20:21 03/11/2015

8 lý do đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn

Nguyên Vũ

Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp hồi âm ý kiến của các đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại nghị trường.<br>
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại nghị trường.<br>
“Chúng tôi rất mong các đại biểu Quốc hội thông cảm, chia sẻ. Bộ Giao thông Vận tải không phải lúc nào cũng chỉ thích thu phí”, Bộ trưởng Đinh La Thăng gói lại phần phát biểu trước Quốc hội, chiều 3/11.

Trước đó, ông Thăng đã trực tiếp hồi âm nhiều ý kiến của các vị đại biểu có liên quan đến lĩnh vực mà ông đang phụ trách, trong đó đáng chú ý là phần trả lời về những lý do khiến dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đội vốn.

2016 phải hoàn thành


Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội ngày 2/10, đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) đã đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rõ tình hình đội vốn của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Khi nào dự án này hoàn thành và đưa vào vận hành cũng là câu hỏi ông Đương dành cho Bộ trưởng Thăng.

Bộ trưởng Thăng cho biết, tổng mức đầu tư của dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt từ năm 2008 là 8.769 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tính toán điều chỉnh lại, do trượt giá, do rất nhiều nguyên nhân thì tăng lên 315 triệu (USD - PV), so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.

Theo Bộ trưởng thì việc đội vốn do 8 nguyên nhân.

Một, thay đổi phương án nhà ga từ hai tầng thành ba tầng do không giải phóng được mặt bằng cho nên bớt chiều rộng tăng chiều cao. Hai, bổ sung cho hạng mục xử lý nền đất yếu của khu depot. Ba, bổ sung hạng mục đường tránh quốc lộ 6 và bốn là điều chỉnh vật liệu tàu.

“Vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox, nếu chúng ta không điều chỉnh thì phải làm nhà máy sơn để sơn cho các đoàn tàu này”, Bộ trưởng giải thích.

Lý do thứ năm là bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, sáu là thay đổi vị trí bãi đúc dầm. Lý do tiếp là do công tác nghiệm thu thiết bị đoàn tàu và vận hành chạy thử dự án.

Cuối cùng, thứ tám là kinh phí giải phóng mặt bằng bao gồm cả chi phí di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thay đổi do trượt giá và một số thay đổi khác.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2016 dự án này phải hoàn thành và đưa vào khai thác”, ông Thăng nói.

“Bộ không phải lúc nào cũng thích thu phí”

Một trong các nội dung của phiên thảo luận buổi chiều là phương án sử dụng 14.259 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Theo đại biểu Ngô Văn Minh thì cần phải làm rõ từng nội dung được gọi là tiết kiệm của các dự án này. Vì đối với một công trình không dễ gì tiết kiệm khoảng 23% như thế.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Thăng cũng nêu rõ dư luận đặt vấn đề tiền dư có phải do khi lập dự toán tổng mức đầu tư cao vống lên hay không.

“Việc thực hiện lập tổng mức đầu tư lập dự toán theo quy định của Luật Xây dựng, nghị định hướng dẫn của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn chứ không phải thích lập lên bao nhiêu là được bấy nhiêu”, ông Thăng báo cáo.

Bộ trưởng nhấn mạnh  tất cả các dự án này đã được Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng thẩm định trước khi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt từng dự án

Đáp lại yêu cầu của đại biểu Minh, ông Thăng thông tin cụ thể là trong tổng số 14.259 tỷ thì  giảm 4.485 tỷ đồng do chênh lệch giữa tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án và tổng mức dự án đã được phê duyệt.

Thứ hai, giảm 1.070 tỷ đồng do thực hiện hình thức chỉ định thầu, giảm 5% chi phí xây lắp và chi phí tư vấn. Việc giảm 686 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng được ông Thăng nhấn mạnh là do công tác giải phóng mặt bằng đã được trực tiếp bí thư, chủ tịch các tỉnh vào cuộc  và nhân dân các vùng dự án ủng hộ.

6.290 tỷ đồng giảm do rút ngắn thời gian thi công khoảng 1 năm đối với dự án quốc lộ 1 và 1,5 năm với đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên....

Sau khi lần lượt trả lời hết các vấn đề được các vị đại biểu đề cập, ông Thăng chốt lại, sau 5 năm thì hạ tầng giao thông tăng được 36 bậc. Năm 2010 thì Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam ở thứ 103, năm 2015 xếp thứ 67, tăng được 36 bậc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, đối với một đất nước công nghiệp hiện đại xếp thứ 67/140 nước thì rõ ràng hạ tầng giao thông còn đang là một vấn đề thách thức rất lớn.

“Chúng tôi rất mong các đại biểu Quốc hội quan tâm, chia sẻ làm sao chúng ta huy động được nhiều nguồn lực, không chỉ trông chờ vào ngân sách trái phiếu Chính phủ mà phải huy động nguồn lực để đầu tư”, Bộ trưởng phân trần.

“Muốn huy động nhiều nguồn lực thì phải có sự đóng góp của doanh nghiệp, của người dân, đó là thông qua việc thu phí. Bộ Giao thông Vận tải không phải lúc nào cũng chỉ thích thu phí. Chúng tôi rất mong các đại biểu Quốc hội thông cảm, chia sẻ”.

Ông cũng cho biết ngành giao thông đang phấn đấu 5 năm tới, hạ tầng giao thông phải tăng được khoảng 30 bậc nữa, thì mới đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.