Càng lạm phát, túi xách xa xỉ càng tăng giá?
Có lẽ Chanel là thương hiệu xa xỉ được bàn tán rôm rả nhất trong khoảng 2 năm vừa qua. Tăng giá liên miên, đưa ra một loạt chính sách gây tranh cãi, nhà mốt Pháp hứng chịu chỉ trích ở nhiều quốc gia trên thế giới…
Trong năm 2022, Chanel tăng giá các sản phẩm ở Hàn Quốc tới 3 lần. Bên cạnh đó là chính sách mỗi khách hàng chỉ có thể mua một túi nắp gập Classic Flap Bag và một túi xách Coco Handle mỗi năm. Hãng cho rằng đây là chính sách nhằm giải quyết vấn nạn các con buôn mua rất nhiều hàng để sau đó có thể bán lại với giá cao ngất ngưởng.
Do đó, Chanel là cái tên được giới siêu giàu tại Hàn Quốc "nâng như nâng trứng" nhưng lại dần mất điểm đối với phần đông người tiêu dùng. Phải chăng, giới siêu giàu mới là đối tượng khách hàng duy nhất mà các "ông lớn" bán lẻ này để mắt tới?
Theo xu hướng chung của nền kinh tế trong dài hạn, thu nhập sẽ tăng lên và ngày càng có nhiều người khát cầu những chiếc túi được giới mộ điệu cho là “mang tính biểu tượng” để nâng cấp hình ảnh bản thân. Phản hồi với biến động thị trường, các thương hiệu có thể lựa chọn tiếp tục đẩy giá, giới hạn nguồn cung để lượng cầu tăng theo cấp số nhân và khiến dòng sản phẩm của họ được săn tìm ráo riết, như cách mà Chanel đã làm.
Họ cũng có thể đưa ra một quyết định kinh doanh thức thời như tái bản lại dòng túi tiêu biểu của mình, điển hình là Prada với thiết kế làm lại của chiếc túi Mini-brushed Leather sau 27 năm, với giá bán lẻ hơn 3.000 USD, cao gấp ba lần so với con số mà phiên bản cũ được ngã giá trên thị trường túi hiệu cổ.
Trong thời đại mà thói quen tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi những hình mẫu trong văn hoá đại chúng, việc để sản phẩm của mình đồng hành cùng người nổi tiếng khiến các thương hiệu nghiễm nhiên nhận được sự chứng thực về độ thời thượng. Họ có thể quảng bá thông qua việc tài trợ cho trang phục thảm đỏ, phục trang trên phim, hoặc ra mắt chiến dịch kết hợp với những tên tuổi đình đám. Hiệu ứng từ influencer sẽ thôi thúc những cuộc “truy lùng” để tìm mua sản phẩm.
Thậm chí, có những thương hiệu còn có chính sách ngầm về việc chỉ bán cho những người có sức ảnh hưởng để giữ gìn trạng thái “xa xỉ phẩm”. Hermès đã định hình rõ chân dung khách hàng của túi Birkin trứ danh phải là những người có hồ sơ cá nhân đủ ấn tượng. Chính vì vậy mà Birkin tạo ra ấn tượng về một dòng túi của giới thượng lưu, không chỉ thông qua giá cả mà còn thông qua việc món đồ này xuất hiện thường xuyên bên cạnh giới siêu giàu và những ngôi sao hạng A.
Do đó, tăng giá túi xách giờ đây như tăng sức hấp dẫn một cách chủ động. Với nền tảng vững chắc về danh tiếng, và làn sóng tiêu dùng xa xỉ mới từ các nước châu Á như Trung Quốc, sự gia tăng về giá cả và giá trị của những chiếc túi xách xa xỉ chưa có dấu hiệu dừng lại trong tương lai gần. Thậm chí, như Bloomberg đã chỉ ra, Gen Z đã tìm ra cách “kháng cự” lạm phát bằng cách “mua sắm để bán lại” đồ hiệu xa xỉ. Một báo cáo năm 2022 của The RealReal đã lưu ý rằng "thị trường thứ cấp cho đồ xa xỉ đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu là ở Gen Z và Millennials".
Bloomberg nhận định rằng những người trẻ từ 25 tuổi trở xuống coi mua sắm xa xỉ là một “môn thể thao”, nơi họ có thể có được những thứ tốt nhất và bán lại với giá cao hơn giá họ đã trả, từ đó kiếm được lợi nhuận. Trên thực tế, như Bag Hunter đã lưu ý trong phân tích của họ, một chiếc túi Hermès Birkin đã tăng giá trị lên 500% trong 35 năm qua và là “khoản đầu tư an toàn hơn so với thị trường chứng khoán trong lịch sử”.
Mới đây, theo Edited - một trang chuyên phân tích và tiếp thị mặt hàng xa xỉ, kể từ sau đại dịch, lãnh đạo các mốt như Bottega Veneta, Louis Vuitton, Chanel và Gucci đã có những cuộc trò chuyện cởi mở về các vấn đề liên quan đến dây chuyền sản xuất, trong chi phí nguyên vật liệu, chi phí năng lượng, vận tải quốc tế… trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế xảy ra trên toàn cầu. Thomas Chauvet, nhà phân tích xa xỉ tại Citi, đã dự đoán với tờ Financial Times, rằng xu hướng tăng giá dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2023.
Theo SCMP, điều này cũng áp dụng cho giá của những chiếc túi xách “cốt lõi” (mặt hàng đem lại nhiều doanh thu) từ các thương hiệu như Chanel và Louis Vuitton, đã tăng từ 20% trở lên trong hai năm qua, nhưng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, đặc biệt là ở châu Âu. Philippe Blondiaux, Giám đốc tài chính của Chanel, đã gián tiếp xác nhận rằng việc tăng giá đã trở thành một chiến lược kháng cự khi đối mặt với cuộc khủng hoảng, khi mà chi phí sản xuất gia tăng và để thương hiệu bảo vệ lợi nhuận, nhưng ông cũng nói về nỗ lực điều hòa giá cả trên toàn thế giới với mục tiêu về việc “đưa ra cùng một mức giá ở mọi nơi để hạn chế thị trường song song”.
“Chúng tôi đầu tư vào những chiếc túi của mình để khiến chúng trở nên tốt hơn nữa, sử dụng những vật liệu tốt nhất và công nghệ mới nhất để đảm bảo chúng đáp ứng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Chúng tôi có một sản phẩm giá trị đòi hỏi sự cam kết và đầu tư thực sự để đảm bảo sự tồn tại của nó trong 20 năm tới”, Chủ tịch của nhà môt Chanel, ông Bruno Pavlovsky giải thích về việc chiến lược tăng giá, nhưng ông không đề cập rằng đằng sau việc tăng giá một phần là do Chanel muốn trở nên độc quyền hơn bao giờ hết.
Theo Phoebe Chamier, Giám đốc đầu tư cấp cao tại công ty quản lý đầu tư Brooks Macdonald (London, Anh), trong thời điểm “rất tệ đối với các tài sản truyền thống” như lạm phát và suy thoái kinh tế, túi xách có thể là “loại tài sản không tương quan” - không bị ảnh hưởng bởi biến động giá của tài sản truyền thống. Vì vậy, túi xách trở thành khoản đáng để đầu tư phù hợp với nhu cầu cung và cầu hiện nay.
Báo cáo của Business of Fashion cho thấy, năm 2022, 40% người tiêu dùng Mỹ đã mua hoặc dự định mua một sản phẩm đồ da hàng hiệu, đồng thời dự đoán giá trị của ngành xa xỉ phẩm sẽ tăng từ 72 tỷ USD lên 100 tỷ USD vào năm 2027. Với nhu cầu ngày càng tăng qua từng năm, một số thương hiệu cao cấp đón đầu xu hướng đã đáp ứng bằng cách tăng nguồn cung, đồng thời tung ra nhiều thiết kế hơn nhằm tối đa hóa lợi nhuận.