11:59 14/08/2024

Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các startup quốc tế

Hoàng An

Các startup quốc tế vẫn đang thể hiện sức mạnh trong các dịch vụ số như thương mại điện tử, marketing và giáo dục, an toàn thông tin, nhà máy thông minh, IoT và phát triển bền vững...

Ông Richard R. C. Shih, đại diện của Trung tâm Kinh tế Văn hóa Đài Loan tại Việt Nam, quan hệ giữa Đài Loan và Việt Nam đã phát triển rất mạnh về mọi mặt trong thời gian qua
Ông Richard R. C. Shih, đại diện của Trung tâm Kinh tế Văn hóa Đài Loan tại Việt Nam, quan hệ giữa Đài Loan và Việt Nam đã phát triển rất mạnh về mọi mặt trong thời gian qua

Ngày 13/8, Startup Island Taiwan, thương hiệu cấp quốc gia về startup của Đài Loan cùng 18 startup đổi mới sáng tạo tiêu biểu nhất đã đến Hà Nội để tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác tại Việt Nam trong khuôn khổ sự kiện Taiwan Tech Solution Day. 

Theo ông Richard R. C. Shih, đại diện của Trung tâm Kinh tế Văn hóa Đài Loan tại Việt Nam, quan hệ giữa Đài Loan và Việt Nam đã phát triển rất mạnh về mọi mặt trong thời gian qua. Cụ thể, hiện có 260.000 người Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan.

Bên cạnh đó, 27.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đài Loan và hơn 130.000 cuộc hôn nhân giữa người Việt Nam và Đài Loan. Ở chiều ngược lại, hơn 80.000 người Đài Loan đang làm việc tại Việt Nam và tổng số vốn đầu tư từ doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam đã lên đến hàng chục tỷ USD.

Riêng trong lĩnh vực công nghệ, Đài Loan được biết là trung tâm của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI). Đài Loan cũng là cái nôi phát triển rất nhiều các giải pháp công nghệ đột phá. “Tôi kỳ vọng sẽ thêm có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác", ông Richard cho biết. 

Phát biểu tại sự kiện, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), cho biết các khoản đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam cho đến nay hầu như đều hết sức thành công. Đơn cử như Foxconn có thể coi như điển hình đầu tư thành công của doanh nghiệp công nghệ Đài Loan nói riêng và doanh nghiệp Đài Loan nói chung vào Việt Nam.

Phó Giám đốc NIC cũng chia sẻ Việt Nam cũng đang trong tiến trình chuyển đổi mạnh mẽ và nền kinh tế số của Việt Nam trong 5 năm tới có thể đạt trị giá 70 tỷ USD. Với quy mô dân số 100 triệu người, Việt Nam cũng là một điểm đến nhiều triển vọng cho các nhà đầu tư. “Khi nền kinh tế chuyển đổi sẽ cần rất nhiều các dịch vụ và sản phẩm số và đây là cơ hội tốt cho các công ty công nghệ và startup Đài Loan”, ông Thịnh cho biết.

Taiwan Tech Solution Day năm nay cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp kết nối hệ sinh thái startup giữa Đài Loan và Việt Nam và mở đường cho mối quan hệ hợp tác và đổi mới sáng tạo giữa hai bên. Tại sự kiện, các startup Đài Loan cũng đã trình diễn các công nghệ mới nhất đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau và thể hiện thế mạnh trong các dịch vụ số như thương mại điện tử, marketing và giáo dục, an toàn thông tin, nhà máy thông minh, IoT và phát triển bền vững.

Các startup Đài Loan cũng đã trình diễn các công nghệ mới nhất đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau
Các startup Đài Loan cũng đã trình diễn các công nghệ mới nhất đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau

Trong các đại diện startup tham gia sự kiện có Gogolook, startup tiên phong trong lĩnh vực an toàn thông tin đã thành công trong tiến trình mở rộng sự hiện diện của mình ra khu vực Đông Nam Á bao gồm: Thái Lan, Philippines và cũng đang sẵn sàng tiến vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Is CoolLab, startup trong lĩnh vực tự động hoá chu trình Robot trong lĩnh vực sản xuất và Sightour, startup với thế mạnh trong công nghệ nhận dạng ký tự quang học đã thiết lập được các mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. Hai startup này đều đã hoàn thiện được PoC và đang trong quá trình mở rộng quy mô thị trường.