16:14 09/11/2023

Tranh luận tỷ lệ vốn góp Nhà nước trong dự án PPP giao thông, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất nới lên 80%

Ánh Tuyết

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư...

Nếu giữ tỷ lệ vốn Nhà nước 50% thì nhiều dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp nhu cầu vận tải không cao sẽ khó gọi nhà đầu tư.
Nếu giữ tỷ lệ vốn Nhà nước 50% thì nhiều dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp nhu cầu vận tải không cao sẽ khó gọi nhà đầu tư.

Ngày 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Hầu hết đại biểu bày tỏ tán thành với nội dung dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, để góp phần hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông quan trọng. Tuy nhiên, còn nhiều đại biểu băn khoăn về danh mục các dự án kèm theo dự thảo Nghị quyết hay tỷ lệ nâng trần vốn góp của Nhà nước...

BĂN KHOĂN TỶ LỆ VỐN GÓP, TIÊU CHÍ DUYỆT DỰ ÁN

Đại biểu Lại Văn Hoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình ghi nhận thời gian qua Chính phủ tập trung quyết liệt và có những kết quả quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ, đưa các công trình hạ tầng thiết yếu, một số tuyến cao tốc vào khai thác sử dụng.

Đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành 5 nhóm cơ chế chính sách áp dụng thí điểm nhằm để tiếp tục giải quyết những vướng mắc tồn tại hiện nay, tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kế cấu hạ tầng, đặc biệt là giải quyết ách tắc về giao thông để tăng kích cầu phát triển kinh tế.

Riêng với việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, đại biểu Lại Văn Hoàn, cho rằng cần xem xét lại một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược, tổng mức đầu tư rất lớn gồm nhiều hợp phần khác nhau đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng và kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP, vì vậy, nguồn lực Nhà nước sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính… cũng cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn.

Đại biểu Lại Văn Hoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư.
Đại biểu Lại Văn Hoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư.

Đại biểu cũng dẫn chứng thực tiễn triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình, đây là tuyến đường quan trọng giúp kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình, TP. Hải Phòng và các tỉnh ven biển, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh có tuyến đường đi qua.

Dự án này được thực hiện trước khi Luật PPP ban hành, vì vậy tại thời điểm đó chưa có các quy định pháp luật ràng buộc về tỷ lệ phần vốn của Nhà nước tham gia dự án.

Tuy nhiên, "trong quá trình triển khai thực hiện dự án do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như Covid-19, xung đột, khan hiếm nguyên vật liệu, giá cả tăng cao, chi phí nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn dẫn đến chi phí thực hiện dự án tăng cao, chủ yếu tăng vào phần khối lượng do phần vốn Nhà nước đảm nhận, tăng lên 80% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh", đại biểu Lại Văn Hoàn cho biết.

Như vậy, nếu theo tờ trình của Chính phủ, chỉ tăng phần vốn Nhà nước lên 70% cũng không tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình. 

Từ những phân tích trên, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị các đại biểu ủng hộ phương án đề xuất theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức PPP với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư.

Riêng đối với dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình đề nghị chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn nhà nước 80% tổng mức đầu tư của dự án, hoặc cho phép tiếp tục tăng phần vốn Nhà nước so với chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về chính sách về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho biết hiện nay Chính phủ đang đệ trình tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn so với tỷ lệ quy định trong Luật PPP là 70%.

Cơ sở quan trọng nhất, mấu chốt nhất để xác định “như thế nào là hợp lý”, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng cần không làm mất đi tính chất hợp tác công tư và cần cân bằng tính khả thi của tỷ lệ này. Nếu cơ chế đưa ra không khả thi thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác.

Đại biểu cũng nhận thấy, Chính phủ có thể tham chiếu Nghị quyết thí điểm của TP.HCM với tỷ lệ góp vốn 70% là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên không nhất thiết lấy đúng tỷ lệ này của TP.HCM. Vì đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, bối cảnh các công trình, dự án của TP.HCM rất khác, bài toán về hiệu quả kinh tế, bài toán về các nhà đầu tư cũng khác, tham chiếu nhưng không nhất thiết áp dụng tỷ lệ vốn góp 70%.

 
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

"Cần nâng cao tỷ lệ này lên 80% vì đây là tỷ lệ tối đa phần vốn Nhà nước có thể tham gia, dư địa để các địa phương đàm phán các nhà đầu tư. Mỗi địa phương tùy từng hoàn cảnh có những phương án riêng và tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép".

Bên cạnh đó, tại phiên thảo luận, các đại biểu còn băn khoăn về danh mục các dự án kèm theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này và lưu ý cần cần xây dựng tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần trên 50% vốn đầu tư.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang bày tỏ nhất trí với kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc thực hiện thí điểm cần phải có địa chỉ, thời gian, giới hạn cụ thể, không quy định như một đạo luật khác. 

Song song với các luật hiện hành, về các nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Tú cho biết, về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, dự thảo nghị quyết quy định 4 nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm. Đại biểu cho rằng, việc xác định các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm rất quan trọng, là cơ sở để xem xét, quyết định một dự án có thuộc diện được áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết hay không. 

SẼ RÀ SOÁT SỬA BẤT CẬP TRONG LUẬT PPP

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết qua thảo luận tại tổ và hội trường cho thấy về cơ bản các đại biểu ủng hộ đề xuất của Chính phủ với các chính sách như dự thảo Nghị quyết và nêu nhiều vấn đề cần rà soát hoàn thiện. Bộ trưởng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo.

Về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề khó và nhạy cảm, trước đây không quy định tỷ lệ, sau này có Luật PPP đưa ra tỷ lệ 50%.

Thời điểm đưa ra tỷ lệ này có căn cứ rõ ràng nhưng đến nay Bộ nhận thấy quy định này không còn phù hợp với các dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp nhu cầu vận tải không cao khiến nhà đầu tư không quan tâm, hay các dự án đi qua các đô thị có chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định danh mục các dự án đều chuẩn bị xong thủ tục đầu tư, đủ điều kiện và đang triển khai.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định danh mục các dự án đều chuẩn bị xong thủ tục đầu tư, đủ điều kiện và đang triển khai.

Tuy nhiên, với tỷ lệ thấp sẽ không thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP. Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước lên là vấn đề cần tính toán, cân nhắc. Qua tính toán cho thấy mức 70 - 75% là hợp lý, tuy nhiên một số dự án có thể cao hơn tuỳ từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới rà soát nghiên cứu sửa đổi Luật PPP.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ các dự án trình lần này đều là những dự án đã được xác định trong đầu tư công trung hạn đã chuẩn bị thủ tục đầu tư, đã bố trí nguồn vốn nhưng có vướng mắc.

Do đó, nếu khi được Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù thì sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, do nhiều địa phương có đề nghị nên Chính phủ đã thiết kế “quy định mở”.

Theo đó, "một số dự án chưa kịp hoàn thiện thủ tục với yêu cầu từ nay đến khi Quốc hội thông qua phải hoàn thiện; đồng thời, trong quá trình thực hiện tiếp theo có phát sinh một số dự án nữa thì căn cứ vào nguyên tắc tiêu chí để nếu đáp ứng đủ thì sẽ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.