Vietcombank chính thức nhận chuyển giao bắt buộc CBBank
Ngày 17/10/2024, NHNN đã công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) do Nhà nước là chủ sở hữu 100% vốn cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) theo Phương án được Chính phủ phê duyệt.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (mã VCB-HOSE) thông báo thông tin về việc nhận chuyển giao bắt buộc NHTM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam.
Theo đó, ngày 17/10/2024, NHNN đã công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngăn hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) do Nhà nước là chủ sở hữu 100% vốn cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) theo Phương án được Chính phủ phê duyệt.
Chuyển giao bắt buộc là một trong các phương án để cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt được quy định tại Luật các TCTD.
Việc chuyển giao bắt buộc CB cho VCB được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa CB dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bào khá năng hoạt động liên tục.
Đối với VCB, ngân hàng sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới; có thể nhận sáp nhập, duy trì CB như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng CB cho nhà đầu tư mới trong và sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc.
Sau chuyển giao bắt buộc, CB tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VCB sở hữu 100% vốn điều lệ; được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB tiếp tục được đảm bảo theo đúng thoả thuận và quy định pháp luật. CB là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính (BCTC) vào BCTC hợp nhất của VCB.
VCB thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với CB theo quy định. VCB không góp vốn vào CB trong thời gian CB còn lỗ lũy kế; VCB tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
VCB và CB được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Sau sự kiện chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) đã có thư ngỏ gửi tới quý khách hàng.
Trong thư, ông Đàm Minh Đức - Tổng Giám đốc CB đã bày tỏ lời cảm ơn bởi sự tin tưởng, ủng hộ của khách hàng CB đã dành cho ngân hàng trong suốt thời gian vừa qua.
Kể từ ngày 17/10/2024, CB chính thức được chuyển giao bắt buộc cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (mã VCB) theo phương án được Chính phủ phê duyệt.
Ông Đức cho biết, sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB sẽ tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ và thực hiện bình thường các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định.
Đồng thời, mọi hợp đồng/cam kết/thoả thuận đã ký kết giữa CB và khách hàng, đối tác tiếp tục có hiệu lực; qua đó, mọi nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đối tác được đảm bảo.
Việc chuyển giao CB cho Vietcombank là chủ trương lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong quyết tâm ổn định thị trường tài chính tiền tệ trong nước.
Việc được sở hữu và hỗ trợ bởi Vietcombank – ngân hàng có uy tín lớn trong nước và quốc tế, có tiềm lực tài chính vững mạnh sẽ đưa CB hoạt động ổn định, từng bước củng cố, ngày càng phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt hơn cho quý khách hàng CB.
Trong ngày nhận quyết định chuyển giao bắt buộc (17/10), CB đã có thông báo nghỉ giao dịch sớm trên toàn hệ thống từ 15h-17h để tổng kiểm kê, phục vụ cho việc chuyển giao.
Được biết, HĐQT VCB đã phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu xanh năm 2024 với số lượng 2.000 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ/trái phiếu. Tổng mệnh giá là 2.000 tỷ, kỳ hạn 2 năm. Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.