17:04 08/03/2023

TP.HCM tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Xuân Thái

Kết thúc tháng thứ 2 của quý 1/2023, kinh tế TP.HCM ghi nhận các chỉ số tăng trưởng trở về “trạng thái bình thường” sau một mùa tết rộn ràng và tăng trưởng “nóng”, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Thành phố đang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…

TP.HCM tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
TP.HCM tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cùng với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM năm 2023 là năm trọng điểm của kế hoạch đầu tư công trung dài hạn giai đoạn 2021 – 2025.

VỐN ĐẦU TƯ VÀ THU, CHI NGÂN SÁCH ĐỀU TĂNG

Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, năm 2023, TP.HCM  được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước là 70.518,1 tỷ đồng. Bao gồm: Vốn ngân sách trung ương trong nước là 13.584,4 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương nước ngoài 1.412,6 tỷ đồng;vốn đầu tư công cân đối từ ngân sách thành phố là 55.225,1 tỷ đồng.

Tổng số vốn được Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai đợt 1 là 39.551,4 tỷ đồng. Với việc xác định năm 2023 là trọng điểm của kế hoạch đầu tư công trung dài hạn giai đoạn 202 - 2025, ngay từ những tháng đầu năm lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên, khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các dự án.

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 02/2023 đạt 1.435,3 tỷ đồng, giảm 13,4% so cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm đạt 2.941,3 tỷ đồng, tăng 75,0% so với cùng kỳ 2022.

Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì Trung ương đã giao Thành phố thực hiện sáu đề án lớn. Đó là: Xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; xây dựng cơ chế và hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kết nối sàn giao dịch công nghệ; xây dựng cảng trung chuyển container tại Cần Giờ; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo các tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4, kết hợp xây dựng các tuyến cao tốc giữa TP.HCM với Mộc Bài (Tây Ninh), Chơn Thành, Long Thành (mở rộng), Trung Lương - Mỹ Thuận (mở rộng) và phát triển chuỗi công nghiệp, đô thị Mộc Bài – TP,HCM - Cái Mép.

Về thu chi ngân sách, theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố trong hai tháng đầu năm 2023 tăng 5,9% so cùng kỳ 2022 và chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) tăng 12,0%. Trong khi đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước hai tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 93.151 tỷ đồng, đạt 19,8% dự toán và tăng 5,9% so cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 67.156 tỷ đồng, đạt 21,8% dự toán và chiếm 72,1% tổng thu cân đối, tăng 4,6% so cùng kỳ 2022. Thu dầu thô ước thực hiện 4.621 tỷ đồng, đạt 28,9% dự toán, chiếm 5,0% tổng thu cân đối và tăng 46,5%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 21.374 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán, chiếm 23,0% tổng thu cân đối và tăng 3,8%.

Về thu chi địa phương, thu cân đối ngân sách địa phương hai tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 31.369 tỷ đồng, đạt 26,8% dự toán, chiếm 33,7% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước và tăng 30,1% so cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương hai tháng đầu năm 2023. Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM.
Chi ngân sách địa phương hai tháng đầu năm 2023. Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM.

Và tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) hai tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 5.635 tỷ đồng, đạt 4,5% dự toán và tăng 12% so cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 5.483 tỷ đồng, đạt 5,0% dự toán và tăng 9,0% so với cùng kỳ.

ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

Thị trường tiền tệ trên địa bàn TP.HCM được điều hành theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt nam. Theo đó, trong tháng 02/2023, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động và từng bước giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường.

Thống kê cho biết, tính đến 28/02/2023, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 3,0% và dư nợ tín dụng tăng 11,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM ước tính đến 28/02/2023 đạt 3.261.000 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng đầu năm và tăng 3,0% so cùng kỳ. Bao gồm: Vốn huy động bằng VNĐ ước đạt 2.928.000 tỷ đồng, chiếm 89,8% tổng vốn huy động; và vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 333.000 tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng vốn huy động.

Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM tính đến hết tháng 02/2023 đạt 3.238 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 11,3% so cùng kỳ.

Về sản xuất công nghiệp, so với tháng đầu năm là tháng tết và có số ngày làm việc ít, qua tháng 02/2023 ghi nhận chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 12,4% so với tháng trước và tăng 12,7% so cùng kỳ.

IIP hai tháng đầu năm 2023 của TP.HCM. Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM.
IIP hai tháng đầu năm 2023 của TP.HCM. Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM.

Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 13,0% so cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 3,2% so cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 12,2% so cùng kỳ.

Tính lũy kể từ đầu năm đến hết tháng 02/2023, IIP trên địa bàn TP.HCM giảm 2,5% so với cùng kỳ.

Về thương mại và dịch vụ, kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão với số ngày làm việc trở lại bình thường, các hoạt động dịch vụ như kinh doanh bất động sản, giáo dục, y tế, dịch vụ hành chính, phục vụ cá nhân cộng đồng ước tính đều tăng (cả nhóm tăng nhẹ 1,8%). Cùng với đó, các hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí bớt hẳn nhộn nhịp nên doanh thu bán lẻ hàng hóa, lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành có mức giảm khá cao; các chỉ số giảm tương ứng lần lượt là: -8,3%; -3,2% và -27,1%.

Ba nhóm hàng tăng cao nhất trong tháng 01/2023 nhưng cũng giảm mạnh nhất trong tháng 02/2023 đó là: Lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng 18%, giảm 15,8%; hàng may mặc chiếm tỷ trọng 8,4%, giảm 11,5% và đồ dùng dụng cụ gia đình chiếm tỷ trọng 12,6%, giảm 15,6%. Đây là ba nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong doanh thu bán lẻ hàng hóa.