5 tháng đầu năm, lao động được tạo việc làm tại Hà Nội giảm
Số lao động được tạo việc làm mới trong 5 tháng đầu năm 2023 tại Hà Nội có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn vì sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn...
Thông tin về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn thành phố 5 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thành phố đã giải quyết việc làm mới cho 85.784/162.000 lao động, đạt 52,9% kế hoạch giao trong năm, song lại giảm so với cùng kỳ năm 2022.
DOANH NGHIỆP THIẾU ĐƠN HÀNG, PHẢI GIẢM LAO ĐỘNG
Trong số gần 85.800 lao động được tạo việc làm trong 5 tháng qua, có 21.845 lao động được giải quyết việc làm từ xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 1.071 tỷ đồng.
Đã có 1.910 người lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; tự tạo việc làm và qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố là 55.221 lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 98 phiên giao dịch việc làm với 2.847 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, đơn vị là 49.523 người, đã có 20.074 người lao động được phỏng vấn và 6.808 người lao động được tuyển dụng tại phiên.
Mặc dù vậy, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, số lao động được tạo việc làm mới trong 5 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022 (5 tháng đầu năm 2022 giải quyết việc làm cho 96.900 lao động).
Nguyên nhân là do sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao… dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thắt chặt giải ngân, lãi suất tăng, do vậy trong 5 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, dẫn đến việc cắt giảm nhân công, giảm việc làm mới. Công tác giải quyết việc làm những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm khi đơn hàng xuất khẩu chậm lại, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ...
“Thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ…, khiến các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Việc cắt giảm nhân công cũng là giải pháp duy trì của một số doanh nghiệp hiện nay, dẫn đến giảm làm mới trong các tháng đầu năm 2023”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, trong bối cảnh đó, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, xu hướng nghề nghiệp, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các ngành nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới.
KỊP THỜI HỖ TRỢ LAO ĐỘNG HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Cùng với công tác giải quyết việc làm cho người lao động, 5 tháng đầu năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 30.374 trường hợp (tăng hơn 9.000 người so với cùng kỳ năm 2022 – 5 tháng đầu năm 2022 có 21.200 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp), với số tiền 855 tỷ đồng; tư vấn giải quyết việc làm cho 29.818 người; hỗ trợ học nghề cho 487 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 2,1 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chính sách bảo hiểm thất nghiệp là có nộp - có hưởng và biến động của thị trường lao động là quy luật tự nhiên, do đó, có người tìm việc nhưng cũng có người nghỉ làm để tìm công việc khác. Ông Thành cũng cho rằng, nếu có hiện tượng suy giảm về kinh tế, khủng hoảng và rất nhiều doanh nghiệp phải cho lực lượng lao động nghỉ việc thì dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng lên.
Bên cạnh đó, các chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp cũng được đẩy mạnh, vì vậy, theo ông Thành, số lượng hưởng các chế độ, trong đó có chính sách bảo hiểm thất nghiệp tăng lên là điều hết sức tự nhiên.
Hiện nay, người lao động trên địa bàn Hà Nội ngoài đến làm thủ tục trực tiếp hưởng chế độ về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn có thể thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thống kê của đơn vị này, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 4 đã có hơn 5.800 hồ sơ đề nghị về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có hơn 4.000 hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận, số hồ sơ bị từ chối do chưa đầy đủ thủ tục theo quy định 1.749 hồ sơ.
Tuy nhiên, so với tổng số lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì số hồ sơ thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia vẫn còn khá thấp. Lý do là nhiều người lao động chưa tiếp cận được thông tin về công tác giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp qua dịch vụ này; người lao động lớn tuổi thường gặp những hạn chế nhất định về các thao tác công nghệ thông tin như việc tạo tài khoản, nhập thông tin cá nhân để nộp hồ sơ trực tuyến...
Vì vậy, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền, đưa ra giải pháp hướng đến dự tiện lợi, dễ thực hiện nhất đối với người lao động thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.