt 87,7 tỷ là một trong những kết quả đẹp nhất từ trước đến giờ. Nhưng năm tháng đầu tiên 2023, kim ngạch xuất khẩu giữa hai bên đã giảm 23%. Trong bối cảnh này chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn của các đơn đặt hàng của các hãng lớn. Năm nay là một năm khó khăn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đâu từ Hàn Quốc nói riêng. So với quý 1 năm 2022, quý 1 năm 2023 tổng số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam giảm mạnh, hơn 70% so với năm ngoái.”

Điều đáng quan ngại là khu vực chế biến chế tạo luôn giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thì đã sụt giảm đáng kể cả trong 5 tháng đầu năm.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức đang bủa vây, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ: “Các khách hàng của chúng tôi ở Mỹ và ở Châu Âu đều chứng kiến việc tồn kho cao và doanh số bán giảm từ 30-50% so với Quý 1 năm 2022. Điều này dẫn đến tổng cầu ảnh hưởng, nhu cầu giảm sút và đơn đặt hàng xuất khẩu của các khách hàng của chúng tôi ở các nước cũng sụt giảm rất cao. Do tổng cầu giảm, giá cả leo thang, các khách hàng của chúng tôi cũng yêu cầu ngoài giảm về lượng đặt hàng, họ yêu cầu giảm giá thành tương đối sâu. Dẫn đến chúng tôi bị ảnh hưởng kép, vừa là lượng đặt hàng giảm và về giá thành của sản phẩm khách hàng cũng yêu cầu giảm”.

Một vấn đề phát sinh theo mức độ sụt giảm của tổng cầu là xu hướng giảm giá của các sản phẩm cũng đang dần trở nên phổ biến.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Việt Nam, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết: “Trước kia chúng ta có thể thấy là người tiêu dùng, khi mà mùa Worldcup hoặc bất kỳ có sự kiện văn hóa thể thao thì có thể sẵn sàng thay đổi mới những thiết bị điện tử. Nhưng hiện nay chúng tôi không thể bán được, cao điểm nhất của mùa World Cup cũng không thể bán được hàng. Ngày trước khi mà mỗi model của Iphone ra đời, với dòng cao cấp nhất cỡ khoảng trên 30 triệu, thì bây giờ chỉ loanh quanh hơn 20 triệu. Tức là suy giảm khoảng gần 10tr một sản phẩm, điều đó phản ánh profit magin, biên lợi nhuận của doanh nghiệp điện tử trở nên rất mỏng”.

Sụt giảm đáng kể số lượng đơn hàng, trong khi chi phí vận hành doanh nghiệp vẫn tăng do nhiều yếu tố phát sinh khiến biên lợi nhuận giảm sâu, thậm chí bằng không. Các doanh nghiệp đang cố gắng “ăn đong từng bữa” để cầm cự chờ tín hiệu thị trường tốt hơn.

NHỮNG TIA SÁNG TRONG BỨC TRANH KINH TẾ XÁM MÀU

Trong bức tranh màu xám của nửa đầu năm 2023, cũng đã xuất hiện những tia sáng. Đầu tiên là những dấu hiệu phục hồi tốt hơn của nền kinh tế Mỹ, mức độ suy thoái kỹ thuật đang giảm nhẹ hơn ở một số quốc gia châu âu, và đặc biệt là sự mở cửa trở lại của kinh tế Trung quốc, đây được đánh giá là liều thuốc kích thích mới cho kinh tế toàn cầu.

Điểm sáng thứ 2 là các chính sách tiền tệ của rất nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới gần như đã đi đến chặng cuối, thậm chí ở nhiều nơi đã bắt đầu đảo chiều chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Một điểm sáng nữa là các xáo trộn trên thị trường năng lượng cũng như thị trường giá lương thực thực phẩm cũng đã được điều chỉnh, khiến cho việc lạm phát không còn cao như trước nữa.

Vỡi những điểm sáng đó khả năng về suy thoái toàn cầu sẽ không diễn ra như nhiều nhận định từ cuối năm ngoái. Và theo đó, mới đây nhất, trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng thế giới đã nâng mức dự báo về tăng trưởng kinh tế của cả năm 2023 là 2,1%, cao hơn so với mức đầu năm đưa ra là 1,7%. Tuy nhiên WorldBank cũng cắt giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 xuống còn 2,4% (so với mức 2,7% đưa ra vào tháng 1 năm 2023) do nhiều rủi ro vẫn đang thường trực và tiềm ẩn.

Nhận thức sâu sắc vấn đề suy giảm tổng cầu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế. Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos mùa hè vừa diễn ra tại Thiên Tân Trung quốc đã chọn chủ đề “tinh thần kinh doanh – động lực của kinh tế toàn cầu”.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các quốc gia tham dự và tham gia Phiên thảo luận: Đương đầu với các cơn gió ngược, khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh. Tại Diễn đàn, các ý kiến đều thống nhất trong bối cảnh này, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của khối doanh nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của bất cứ nền kinh tế nào.

Tại Việt Nam, với cách tiếp cận từ sớm từ xa, đánh giá sát tình hình và chủ động triển khai các nhóm giải giải pháp. Mặc dù 6 tháng đầu năm tăng trưởng không đạt như mục tiêu đề ra, song với mức tăng 4,14% trong quý 2 trước bối cảnh thế giới vẫn giảm sâu, cho thấy quyết tâm và nỗ lực hành động của Việt Nam ở tất các các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã phát huy hiệu quả. Sự khởi sắc trong chỉ số tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông đã cho thấy vai trò đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã phát huy tác dụng.

Mặc dù vậy, nửa cuối năm 2023 vẫn thường trực rất nhiều thách thức, không dễ vượt qua trên cả bình diện thế giới và trong nước. Sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp chính là thách thức trước mắt. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp tài chính, tài khóa đã được đưa ra nhưng giảm được độ trễ trong thực hiện chính sách cũng là thách thức không hề nhỏ.

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá việc giảm thuế VAT 2% có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước nhưng vẫn cần nhiều giải pháp hơn nữa để duy trì tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng điều quan trọng trong những tháng tới là theo dõi tác động và áp lực có thể có với dòng vốn và tỷ giá hối đoái do khoảng cách ngày càng tăng giữa lãi suất ở Việt Nam và ở nước ngoài.

Làm sao để các chiến lược cải thiện và phục hồi tổng cầu của Việt Nam khả thi trên thực tiễn, làm sao để các chính sách đã ban hành nhanh chóng phát huy được hiệu quả, tháo gỡ kịp thời những rào cản để các khu vực kinh tế tập trung nguồn lực vượt qua giai đoạn khó khăn, chủ động bắt nhịp với những thay đổi để tạo đà và thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. 

Tất cả những vấn đề này cần được bám sát thực tiễn, nghiên cứu, phân tích, đánh giá và dự báo các tình huống cũng như diễn tiến của bối cảnh toàn cầu nhằm làm cơ sở để chuẩn bị các kịch bản và kế hoạch hành động phù hợp. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là vô cùng thách thức cho hành trình 6 tháng cuối năm 2023.

Video xem nhiều