11:00 03/04/2023

Chăn nuôi nông hộ trước nguy cơ bị “xóa sổ”

Chu Khôi

Nếu như cách đây 10 năm, cả nước có tới 10 triệu hộ chăn nuôi, thì đến năm 2021 đã giảm xuống còn 4 triệu hộ, đến cuối tháng 3/2023 chỉ còn không tới 2 triệu hộ. Trước thực tế này, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng nếu không sớm có các giải pháp đồng bộ, nhiều địa phương sẽ đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” về chăn nuôi nông hộ…

Chăn nuôi nông hộ đang lao đao
Chăn nuôi nông hộ đang lao đao

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, từ cuối tháng 2/2023 tới nay giá bán thịt lợn hơi xuất chuồng ở hầu hết các địa phương đều giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi giảm xuống chỉ còn 46.000 - 47.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hiện nay đã xuống thấp hơn giá thành chăn nuôi từ 2.000-3.000 đồng/kg, khiến hầu hết các hộ chăn nuôi đang kiệt quệ, tình trạng “treo chuồng” hàng loạt tái diễn ở nhiều địa phương. Không ít làng truyền thống nuôi lợn bỗng chốc đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” khi có đến 80% số hộ phải bỏ nghề.

NHỮNG "THỦ PHỦ" CHĂN NUÔI LAO ĐAO

Huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam được coi là “thủ phủ” của chăn nuôi miền Bắc với đàn lợn nuôi thương phẩm luôn ở mức 250.000 -300.000 con mỗi lứa. Trong suốt những năm 2011-2016, giá trị kinh tế từ chăn nuôi lợn của huyện Bình Lục đạt 1.600 - 1.700 tỷ đồng/năm. Thế nhưng chỉ trong 5 năm trở lại đây, 80% số hộ chăn nuôi lợn tại đây đã bỏ chăn nuôi, khiến số lượng đầu lợn giảm chỉ còn bằng 1/3 so với thời hoàng kim, hiện chỉ còn dưới 100.000 con lợn.

“Nông dân chăn nuôi lợn đã kiệt quệ, bao nhiêu vốn liếng đều ngốn sạch vào thức ăn cho lợn khiến không ít hộ cầm, cắm sổ đỏ để vay tiền. Đến “gõ cửa” ngân hàng để vay vốn tái đàn thì đều nhận được cái “lắc đầu”, bởi các ngân hàng cho rằng 10 ông nuôi lợn thì 9 ông nợ xấu quá hạn không trả gốc và lãi. Một cơn bão vỡ nợ đang ập xuống Bình Lục”, bà Trần Thị Bốn, cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y của xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục, xót xa.

Tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cách đây 5-10 năm trở về trước, nhiều xã trong huyện được mệnh danh là “làng tỷ phú” nhờ phất lên từ nghề nuôi lợn. Những ngày này, không khí chăn nuôi của nơi đây trở nên u ám chưa từng có. Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Giang, cho biết thời điểm này cả huyện chỉ còn khoảng 200 hộ nuôi lợn.

Ông Bùi Ngọc Khanh (xã Cửu Cao, huyện Văn Giang) chia sẻ: hơn 3 năm về trước, nhà ông là hộ nuôi lợn quy mô lớn nhất ở xã Cửu Cao với gần 1.000 con lợn thịt và gần 200 lợn nái. Những năm 2017-2019, dịch tả lợn châu Phi càn quét, đàn lợn của ông đã giảm gần một nửa. Thời điểm đó, bao nhiêu vốn liếng đầu tư của gia đình đều trôi sạch.

Quyết không bỏ cuộc, ông cắm “sổ đỏ” vay vốn ngân hàng để tái đàn, mong muốn lấy lại số tiền đã mất. “Thế nhưng hai năm qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 15 lần liên tiếp. Trong khi giá lợn hơi giảm sâu xuống còn 47.000 đồng/kg. Bây giờ cứ xuất chuồng, chúng tôi đều lỗ hơn 1 triệu đồng/con. Trước đây, xã Cửu Cao có gần 1.000 hộ sống dựa vào chăn nuôi, nhưng giờ đây hầu hết các hộ nuôi lợn của xã Cửu Cao đều bỏ nghề, số hộ nuôi lợn hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Khanh chua chát nói.

KHÔNG NÊN TĂNG ĐÀN

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, thông tin: số lượng các hộ nuôi gà “treo chuồng” ở vùng Đông Nam Bộ đã lên con số lên 50% và tình trạng này tiếp tục leo thang. Dự báo, các trang trại nhỏ nuôi gà với quy mô nhỏ sẽ tiếp tục bị “xóa sổ”.

Trang trại nuôi gà, diện tích gần 10 ha, quy mô 100.000 con của ông Nguyễn Văn Ngọc (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) ngưng hoạt động hơn 2 tháng qua vì lỗ nặng. Ông Ngọc tính toán: giá thức ăn chăn nuôi ở mức bình quân 13.500 đồng/kg. Để cho ra 1 kg gà thịt công nghiệp cần từ 1,6 kg thức ăn (khoảng 21.500 đồng). Cộng hết các loại chi phí, giá thành một con gà (2 kg) 53.000-55.000 đồng.

Trong khi giá thịt chỉ ở mức 23.000-25.000 đồng một kg, mỗi con gà xuất chuồng, người nuôi lỗ khoảng 4.000-5.000 đồng. Như vậy, mỗi lứa gà nuôi chưa tới hai tháng, trại của ông Ngọc đã lỗ đến 4-5 tỷ đồng.

Trước những khó khăn trên, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng các nước trong khu vực ASEAN nhiều năm qua đều đang duy trì thuế suất 0% đối với khô đậu tương nhập khẩu. Trong khi tại Việt Nam, hiện vẫn áp thuế nhập khẩu mặt hàng này 2%.

Vì vậy, Hội Chăn nuôi đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế suất nhập khẩu đối với khô đậu tương xuống 0%, như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam ổn định mặt bằng giá thành sản xuất trong nước, giữ lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững. Việc giảm thuế gần như không làm giảm thu ngân sách nhà nước do được bù đắp từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, có thể tăng thêm khi hoạt động sản xuất và ngành thức ăn chăn nuôi phục hồi.

Hội Chăn nuôi cũng khuyến cáo doanh nghiệp và người chăn nuôi cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ. Cơ quan chức năng cần có các biện pháp kiểm soát và điều hành hợp lý giá thức ăn chăn nuôi để giúp người nuôi ổn định sản xuất và đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2023 phát hành ngày 03-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chăn nuôi nông hộ trước nguy cơ bị “xóa sổ” - Ảnh 1