09:21 08/07/2017

Vận tải đường sắt và sức ép từ đường bộ, hàng không

Kiều Linh

Những yếu kém về hạ tầng, chất lượng dịch vụ, thời gian đi lại, giá cả khiến đường sắt đang bị thất thế trước hàng không và đường bộ

Thị phần vận tải hành khách đường sắt chiếm 1,14%. 
Thị phần vận tải hành khách đường sắt chiếm 1,14%. 
Trong khi hàng không phát triển nóng với sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ thu hút khách, đường bộ cũng phát triển với nhiều tuyến đường cao tốc mở ra thì đường sắt vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí đi thụt lùi.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, vận tải hành khách đạt 1,9 tỷ lượt khách, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, vận tải hành khách đường bộ đạt 1,8 tỷ lượt khách, tăng 9,6%; vận tải hành khách đường biển đạt 3,3 triệu lượt khách - tăng 9,5%; vận tải đường hàng không đạt 21,2 triệu lượt khách - tăng 9,8%; vận tải hành khách đường sắt đạt 5 triệu lượt khách - giảm 2,9%.

Đối với vận tải hàng hoá, nửa đầu năm nay đạt 705,2 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và 130,6 tỷ tấn.km, tăng 5,8%.

Xét theo ngành vận tải, vận tải hàng hoá đường bộ đạt 547,9 triệu tấn, đường sông đạt 120,5 triệu tấn, đường biển đạt 33,8 triệu tấn, đường sắt đạt 2,8 triệu tấn.

Mặc dù vận tải hàng hoá đường sắt tăng trưởng 6,3%, đạt 2,8 triệu tấn song so với tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng hoá đường bộ 9,8% thì con số trên khá khiêm tốn. Chưa kể, vận tải hành khách đường sắt giảm 2,9% thì ngược lại, vận tải hành khách đường bộ tăng trưởng 9,6% và hàng không tăng 9,8%.

Cú bứt phá từ hàng không, đường bộ khiến sản lượng vận tải đường sắt giảm, kéo doanh thu giảm theo. Chính Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải thừa nhận, lượng khách đi tàu đường giảm rõ rệt do sự cạnh tranh của hãng hàng không giá rẻ, ôtô chất lượng cao và đặc biệt khi đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng đi vào khai thác.

Vậy thì đâu là vấn đề đường sắt gặp phải khiến hành khách không còn mặn mà? Do yếu kém về hạ tầng, chất lượng dịch vụ, thời gian đi lại, giá cả chưa đủ cạnh tranh. Bên cạnh đó là tư duy về chiến lược phát triển của ngành đường sắt theo lối mòn. Hay nói cách khác là đường sắt vẫn đang bằng lòng với những gì mình đã có.

Tuy nhiên, để tăng thị phần vận tải đường sắt, giảm thị phần vận tải đường bộ, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra đề án tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Đề án này được bộ phê duyệt hôm 21/3.

Cụ thể, theo đề án này, giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển đường thủy nội địa và hàng không.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, cơ cấu vận tải hành khách hiện nay đường bộ vẫn chiếm nhiều nhất với 95,75%, đường sắt chiếm 1,14%, hàng không 2,05%, đường thủy nội địa chiếm 0,19%, hàng hải chiếm 0,01%.

Đối với vận tải hàng hóa, hiện nay vận tải đường bộ vẫn chiếm hơn 70%, làm mất cân đối giữa các phương thức vận tải.

Do đó, mục tiêu của đề án là, đối với thị phần vận tải hành khách bằng đường bộ, năm 2020 giảm xuống còn 93,22%, đường sắt tăng lên 3,38%, đường thủy nội địa 0,17% và hàng không 3,23%.

Năm 2020 thị phần vận tải hàng hóa đường bộ giảm xuống chỉ còn 54,4%, đường sắt tăng lên 4,3%, đường thủy nội địa 32,4%, đường biển 8,85 % và hàng không 0,04%.

Để thực hiện được mục tiêu này, trong những năm tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.

Đồng thời, khai thác có hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện có, ưu tiên đầu tư, nâng cấp các công trình có tính trọng yếu để tạo sự đột phá trong phát triển vận tải và thực hiện tái cơ cấu vận tải.