10:51 03/05/2021

Đầu tư tiền ảo: Nhập nhằng giữa "tiền tệ" và "chứng khoán" khiến Phố Wall bối rối

Đức Anh

Sự thiếu chắc chắn về pháp lý là nguyên nhân khiến Phố Wall chưa thực sự cởi mở với tiền ảo, nhưng cũng không muốn đứng ngoài "con sóng thần" tăng giá...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vài năm gần đây, Phố Wall đã thay đổi quan điểm đối với tiền ảo, từ phủ nhận sang quan tâm thận trọng, nhưng chưa thực sự cởi mở với tiền ảo. 

"MÂY ĐEN" PHÁP LÝ PHỦ BÓNG TIỀN ẢO

Tiền ảo giờ đây không còn bị lên án như một công cụ đầu tư thay thế kỳ lạ nữa. Thay vào đó, thậm chí cả các ngân hàng trung ương khắp thế giới cũng đang cân nhắc phát hành tiền kỹ thuật số. 

Theo CNN, tiền ảo lớn nhất thị trường, Bitcoin, hiện đang giao dịch ở mức giá hơn 50.000 USD. Còn đồng Dogecoin, một tiền ảo khởi đầu là một trò đùa vui, giờ đây cũng vào nhóm đồng tiền lớn nhất thị trường. 

 

Tháng 12/2020, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đâm đơn kiện sàn tiền ảo Ripple cùng Ban giám đốc sàn này, với cáo buộc bán cổ phiếu không đăng ký. Trong vụ việc này, tiền ảo XRP được xem như một loại chứng khoán, chứ không phải tiền tệ.

Tháng trước, sàn tiền ảo Coinbase vừa có thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với định gần 100 tỷ USD. Thương vụ lịch sử này như gióng lên hồi chuông khiến các ngân hàng lớn của Phố Wall bừng tỉnh, giống như tiếng vang khi Netscape IPO năm 1995 đối với ngành công nghệ. Tuy nhiên, vẫn có một lý do khiến Phố Wall còn do dự: Đó là tiền ảo chưa được pháp luật điều chỉnh.

Hiện nay, chính phủ Mỹ vẫn chưa thể xác định tiền ảo là gì. Nếu là một loại tiền tệ, tiền ảo hoàn toàn chưa được điều chỉnh bởi các quy định. Còn nếu là một loại chứng khoán, như cổ phiếu hay các công cụ đầu tư khác, thì tiền ảo nên được quy định ở mức độ khác. 

Tháng 12/2020, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đâm đơn kiện sàn tiền ảo Ripple cùng Ban giám đốc sàn này với cáo buộc bán cổ phiếu không đăng ký - dưới dạng tiền ảo XRP - trị giá 1,3 tỷ USD và đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Trong vụ việc này, tiền ảo XRP được xem như một loại chứng khoán, chứ không phải tiền tệ. Bởi vì nếu không như vậy, thì luật chứng khoán đã không được áp dụng để giải quyết. Tuy nhiên, Ripple phủ nhận điều này. 

Những trường hợp như thế này, cộng với sự thiếu chắc chắn trong quy định đối với các loại tiền ảo khác, khiến các ngân hàng Phố Wall e dè khi tham gia vào thị trường này.  

"Không nghi ngờ gì nữa, hành động của Ripple là ví dụ của 'đám mây đen' pháp lý có thể che phủ các loại tiền ảo khác như Bitcoin hoặc Ether", Ashley Ebersole, đối tác tại hãng luật Bryan Cave Leighton Paisner và là cựu luật sư của SEC, nhận định.

E DÈ NHƯNG KHÔNG THỂ ĐỨNG NGOÀI CUỘC

Theo giới phân tích, sự không chắc chắn về quy định là điều đáng sợ đối với các công ty đang tìm cách nhảy vào đường đua tiền ảo. Tuy nhiên, các ngân hàng rồi cũng sẽ tham gia thị trường này. 

Hồi tháng 3, Goldman Sachs đã tái khởi động bộ phận giao dịch tiền ảo và sẽ sớm cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cá nhân cho khách hàng đầu tư tiền ảo. 

Tại sự kiện công bố lợi nhuận của công ty tháng trước, David Solomon, CEO của Goldman Sachs cho biết sự trỗi dậy nhanh chóng của tiền ảo là tín hiệu cho thấy "sẽ có sự xáo trộn và thay đổi lớn trong cách tiền tệ được lưu chuyển trên khắp thế giới". 

Trong khi đó, ông Daniel Pinto, Phó chủ tịch JPMorgan cho biết nếu nhu cầu của khách hàng tiếp tục tăng và tiền ảo không ngừng phát triển, các ngân hàng sẽ không thể đứng bên lề. 

"Tốt nhất chúng ta nên xem tiền ảo như một sản phẩm tài chính mới mà các ngân hàng có thể giao dịch", ông Ebersole của hãng luật Bryan Cave Leighton Paisner nói. "Vậy liệu nó có cần các biện pháp quản lý tài chính mới không? Có thể". 

Đến nay, nhiều ngân hàng lớn của Phố Wall đã bắt đầu kiếm lời từ cơn sốt tiền ảo gần đây. Ví dụ, Goldman Sachs là ngân hàng hàng đầu tham gia thương vụ IPO của Coinbase và thu lời không nhỏ.

 

Daniel Pinto, Phó chủ tịch JPMorgan cho biết nếu nhu cầu của khách hàng tiếp tục tăng và tiền ảo không ngừng phát triển, các ngân hàng sẽ không thể đứng bên lề. 

Nhiều công ty niêm yết như Grayscale Bitcoin Trust, Tesla, MicroStrategy hay Nexon (Hàn Quốc)... đã rót hàng tỷ USD vào tiền ảo, trong đó chủ yếu là Bitcoin.

Đầu năm nay, hãng xe điện Tesla tiết lộ đã chi 1,5 tỷ USD mua Bitcoin và ước tính đã lãi 1 tỷ USD từ khoản đầu tư này. Vào cuối tháng 3, tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla, cho biết hãng này chính thức cho phép khách hàng mua xe điện bằng Bitcoin. 

Tháng 10 năm ngoái, hãng phần mềm Square Inc. của tỷ phú Jack Dorsey (người sáng lập Twitter) cũng chi 50 triệu USD mua Bitcoin. Ngân hàng Bank of New York Mellon Corp. cho biết sẽ bắt đầu xem Bitcoin như các tài sản tài chính khác, còn Mastercard Inc. tuyên bố sẽ đưa Bitcoin vào hệ thống thanh toán quốc tế của mình trong năm nay.