12:04 11/02/2012

Vụ Tiên Lãng và góc nhìn về truyền thông

Anh Minh

Vụ Tiên Lãng đặt ra đòi hỏi mới về ứng xử với truyền thông trong bối cảnh bùng nổ thông tin

Người dân tại Tiên Lãng hồi hộp ngóng máy tính đợi xem kết luận của Thủ tướng. Vụ Tiên Lãng là một minh chứng rất rõ ràng cho thấy sự phát triển cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông, đặc biệt là truyền thông Internet, trong một xã hội hiện đại - Ảnh: TP.
Người dân tại Tiên Lãng hồi hộp ngóng máy tính đợi xem kết luận của Thủ tướng. Vụ Tiên Lãng là một minh chứng rất rõ ràng cho thấy sự phát triển cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông, đặc biệt là truyền thông Internet, trong một xã hội hiện đại - Ảnh: TP.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Vũ Đức Đam thừa nhận tại cuộc gặp mặt báo chí chiều 10/2 rằng ông đã có vài tuần “ít ngủ” vì mải đọc các bài báo về vụ Tiên Lãng, đặc biệt là các bài mang tính bình luận và các comment của độc giả.

Thống kê của các nhân viên tại Văn phòng Chính phủ cho hay đã có trên 800 bài viết và hàng ngàn comment xuất hiện kèm theo trong thời gian qua.

Nhưng, đấy chỉ là con số bài viết của các báo chí trong nước. Số lượng bài viết "không chính thức" trên các diễn đàn, blog, hoặc trên các báo nước ngoài, có lẽ còn nhiều hơn thế. Khá lâu rồi, người ta mới thấy một sự việc được báo chí quan tâm đặc biệt đến như vậy, nên chuyện "ít ngủ" của Bộ trưởng Đam, cũng như nhiều quan chức khác của Chính phủ và Hải Phòng, cũng là điều dễ hiểu.

Vụ Tiên Lãng là một minh chứng rất rõ ràng cho thấy sự phát triển cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông, đặc biệt là truyền thông Internet, trong một xã hội hiện đại. Ở đó, Chính phủ sẽ phải lắng nghe dân chúng trước khi đưa ra các quyết định cuối cùng cho các tình huống, các vấn đề của đời sống xã hội. Vậy nên, khi Bộ trưởng Vũ Đức Đam chuyển lời của Thủ tướng "biểu dương và cảm ơn anh em báo chí đã thông tin rất kịp thời, đa dạng, phong phú, có nhiều bài phân tích đa chiều về vụ việc và điều đó đóng góp cùng các cơ quan chức năng đưa ra kết luận", đó không hẳn là một lời cảm ơn xã giao.

Trước đó, các báo cáo về tình hình Tiên Lãng mà Thủ tướng nhận được, như chính thừa nhận của ông trong kết luận cuộc họp về vụ việc này là "báo cáo chưa đầy đủ, nghiêm túc với Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện cung cấp thông tin chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận".

Tự ngàn xưa, các vua chúa cho dù cai quản đất nước theo chế độ phong kiến, vẫn biết rằng "dân là gốc". Không chỉ biết lắng nghe các bản tấu trình của các quan lại, nhiều vị vua thường xuyên có các chuyến vi hành mà mục tiêu cũng chỉ là để nắm thông tin về dân chúng một cách đầy đủ nhất. Không có đầy đủ thông tin, các quyết định của triều đình khó chính xác, đúng đắn, hợp tình hợp lý được.

Còn ngày nay, vụ Tiên Lãng có lẽ đã xoay sang một hướng khác nếu như các báo chí nhất loạt nghe theo các thông tin mà chính quyền thành phố Hải Phòng, Sở Công an Hải Phòng, chính quyền huyện Tiên Lãng chủ động cung cấp, đặc biệt là bản báo cáo về vụ việc của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông Lê Văn Hiền. Một báo cáo mà nếu dễ dãi, bất kỳ ai cũng thấy nó hợp lý và đúng đắn!

Vụ Tiên Lãng cũng đánh dấu một bước ngoặt về truyền thông chính trị tại Việt Nam. Có lẽ, qua rồi cái thời các quan chức có thể phát ngôn bừa bãi theo kiểu lấp liếm, qua chuyện. Từ nay, các quan chức, dù ở cấp nào, có lẽ cũng cần phải cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói cũng như ký tên dưới các bản báo cáo. Còn nhìn về tổng thể, truyền thông là một vấn đề mà Chính phủ phải đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh phương thức truyền tải thông tin đang rộng mở nhờ vai trò của Internet.

Năm năm trước, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới từng mang đến Việt Nam thông điệp về việc Chính phủ cần phải coi trọng truyền thông như thế nào để có thể giảm thiểu được các rủi ro kinh tế, chính trị và huy động được sự ủng hộ của công chúng.

Tiến sĩ Dejan Vercic, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, cho rằng các chiến dịch truyền thông cũng giống như những cuộc thảo luận giữa những nhóm người khác nhau để tìm tiếng nói chung. Chính phủ nào cũng cần chọn cho mình các thông điệp và kênh để chuyển tải thông điệp hữu hiệu. Truyền thông nửa vời sẽ khiến báo chí đăng tải những thông tin không chính xác và gây hiểu nhầm và vì vậy, Chính phủ nên xác định sẽ cung cấp bằng chứng gì, những thông tin đáng tin cậy nào để đối tượng đi đến kết luận rằng "điều này là tin được".

Như nhận xét của nhà báo Nguyễn Vạn Phú trong một bài viết gần đây, truyền thông giữa bộ máy công quyền và người dân là một khoa học, cần sự tham gia tư vấn của nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Một trong những biện pháp điều hành bộ máy nhà nước là sử dụng chính người dân đã được trang bị thông tin để giúp giám sát hoạt động của bộ máy hành chính bên dưới.

Rất mừng khi Thủ tướng, vẫn trong phần kết luận cuộc họp, đã nhấn mạnh rằng ông "yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân".

Không chỉ vậy, ông còn yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chủ quản, tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tuyên truyền định hướng dư luận xã hội; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm để báo chí nước ta ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng có lẽ không có nhiều thời gian để đi giải quyết vô vàn vấn đề cụ thể của đời sống xã hội và người dân cũng không đòi hỏi ở ông điều đó. Điều người dân cần là thái độ lắng nghe không chỉ của cá nhân Thủ tướng, mà hơn hết là của cả hệ thống chính trị trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào can hệ đến đời sống của người dân. Mà để làm được như thế, không cách nào khác, cần phải chấp nhận một nền báo chí - truyền thông cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm.