Innova và câu chuyện nội địa hóa của Toyota

Hương Mỹ
Innova luôn là chiếc xe bán chạy nhất và liên tục phá kỷ lục doanh số của chính chiếc xe này tại thị trường Việt Nam
Mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 20.000 xe/năm trong năm 2007 đã nằm "trong tầm tay" của TMV.
Mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 20.000 xe/năm trong năm 2007 đã nằm "trong tầm tay" của TMV.
Kể từ khi ra mắt vào trung tuần tháng 1/2006, Innova luôn là chiếc xe bán chạy nhất và liên tục phá kỷ lục doanh số của chính chiếc xe này tại thị trường Việt Nam.

Innova là một trong 5 loại xe thuộc dự án IMV toàn cầu của Tập đoàn Toyota. Kể từ khi được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 8/2004, Innova đã được đông đảo khách hàng trên thế giới ưa chuộng.

Đóng góp lớn vào doanh số của Toyota

Với doanh số bán kỷ lục trên thị trường ô tô Việt Nam - lần đầu tiên một chiếc xe vượt ngưỡng 1.000 chiếc tiêu thụ trong 1 tháng và đạt doanh số bán "chưa từng có" 20.000 chiếc trong vòng gần 2 năm sau khi giới thiệu, Innova trở thành một hiện tượng của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2006 và 2007.

Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, từ đầu năm 2007 tới nay, Toyota Việt Nam (TMV) liên tục gia tăng sản lượng, từ 55 xe/ngày (đầu năm) lên 75-80 xe/ngày (quý 3) và tăng lên 85-90 xe/ngày (quý 4).

Năng lực sản xuất của nhà máy TMV cũng được tăng dần, từ 16.000 xe/năm (đầu năm 2007), lên 20.000 xe/năm (giữa năm 2007). Theo kế hoạch, TMV sẽ tăng lên 25.000 xe/năm vào năm 2008 và sẽ mở rộng nhà máy, nâng công suất lên 30.000 xe/năm vào năm 2009.

Theo ông Nobuhiko Murakami, Tổng giám đốc TMV, hơn 16.000 xe là mục tiêu về doanh số bán hàng của TMV trong năm 2007. Tuy nhiên, đến hết tháng 10/2007, doanh số bán đã đạt 15.595 xe, chiếm 26,7% thị phần và tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2006, nâng tổng doanh số bán cộng dồn của TMV tăng lên hơn 85.000 xe.

Như vậy, mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 20.000 xe/năm trong năm 2007 đã nằm "trong tầm tay" của TMV.

Nội địa hóa và xuất khẩu đều tăng

Từ tháng 7/2004, TMV đã trở thành một trong những cơ sở sản xuất và xuất khẩu phụ từng cho xe Innova. Nhờ hoạt động của xưởng dập và Trung tâm Xuất khẩu Toyota cũng như đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới các nhà cung cấp, TMV là nhà sản xuất ô tô dẫn đầu về tỷ lệ nội địa hóa, đạt từ 15-33%. Đặc biệt, Innova đạt tỷ lệ nội địa hóa 33% (theo phương pháp tính giá trị của ASEAN).

Với sản lượng gia tăng, Toyota có kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa của Innova lên 37% vào năm 2008, 40% vào năm 2009 và 45% khi thế hệ mới của Innova được giới thiệu tại Việt Nam. Khi đó, cũng sẽ đồng nghĩa với việc lượng tiêu thụ của Innova sẽ đạt 3.000 xe/tháng.

"Từ câu chuyện thành công của Innova, tôi muốn nhấn mạnh tới chiến lược quan trọng hàng đầu để tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp ô tô, đó là làm thế nào để mở rộng thị trường nhanh nhất và ổn định nhất", ông Nobuhiko Murakami, Tổng giám đốc TMV chia sẻ.

TMV cũng đã và đang nỗ lực mời gọi các nhà cung cấp phụ tùng của Toyota đến Việt Nam đầu tư. Tính đến nay, đã có 9 nhà cung cấp phụ tùng phục vụ cho sản xuất xe của TMV, bao gồm: Harada Việt Nam, Denso Việt Nam, Toyota Gosei Hà Nội (trước đây là Takanichi), Công ty Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Yazaki Việt Nam, Sumi-Hanel, Công ty Tân Đức, Công ty GS Việt Nam và Công ty Nagata Việt Nam.

Khi đề cập đến việc tiếp tục mời gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ông Nobuhiko Murakami phân tích: "Nếu gia tăng sản lượng sản xuất, tức là TMV sẽ cần thêm nhiều linh kiện, phụ tùng để sản xuất, các nhà sản xuất phụ trợ sẽ nhìn thấy tiềm năng lớn từ thị trường và họ sẽ theo chân Toyota vào đầu tư tại Việt Nam. Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, nếu chúng tôi có thể tăng sản lượng và mở rộng sản xuất, nhiều nhà sản xuất phụ trợ của Toyota sẽ tới đầu tư vào Việt Nam".

Với hoạt động của Trung tâm Xuất khẩu Toyota, TMV đã mở rộng sang lĩnh vực xuất khẩu phụ tùng tới các nước trong mạng lưới Toyota toàn cầu bằng các sản phẩm chủ yếu là ăng ten, van điều hòa khí xả, bàn đạp chân ga. Bên cạnh việc sử dụng cho các sản phẩm thuộc dự án IMV toàn cầu (gồm 10 nước tham gia: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Argentina, Nam Phi, Venezuela, Đài Loan và Pakistan), những sản phẩm xuất khẩu của TMV cũng được sử dụng cho xe Yaris, Vios, Corolla và Hiace.

Kim ngạch xuất khẩu phụ tùng hàng năm của TMV đạt trung bình 20 triệu USD/năm, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cộng dồn lên 67,3 triệu USD (đến hết tháng 10/2007). Theo kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu của TMV sẽ tiếp tục tăng: trên 25 triệu USD trong năm 2008 và gần 30 triệu USD trong năm 2009.

Tổng giám đốc TMV, ông Murakami, cho biết, công ty đang chuẩn bị cho mở rộng nhà máy, nâng công suất lên 30.000 xe/năm vào đầu năm 2009. Theo kế hoạch, năm 2007, TMV đầu tư thêm hơn 22 triệu USD, trong đó 16 triệu USD được dành cho việc tăng công suất sản xuất, cải tiến sản phẩm và nội địa hóa. Từ năm 2007-2009, đầu tư của TMV sẽ tăng thêm 50 triệu USD, nhiều gần gấp đôi so với khoảng thời gian từ 2004 đến 2006.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.