13:29 04/09/2021

Doanh nghiệp Đà Nẵng đuối sức vì "3 tại chỗ"

Lưu Hà

Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, đã có 2.225 doanh nghiệp trên địa bàn ngừng hoạt động (tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước); 538 doanh nghiệp hoặc đơn vị trực thuộc giải thể (tăng 1,5%)…

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hơn 100 doanh nghiệp với khoảng 10 ngàn người lao động đang duy trì sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", chủ yếu trong các khu công nghiệp. Việc phong toả toàn thành phố khiến các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đà Nẵng gần 2 năm nay đã rất khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch, nay càng khó khăn hơn do thành phố quy định mỗi doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng 30% trên tổng số lao động mỗi ca làm việc và phải thực hiện

Đơn cử như, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam trong KCN Hòa Khánh áp dụng phương án “3 tại chỗ” từ ngày 16/8 nên hiện còn sử dụng 500 lao động, bằng 1/8 tổng số lao động của công ty, chỉ đủ sức duy trì một số khâu sản xuất quan trọng.

Tại KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang (Q.Sơn Trà) từ đầu tháng 8 đến nay, Công ty TNHH Bắc Đẩu hoạt động theo phương thức “ba tại chỗ” với gần 50 công nhân phụ trách bảo dưỡng máy móc, phục vụ việc sắp xếp, xuất hàng ra cảng. Đơn vị xác định, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là làm tốt công tác phòng, chống dịch và hoàn tất phần đơn hàng còn dang dở trước đó để kịp giao cho các đối tác.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - cho biết, cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối hải sản của TP. Đà Nẵng đã đóng cửa cho nên phần lớn doanh nghiệp chế biến hải sản ở P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà cũng ngừng hoạt động.

“Còn hai doanh nghiệp chế biến tôm thì hoạt động cầm chừng với khoảng 1/3 công nhân, trong đó Công ty Thuận Phước của tôi có 400 - 500/2.000 công nhân làm việc. Nguyên liệu khan hiếm do các địa phương bị chia cắt, khoanh vùng nên chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng. Do vậy, giá trị và sản lượng xuất khẩu giảm còn 1/3,” ông Lĩnh nói. Dù sản xuất cầm chừng, cứ vài ngày, công ty lại phải tổ chức xét nghiệm Covid-19 nên rất tốn kém, công nhân cũng xuống tinh thần nên năng suất lao động không cao. 

“Vấn đề với doanh nghiệp hiện tại không nằm ở lỗ lãi nữa. Điều mà chúng tôi lo nhất, sợ nhất là vi phạm hợp đồng, mất khách hàng, mất uy tín trên thị trường, người lao động thất nghiệp, tâm sinh lý bất ổn," ông Trần Văn Lĩnh bộc bạch.

Chi phí ăn ở, điện nước... phát sinh khi "3 tại chỗ" không phải là vấn đề của riêng doanh nghiệp nào.
Chi phí ăn ở, điện nước... phát sinh khi "3 tại chỗ" không phải là vấn đề của riêng doanh nghiệp nào.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng đề nghị chính quyền thành phố và các ngành liên quan sớm có giải pháp ngắn hạn hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tich Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dệt may 29.3, vấn đề cấp bách trước mắt là chính quyền thành phố và các ngành liên quan nên có chính sách giảm chi phí điện nước cho doanh nghiệp trong thời gian thành phố phong toả.

"Doanh nghiệp của chúng tôi có hơn 2.700 người lao động nhưng hiện chỉ có hơn 850 người lao động, chiếm 1/3 được phép làm việc. 1/3 lao động được làm việc đồng nghĩa với việc năng suất lao động của chúng tôi cũng chỉ có 1/3 so với bình thường. Trong khi ngược lại, vì phải "3 tại chỗ" nên chi phí ăn ở, điện nước... của chúng tôi lại tăng lên".

Theo ông Huỳnh Văn Chính thì những khó khăn đến từ việc chỉ 1/3 người lao động được phép tham gia sản xuất và vấn đề chi phí ăn ở, điện nước... phát sinh khi "3 tại chỗ" không phải là vấn đề của riêng Công ty 29.3 hay một vài doanh nghiệp mà là khó khăn chung của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang hoạt động thời điểm này. "Nếu thành phố không sớm có giải pháp thì chúng tôi sẽ rất khó để cầm cự trong mùa dịch," ông Chính nói.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết: "Đến thời điểm nay Ban quản lý chưa nhận được đề xuất bằng văn bản của các doanh nghiệp nên chưa thể có ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có đề xuất cụ thể, chúng tôi sẽ đề xuất với thành phố xem xét".

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, cho biết hầu hết doanh nghiệp thuộc hiệp hội phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu giãn cách xã hội, hiện chỉ vài doanh nghiệp trong khu công nghiệp đủ điều kiện hoạt động. Tại Công ty CP Bình Vinh do ông Phạm Bắc Bình làm giám đốc, dù hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển nhưng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do các đối tác ngừng hoạt động. Khoảng 60% lao động của công ty phải tạm ngừng hoạt động, số còn lại chủ yếu phục vụ các chuỗi cung ứng hàng thiết yếu.

Ông Bình đề nghị thành phố có chiến lược "dài hơi" và xây dựng kế hoạch sống chung với dịch. “Nếu giãn cách xã hội kéo dài thế này thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không trụ được hoặc đến lúc hết dịch cũng không có sức lực để bật dậy. Trong giai đoạn này, nhà nước cần có nhiều chính sách cụ thể hơn nữa giúp các doanh nghiệp vượt khó, nhất là giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, các chính sách an sinh cho người lao động…” ông Bình nói.

Còn theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Đà Nẵng, hai mặt trận ở thời điểm này là chống Covid-19 và duy trì sản xuất. “Vừa rồi, chúng ta đã ưu tiên hết cho mặt trận tuyến đầu chống dịch, bây giờ phải ưu tiên cho những người sản xuất - bởi họ cũng giống như những người lính trên chiến trường vậy,” ông Lĩnh đề xuất. “Nếu sản xuất không phát triển thì lính tiền tiêu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cho nên, tôi đề nghị tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là những người lao động có liên quan đến chuỗi đời sống của nhân dân”.