15:17 02/08/2022

Ngành thuế sẽ cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách

Trâm Anh

Đó là một trong những nội dung quan trọng của Đề án Tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 vừa được Tổng cục Thuế phê duyệt...

Giai đoạn 2016-2021, tổng số biên chế giảm của Tổng cục Thuế là 9.696 người.
Giai đoạn 2016-2021, tổng số biên chế giảm của Tổng cục Thuế là 9.696 người.

Đề cập đến việc triển khai tinh giản biên chế ngành thuế, Tổng cục Thuế cho rằng, vẫn còn tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu biên chế tại một số cơ quan, đơn vị. Việc thu hút thêm người đáp ứng đủ điều kiện làm việc trong cơ quan nhà nước đang gặp trở ngại do chế độ tiền lương không đáp ứng được yêu cầu, bộ máy còn cồng kềnh, việc tăng lương cho cán bộ gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, chỉ tiêu giảm đồng đều 10% biên chế cho tất cả các cơ quan đơn vị là chưa phù hợp, trong khi chức năng nhiệm vụ, khối lượng công việc ở nhiều đơn vị tăng lên.

 

Để khắc phục được những hạn chế trên, đồng thời nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, Tổng cục Thuế phê duyệt Đề án Tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026. Theo đó, mục tiêu cơ bản của giai đoạn này là không tăng biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Liên quan đến kết quả triển khai thực hiện tinh giản biên chế từ năm 2015 đến nay, Tổng cục Thuế cho biết tổng số biên chế ngành thuế tính đến hết tháng 3/2022 giảm 16,8% so với biên chế được giao năm 2015.

Riêng giai đoạn 2016-2021, tổng số biên chế giảm của Tổng cục Thuế là 9.696 người, tương đương 22,72% số biến chế được giao năm 2016, bao gồm cả những người nghỉ hưu, thôi việc và số tinh gian biên chế.

Để thực hiện được mục tiêu trong Đề án Tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cả hệ thống thuế từ Trung ương đến địa phương cần thống nhất nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan đơn vị, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đồng thời, tiến hành đồng bộ các hoạt động cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức.

Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức hợp lý để xác định biên chế phù hợp.

"Việc tinh giản biên chế cần đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ tác phong ứng xử của công chức thuế với người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế", Tổng cục Thuế lưu ý.

Đặc biệt, việc thực hiện tinh giản biên chế cần có trọng tâm, trọng điểm, không cào bằng và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Quá trình thực hiện tinh giản biên chế phải đảm bảo sự lãnh đạo chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, có sự giám sát của các tổ chức đoàn thể dựa trên nguyên tắc khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch và phải đảm bảo chi trả chế độ chính sách tinh giản biên chế kịp thời, đúng quy định.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần hoàn thiện hệ thống, tiêu chuẩn chức danh, chức vụ công chức, viên chức theo hướng chú trọng phẩm chất, trình độ, năng lực. Mỗi tiêu chuẩn của chức vụ lãnh đạo, quản lý đều phải quy định ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp ngạch viên chức tương ứng.

Song song là cải tiến phương thức, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ theo hướng đề cao trách nhiệm của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, xem xét, quyết định trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện và kết quả công việc.

Ngoài ra, ngành thuế sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý gắn với chế độ tiền lương để khuyến khích những người làm việc tốt hiệu quả.