15:44 10/05/2023

Chuyên gia: Kinh tế Nga dễ bị đóng băng trong thời gian dài

Trang Linh

“Việc phi Đôla hóa của nền kinh tế Nga vốn được ca ngợi nhiều giờ đây đơn giản trở thành Nhân dân tệ hóa nền kinh tế”...

Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở trung tâm Moscow vào ngày 9/5/2023 - Ảnh: GAVRIIL GR
Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở trung tâm Moscow vào ngày 9/5/2023 - Ảnh: GAVRIIL GR

Theo bà Alexandra Prokopenko, học giả thuộc Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm cô lập Nga sẽ cản trở nước này phát triển kinh tế trong một thời gian dài.

“Moscow trước đây từng tập trung vào phát triển công nghệ và đa dạng hóa xuất khẩu khỏi mặt hàng năng lượng, nhưng giờ đây các yếu tố này đã được thay thế bởi các biện pháp kiểm soát vốn, dán nhãn các quốc gia là ‘thân thiện’ hay ‘thù địch’, cùng với đó là việc Nhân dân tệ hóa giao dịch thanh toán và quân sự hóa chi tiêu ngân sách”, nữ học giả phân tích.

Kể từ khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine và hứng chịu những biện pháp trừng phạt chưa từng thấy của phương Tây, Nga cũng càng phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó có việc xuất khẩu năng lượng với mức giá siêu rẻ và chấp nhận lợi nhuận giảm.

“Nga cũng đang phụ thuộc nhiều hơn vào các mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao và hàng tiêu dùng của Trung Quốc, trong khi phần lớn các giao dịch thanh toán được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ thay vì đồng Rúp”, bà Prokopenko cho biết. “Việc phi Đôla hóa của nền kinh tế Nga vốn được ca ngợi nhiều giờ đây đơn giản trở thành Nhân dân tệ hóa nền kinh tế”.

Theo nữ học giả, trong dài hạn, các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ dẫn tới hoạt động kém hiệu quả trong thời gian dài của nền kinh tế Nga, đồng thời nước này vẫn dễ bị tổn thương trước những gián đoạn trong ngành dầu khí. Thời gian gần đây, việc Nga cắt sản lượng được cho là nhằm mục đích giữ giá dầu ở mức cao.

Trong khi đó, các quốc gia mà Nga hiện vẫn đang giao dịch đều khuyến khích nước này tăng cường cam kết sản xuất hàng hóa. Ví dụ, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai và cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ 4 của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là mối quan hệ không cân bằng, khi Nga không thể nhập khẩu hàng cho các dự án như liên doanh năng lượng ngoài khơi.

“Nga cũng bị hạn chế khả năng tiếp cận tua-bin và công nghệ chế tạo tàu chở dầu, đầu máy xe lửa, ô tô, mạng truyền thông thế hệ tiếp theo và các sản phẩm công nghệ cao khác. Bên cạnh đó, Nga cũng không được tham gia các cuộc thảo luận toàn cầu về trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử”, bà Prokopenko nói.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp lớn, như tập đoàn Huawei của Trung Quốc, ít có khả năng hoạt động tại Trung Quốc do lo sợ các biện pháp trừng phạt thứ cấp.

Theo bà Prokopenko, bên cạnh việc phụ thuộc vào thương mại hàng hóa và không có khả năng phát triển về công nghệ, chi tiêu cho quân sự của Nga cũng đang kéo tụt nền kinh tế nước này.

"Việc tập trung vào giá cả hàng hóa và chi tiêu quân sự tăng mạnh (chiếm khoảng 1/3 ngân sách) đồng nghĩa sự phát triển của nền kinh tế Nga sẽ bị đóng băng trong một thời gian dài sắp tới”, bà Prokopenko nói. "Ngay cả cuộc chiến tranh kết thúc, chi tiêu quân sự của Nga cũng khó có thể giảm”.