TP.HCM và 5 tỉnh Tây Nguyên mời gọi đầu tư hơn 550 dự án
558 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistics, y tế... được TP.HCM và 5 tỉnh Tây Nguyên mời gọi đầu tư…
Tây Nguyên có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, bao gồm các trữ lượng lớn như than bùn, than nâu, sét cao lanh... đất đai rất phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp…
TÀI NGUYÊN PHONG PHÚ
TP.HCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai) đã công bố tổng cộng 558 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistics, y tế... mời gọi đầu tư tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024” diễn ra chiều 04/4/2024 tại TP.HCM.
Lâm Đồng là địa phương có số dự án kêu gọi nhiều nhất tới 217 dự án, tiếp theo là Kon Tum với 157 dự án, còn lại phân bổ ở tỉnh thành: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và TP.HCM.
Một số dự án trọng điểm, như: cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng), khu đô thị mới tổ 1, phường Nghĩa Đức (Đắk Nông), nhà máy xử lý chất thải rắn (Đắk Lắk), dự án khu nông nghiệp công nghệ cao (Gia Lai) và khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tắm bùn, suối khoáng, thác Đắk Lung (Kon Tum).
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh sự phát triển của TP.HCM luôn song hành, gắn liền với sự phát triển của các địa phương, trong đó có các tỉnh vùng Tây Nguyên.
"Thời gian qua, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên đã có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, luân chuyển hàng hóa. Qua đó đáp ứng tốt nhu cầu của người dân tại các tỉnh, thành nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung", ông Hoan cho biết.
Ông Hoan cho rằng vùng Tây Nguyên sở hữu nguồn tài nguyên rừng phong phú, với độ che phủ đạt 51,34%. Ngoài ra, vùng này còn được biết đến với lợi thế đất đai, rất phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp. Tây Nguyên còn đa dạng về tài nguyên khoáng sản, bao gồm các trữ lượng lớn như than bùn, than nâu, sét cao lanh...
UBND TP.HCM kỳ vọng các doanh nghiệp thành phố cũng như doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu đầu tư vào vùng đất này, từ đó, mở ra cơ hội cho sự phát triển bền vững và hài hòa của cả hai địa phương, đóng góp vào việc củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên.
Tại hội nghị, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nhận định Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm, nhưng hiện nay hạ tầng kho lạnh tại chỗ để bảo quản, chế biến còn quá thiếu.
“Hội mong các tỉnh cung cấp thông tin, địa chỉ vùng trồng, các dự án cần hợp tác đầu tư để hội phổ biến cho các doanh nghiệp hội viên, từ đó liên kết hợp tác, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng hệ thống sơ chế, kho lạnh, dự trữ, ứng dụng công nghệ cho nuôi trồng, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Đầu tư kho lạnh cần chi phí lớn, cần có hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương”, bà Chi nói.
NHIỀU ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
Theo lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, tiềm năng phát triển du lịch của Tây Nguyên rất đáng kể, với hệ thống hồ, thác, khu hệ động, thực vật phong phú. Các tiểu vùng có khí hậu ôn hòa và mát mẻ tại đây cũng thích hợp cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết tỉnh xác định trụ cột kinh tế là du lịch, nông nghiệp, phát triển rừng, dược liệu, năng lượng sạch.Tỉnh sẵn sàng trao đổi cởi mở tất cả nội dung mà nhà đầu tư quan tâm.
Hiện tỉnh Lâm Đồng đang có 138 dự án do doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 17.710 tỷ đồng. Theo ông Bùi Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, trước mắt, tỉnh xúc tiến đầu tư 03 dự án lớn gồm: dự án Khu du lịch Đankia - Suối Vàng; dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phú Bình và dự án đầu tư xây dựng 02 dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo hình thức đối tác công tư PPP.
Về ưu đãi đầu tư tại các địa phương, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngoài chính sách ưu đãi chung, khi đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa của tỉnh, nhà đầu tư sẽ được miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 70% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với dự án tại các phường của TP. Buôn Ma Thuột; miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 85% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với đất tại các xã thuộc TP. Buôn Ma Thuột; miễn 100% đối với các địa bàn khác. Lãnh đạo tỉnh tiếp đón làm việc trực tiếp với nhà đầu tư vào thứ 5 hàng tuần…
Còn ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng dù hiện nay địa phương chưa có nhiều chính sách ưu đãi riêng cho nhà đầu tư, nhưng tỉnh cam kết thực hiện tốt chính sách đầu tư chung, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề phát sinh để nhà đầu tư an tâm…
Theo ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, với sổ tay đầu tư đang được tỉnh xây dựng, nhà đầu tư sẽ biết được tổng thời gian đầu tư là bao nhiêu ngày; khâu nào do đơn vị nào chủ trì và các đơn vị phối hợp; thời gian giải quyết tối đa của từng khâu. Trong từng khâu có các quy trình con cũng chi tiết như vậy…
Tại hội nghị cũng chứng kiến việc ký kết 11 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, tạo ra cơ sở pháp lý cho việc hợp tác và đầu tư trong tương lai. Gia Lai, Đắk Lắk, và Đắk Nông là những tỉnh có số lượng bản ghi nhớ cao nhất.