Viện trưởng Viện Toán học: Thi trắc nghiệm môn Toán 100% là sai lầm
Những gì Hội Toán học Việt Nam khuyến cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối năm 2016 đã thành hiện thực
Đây là quan điểm của GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam trong bức thư từng gửi Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, vừa được ông công bố trên trang cá nhân góp ý về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn toán và nhiều môn khác trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nhân việc mới đây đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) nêu lại vấn đề thi trắc nghiệm tại nghị trường Quốc hội.
GS Phùng Hồ Hải cho rằng, lo lắng của của ông về mô hình thi trắc nghiệm đối với môn Toán tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, cũng như những gì Hội Toán học Việt Nam khuyến cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối năm 2016 đã thành hiện thực.
"Hơn thế nữa, nhiều điều mà chúng tôi khi đó đã dự đoán nhưng vì sự cẩn trọng mà không dám tuyên bố cũng đã thành sự thực", GS Phùng Hồ Hải trong những lời mở đầu thư nói.
Trong bức thư này, GS Phùng Hồ Hải đã phân tích 5 điểm bất cập của việc thi trắc nghiệm môn Toán.
Theo ông, ngành giáo dục muốn hiện đại hóa quy trình thi cử, giảm tiêu cực, giảm chi phí, giảm vất vả cho người dân, đồng thời đưa việc thi cử về cho địa phương quản lý. Với những tiêu chí đó thì sử dụng mô hình thi trắc nghiệm là hợp lý hơn cả, hơn nữa nó đã được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, quốc gia phát triển nhất.
Về mặt logic thì những lý luận đó có vẻ đúng. Tuy nhiên, điều này sai ở xuất phát điểm. Đó là, tỷ lệ đỗ của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bị không chế lên tới 90% hoặc hơn thế nữa ở đa số các vùng miền trên cả nước, do bệnh thành tích.
"Việc dùng biện pháp trắc nghiệm để tránh quay cóp chỉ khiến cho việc quay cóp một cách công khai, trắng trợn hơn mà thôi. Những vụ việc đã được phát giác tại Hà Giang là minh chứng cho điều này", GS Phùng Hồ Hải viết.
Tiếp theo, ông cho rằng những vụ việc tiêu cực vừa qua thêm một lần nữa khẳng định việc áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn dẫn tới thất bại.
Theo ông, khó khăn lớn nhất của thực tế Việt Nam là vấn đề ''con người" chứ không phải vấn đề ''cơ chế". Rất nhiều cơ chế rất hay ở nước ngoài có thể thất bại một cách ngớ ngẩn ở Việt Nam.
Đơn cử trong ngành giáo dục, chúng ta đã thất bại với mô hình ''tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học", thất bại với phong trào ''nói không với tiêu cực", và đang thất bại với mô hình ''thi tốt nghiệp trung học phổ thông".
GS Phùng Hồ Hải bày tỏ tin tưởng những ứng dụng mới nhất của công nghệ sẽ giúp chúng ta giải quyết phần nào bài toán ''con người". Nhưng việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, mặc dù sử dụng công nghệ, lại đi ngược với nguyên lý này.
Toàn bộ quy trình xây dựng đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi đều không đáp ứng yếu tố công khai và có kiểm soát. Hệ quả của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở phạm vi chóng mặt. Thay vì sửa điểm cho một vài học sinh, người ta sửa cho hàng trăm và mức sửa thực sự là không có giới hạn. Có những bài thi được sửa tới hơn một ngàn phần trăm.
Thêm nữa, ông cũng cho rằng, việc tổ chức thi trắc nghiệm là hoàn toàn không đơn giản, nhất là đối với một kỳ thi trên diện rộng, mà cần một sự chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng với nhiều nhân lực vật lực.
Nguyên lý đánh giá của phương pháp thi trắc nghiệm là dựa trên thống kê. Độ chính xác của nó được đo bằng các đại lượng xác suất. Nói cách khác, nó được phép sai, nhưng cần đảm bảo xác suất sai phải thấp.
Cuối cùng, theo ông tác hại lớn nhất của kỳ thi liên quan tới mục tiêu thứ hai của nó, là xét tuyển vào đại học. Đây chính là lý do mà hai năm trước Hội Toán học Việt Nam đã kịch liệt phản đối chủ trương thi trắc nghiệm.
GS Phùng Hồ Hải cho rằng, đối với môn toán, năng lực đầu vào của các sinh viên hiện nay đang ở mức báo động. Do đối phó với kiểu thi tốt nghiệp, các em hoàn toàn không được chuẩn bị các kiến thức toán học căn bản để có thể tiếp thu các kiến thức ở bậc đại học.
Đó là chưa nói đến do chất lượng đề thi mà người ta không chọn được đúng học sinh có năng lực. Ngoài ra, thời gian học đại học thì đang bị rút ngắn. Hệ quả là chúng ta sẽ phải cho ra trường những sinh viên không có mấy chữ trong bụng.
"Tôi đã từng chứng kiến nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Toán thuộc lòng các định lý toán như thuộc thơ, và cũng như thơ, các em nhớ nhầm vài chữ trong đó. Đó mới là điều đáng ngại nhất", GS Phùng Hồ Hải viết trong thư.
Trước những thực tế này, người đứng đầu Viện Toán học Việt Nam cho rằng, cần tổ chức gấp các hội thảo để rút kinh nghiệm công tác thi cử và đưa ra các biện pháp cho năm tới.
"Tất nhiên, hội nghị hội thảo của chúng ta xưa nay không thiếu, vấn đề là những ai tham dự và ý kiến có được lắng nghe? Tôi chỉ xin có một ý kiến, đối với những vấn đề liên quan tới chuyên môn Toán học, xin hãy lắng nghe những nhà Toán học", GS Phùng Hồ Hải đề nghị trong thư.