Việt Nam sẽ có 26% dân số thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2026
Tầng lớp trung lưu đang hình thành tại Việt Nam, hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026...
Thông tin được chia sẻ tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 16/9.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 10 năm, kết quả thực hiện đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội.
Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 đạt 0,706, có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2019).
“Chính sách an sinh xã hội khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được đảm bảo tốt hơn. Sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp ngày càng tích cực và hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh tại hội thảo.
Về chính sách việc làm, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều chương trình và giải pháp tạo việc làm đồng bộ, tích cực, hiệu quả; hàng năm giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 và 2021 giải quyết việc làm giảm xuống còn khoảng 1,3 triệu người/năm. Hiện nay có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ USD/năm.
Giai đoạn 2010-2021, tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy việc làm và cải thiện thu nhập của hộ gia đình Việt Nam, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp.
Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người/tháng là 4,2 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2010 (trong đó khu vực thành thị, cao gấp 2,5 lần và khu vực nông thôn cao gấp 3,2 lần). Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của nhóm nghèo nhất với nhóm giàu nhất đã được cải thiện. Cơ cấu thu nhập tiến bộ hơn, tỷ trọng thu nhập từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, từ 44,8% năm 2010 lên 57% năm 2021.
Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Giai đoạn 2016-2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, năm 2021 giảm còn 2,23%; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010.
Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022. Năm 2021, cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, được chi trả bằng nhiều hình thức, linh hoạt (tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân).
Tuy nhiên, chính sách xã hội chưa bao phủ hết đối tượng, vẫn còn chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, đối tượng còn cao. Kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, tái nghèo vẫn cao; độ bao phủ bảo hiểm xã hội thấp so với tiềm năng; bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động tham gia; phạm vi bao phủ của trợ giúp xã hội còn hẹp…
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm trên 10% tổng dân số từ năm 2011 và là một trong 5 nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới.
Tầng lớp trung lưu đang hình thành hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026. Thêm vào đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu; tăng các thiệt hại về kinh tế, con người ở các vùng chịu ảnh hưởng..., từ đó tạo áp lực trực tiếp đến xã hội, đặc biệt là hệ thống an sinh xã hội trong việc bảo đảm quyền con người và tiếp cận các cơ hội việc làm, các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Vì vậy, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong định hướng phát triển chính sách xã hội giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ hướng đến việc thực hiện tốt nhất các chính sách xã hội đảm bảo an sinh, an dân, an cư cho mọi người dân thích ứng với các bối cảnh mới.