16:25 14/09/2022

Vụ 9,4 triệu sách giáo khoa giả: “Truy” trách nhiệm công ty in ấn và hiệu sách

Đỗ Mến

Loạt các bị can thuộc công ty in ấn, các hiệu sách tiếp tay cho đường dây sản xuất sách giáo khoa giả của Cao Thị Minh Thuận...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong vụ án sản xuất 9,4 triệu sách giáo khoa giả, Viện kiểm sát truy tố đối với 34 bị can, trong đó bị can Cao Thị Minh Thuận (SN 1979, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát) bị truy tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Đáng chú ý, cùng tội danh trên một số bị can thuộc công ty in ấn, hiệu sách cũng vướng lao lý như Nguyễn Mạnh Hà (SN 1972, phó giám đốc) và Hoàng Mạnh Chiến (SN 1982, giám đốc), Hoàng Thị Ánh Vân (SN 1983, kế toán trưởng), Đỗ Đức Thắng (SN 1979, nhân viên) thuộc CTCP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; Lục Văn Quán (SN 1974, giám đốc Công ty TNHH In và thương mại Hoài Đức), Nguyễn Minh Đức (SN 1985, cổ đông Công ty TNHH Tạp phẩm và vật tư ngành in), Nguyễn Văn Toàn (SN 1981, giám đốc Công ty TNHH Thương mại và In Lâm Anh)…

SẢN XUẤT HƠN 9,4 TRIỆU SÁCH GIÁO KHOA GIẢ

Ngày 18/6/2021, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt quả tang Hoàng Mạnh Chiến đang vận chuyển carton từ xe ô tô tải vào kho hàng của Công ty Phú Hưng Phát, thu giữ hơn 3,1 triệu sách giáo khoa các loại… Từ đây phát lộ nhóm chuyên sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sách giả với lợi nhuận “khủng”.

Theo cáo trạng, Công ty Phú Hưng Phát do Thuận làm giám đốc đã tổ chức sản xuất, đặt mua sách giáo khoa giả với số lượng lớn để bán kiếm lời từ năm 2018.

 

Quá trình giải quyết vụ việc, ông Trần Hùng lợi dụng chức vụ là Tổ trưởng Tổ công tác 304, Tổng cục Quản lý thị trường có quyền tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra đã nhận 300 triệu đồng từ Thuận. Đồng thời ông Hùng chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Thuận theo hướng xử lý hành chính vụ việc.

Thuận đã trực tiếp và chỉ đạo nhân viên đặt in sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tại CTCP In Hà Nội, đặt in bản kẽm tại Công ty TNHH Tạp phẩm và vật tư ngành in, Công ty TNHH In và thương mại INP…, tem giả rồi giao cho các xưởng giao công để hoàn thiện.

Sau đó, nhân viên Công ty Phú Hưng Phát đến các cửa hàng sách chào hàng, lập 2 tài khoản zalo là “Nhà sách Minh Thuận 1” và “Nhà sách Minh Thuận 2” để trao đổi với khách hàng. Công ty đưa ra mức chiết khấu từ 30%- 65%  trên giá bìa…

Kết quả điều tra xác định, trong năm 2021, Thuận tổ chức sản xuất và thực tế nhập kho hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản giáo dục Việt  Nam và các nhà xuất bản khác với trị giá hàng thật là hơn 260 tỷ đồng.

Các bị can đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển sách giả theo giá bìa là hơn 164 tỷ đồng. Tổng trị giá hóa đơn bán lẻ sau khi trừ chiết khấu là hơn 73,3 tỷ đồng. Bản thân Thuận thu các khách hàng số tiền thực tế là hơn 30 tỷ đồng.

TRUY TRÁCH NHIỆM CÔNG TY IN ẤN VÀ HIỆU SÁCH

Cáo trạng thể hiện, năm 2021, Thuận thỏa thuận với Nguyễn Mạnh Hà để đặt Công ty in Hà Nội sản xuất sách giáo khoa giả với giá từ 70 đồng – 103 đồng/1 trang. Thuận cung cấp tem giả cho Hà dán lên sách. Tuy nhiên, hai bên không ký kết hợp đồng.

Hà đã nhờ Hoàng Mạnh Chiến đứng tên giám đốc Công ty in Hà Nội và thực hiện việc gia công sau in như cắt xén, hoàn thiện sách tại xưởng giao công ở phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai…

Công ty in Hà Nội đã cung cấp cho Thuận hơn 1,1 triệu sách giáo khoa giả. Theo Viện kiểm sát, Hà thu lợi bất chính 7 tỷ đồng.

Tại Công ty Vật tư ngành in, theo chỉ đạo của Thuận, Nguyễn Thị Liên (kế toán Công ty Phú Hưng) đã gặp Nguyễn Minh Đức (cổ đông) đặt vấn đề in bản kẽm cá loại sách (phôi sách). Mặc dù không ký kết hợp đồng và chưa có giấy phép in sách nhưng Liên và Đức vẫn thảo thuận in bản kẽm với đơn giá từ 40.000 – 90.000 đồng/bản kẽm, mỗi cuốn sách từ 15-20 bản kẽm.

Từ tháng 1-5/2021, Đức đã làm và giao cho Liên 5.888 bản kẽm và nhận số tiền 480 triệu đồng.

Tương tự, Nguyễn Mạnh Thắng (giám đốc Công ty TNHH In và thương mại INP) đã in và giao cho Liên 3.422 bản kẽm, thu lợi 240 triệu đồng.

Còn Công ty Long Phát cũng sản xuất hơn 2 triệu sách giáo khoa giả cho Thuận, thu 210 triệu đồng. Công ty Thuận Phát giúp Thuận in 792.000 ruột sách, thu 550 triệu đồng; Công ty Hoài Đức in 2,1 triệu quyển sách bán thành phẩm, thu 3,6 tỷ đồng… Ngoài ra còn có xưởng gia công cũng tiếp tay cho hành vi sản xuất sách giả.

Bên cạnh đó, vai trò của các nhà sách trong việc tiêu thụ sách giả cũng được làm rõ.

Cáo trạng thể hiện, nhà sách Hiền Long do Văn Thị Hiền quản lý đã nhập sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tại Nhà sách Minh Thuận. Tuy nhiên nhà sách Minh Thuận không có giấy phép pháp hành sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam nhưng Hiền không nhận thức sách mua là giả.

Tài liệu điều tra thể hiện, việc mua bán giữa hai bên không có hóa đơn, chỉ xuất hóa đơn bán lẻ. Trong khi mức chiết khấu tại các đại lý phân phối chính thức là 20% thì mức chiết khấu do nhà sách Minh Thuận lên tới 30-65%.

Với mức chiết khấu cao, chủ nhà sách Oanh, Oanh Hoàn, chủ shop Bống &Bin… nhập sách giả từ nhà sách Minh Thuận với số lượng lớn.

Viện kiểm sát xác định, Thuận là chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả tại Công ty Phú Hưng Phát.