06:30 28/05/2016

Chỉ thị của Thống đốc: Chuyện nào ra chuyện nấy

Minh Đức

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị toàn diện về các giải pháp chính sách tiền tệ

Kiểm soát lạm phát và tăng cường an toàn hệ thống là hai điểm thận trọng và ưu tiên nổi bật trong chỉ thị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành.<br>
Kiểm soát lạm phát và tăng cường an toàn hệ thống là hai điểm thận trọng và ưu tiên nổi bật trong chỉ thị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành.<br>
Ngày 27/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016.

Có hai định hướng chính, nhưng chuyện nào ra chuyện nấy: nới lỏng và tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chặt chẽ và an toàn vẫn đặt lên hàng đầu.

“Hỗ trợ nguồn vốn”

Cụ thể, tại chỉ thị, Thống đốc yêu cầu các đơn vị bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Không diễn giải cụ thể, nhưng yêu cầu trên hé mở hướng điều tiết vốn, gián tiếp tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Trong đó, giải pháp hạ dự trữ bắt buộc không có mặt, mà chủ yếu qua các nghiệp vụ khác và chủ động hơn.

Nếu để ý, trong các chỉ thị về thực hiện chính sách tiền tệ những năm qua, hiếm khi nghiệp vụ tái cấp vốn được nhắc đến một cách cụ thể với dẫn giải cụ thể như trên. Theo đó, có thể hiểu Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng nghiệp vụ này một cách rõ nét, chủ động hơn để “hỗ trợ nguồn vốn”.

Việc dẫn giải cụ thể tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý đều hàm ý dẫn tới mục tiêu hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, nhưng gắn với yêu cầu chủ động về liều lượng, thời hạn “bơm - hút” để hạn chế tác động bất lợi đến lạm phát.

Song song với hướng tạo điều kiện này, cùng lúc với chỉ thị, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư mở lại tín dụng ngoại tệ, giãn lộ trình và mức độ siết lại các tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động.

Hướng thứ hai, dù bật tín hiệu sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hệ thống về thanh khoản và nguồn vốn, nhưng Thống đốc chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, tới từng tổ chức tín dụng.

Sau những năm tín dụng tăng trưởng chật vật, đây là lần đầu tiên yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng được nhấn mạnh như vậy. Sự chặt chẽ ở đây gắn với quan điểm không nhượng bộ với an toàn hoạt động.

Cụ thể, chỉ thị nêu rõ yêu cầu các đầu mối giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Như trên, dù giãn lộ trình và mức độ siết lại các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động (sửa Thông tư 36), cùng với yêu cầu giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng nói trên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là vẫn giữ lập trường tăng cường an toàn hệ thống.

Dù không nêu cụ thể trong chỉ thị, nhưng có thể hiểu việc giám sát chặt chẽ sẽ đi cùng với các yêu cầu khác, chế tài xử lý khác nếu tổ chức tín dụng nào đó cho vay quá nhiều đối với những đối tượng, lĩnh vực cảnh báo trên.

Tỷ giá, nợ xấu


Ngoài hai hướng chính đó, chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng tái khẳng định thông điệp sẽ ổn định tỷ giá.

“Tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ phù hợp với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ”, chị thị nêu định hướng.

Cũng trong chỉ thị vừa ban hành, Thống đốc yêu cầu các đầu mối trực thuộc tập trung xây dựng đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; thực hiện phân loại các khoản nợ đã mua từ tổ chức tín dụng để có biện pháp xử lý nợ xấu một cách hiệu quả.

Theo chỉ thị, Ngân hàng Nhà nước định hướng sớm có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường mua, bán nợ và khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trong việc xử lý, thu hồi nợ xấu, bảo đảm quyền lợi của chủ nợ.