Cử tri đề nghị đánh thuế cao, luỹ tiến "trị" đầu cơ nhà đất, Bộ Tài chính nói gì?
Thấy rõ hệ luỵ của những cơn "sốt" đất và hành vi đầu cơ gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, cử tri nhiều tỉnh, thành đề nghị Bộ Tài chính cần đánh thuế suất cao với những trường hợp đầu cơ và lũy tiến trên số lượng và giá trị tài sản...
Gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính, cử tri TP. Hồ Chí Minh cho rằng hiện nay, thị trường bất động sản chưa thật sự lành mạnh, đã và đang xảy ra nhiều cơn "sốt" đất. Giá đất tăng liên tục, gây khó khăn cho người có thu nhập thấp thực sự cần nhà ở.
Vì vậy, "cần có quy định thuế suất cao đối với những trường hợp đầu cơ bất động sản, ví dụ như đánh thuế đối với nhà sở hữu, đất nhận chuyển nhượng thứ hai trở đi, xử lý các hành vi gây nhiễu loạn thị trường bất động sản", cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị. Cùng với đó, tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định về xác định giá khởi điểm đấu giá đất để đảm bảo khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, cử tri tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Nhà nước nên có chính sách đánh thuế lũy tiến trên số tài sản bất động sản và giá trị tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản ý nhà nước với thị trường bất động sản trước mắt và lâu dài. Đồng thời, tạo sự công bằng, bình ổn chính sách thuế trong lĩnh vực bất động sản.
Mặt khác, cần phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực này và quyết định trên cơ sở khung giá của Chính phủ, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trả lời cử tri các tỉnh, thành, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với bất động sản cơ bản bao quát đầy đủ các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả ba giai đoạn.
Theo đó, trong khâu xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản có quy định về lệ phí trước bạ. Trong sử dụng, khai thác bất động sản, đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Còn trong chuyển nhượng bất động sản, đánh thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Tại Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng quy định áp dụng mức thuế suất lũy tiến đối với người sử dụng nhiều thửa đất ở trong phạm vi cấp tỉnh ở mức 0,03% đối với diện tích trong hạn mức; 0,07% đối với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức và 0,15% đổi với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức.
Cùng với đó, áp dụng mức thuế suất cao đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định 0,15%; đất lấn, chiếm 0,2%.
Như vậy, "việc thực hiện các chính sách thuế, phí, lệ phí đối với bất động sản trong thời gian qua góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, từng bước hạn chế đầu cơ bất động sản, hạn chế việc sử dụng lãng phí đất đai, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh", Bộ Tài chính nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tại Việt Nam, thuế thu sử dụng tài sản chỉ chiếm khoảng 0,036%/GDP, thấp hơn hàng trăm lần so với các quốc gia phát triển và mới chỉ điều tiết đối với đất.
Trong khi đó, tỷ lệ thu thuế tài sản/GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển tại châu Á vào khoảng 2%/GDP.
Để tăng cường quản lý trong lĩnh vực bất động sản, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" cũng yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang; đồng thời, bỏ khung giá đất.
Cùng với đó, có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng.
Do đó, để khắc phục những bất cập trong các quy định thuế liên quan đến bất động sản, Bộ Tài chính thông tin thêm hiện đang tổng hợp, xây dựng bảo cáo rà soát các luật thuế để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021 - 2030.