16:02 04/06/2024

Dòng tiền “hụt hơi”, chỉ số tuột dốc

Kim Phong

Quán tính tăng giá sáng nay đã không thể bảo toàn, thị trường suy yếu trong phiên chiều, thậm chí có lúc VN-Index chỉ còn tăng hơn 1 điểm. Thanh khoản trên sàn này cũng sụt giảm 12% so với buổi sáng. Tuy nhiên giao dịch vẫn rất tích cực ở những mã thu hút được dòng tiền...

VN-Index trượt dốc phiên chiều.
VN-Index trượt dốc phiên chiều.

Quán tính tăng giá sáng nay đã không thể bảo toàn, thị trường suy yếu trong phiên chiều, thậm chí có lúc VN-Index chỉ còn tăng hơn 1 điểm. Thanh khoản trên sàn này cũng sụt giảm 12% so với buổi sáng. Tuy nhiên giao dịch vẫn rất tích cực ở những mã thu hút được dòng tiền.

Chỉ số đóng cửa tăng nhẹ 3,52 điểm tương đương +0,27%, chỉ bằng một nửa so với thời điểm chốt phiên sáng. Nguyên nhân là các trụ thay vì đồng thuận tăng tốt hơn, lại từ từ suy yếu. VN30-Index đóng cửa cũng chỉ còn tăng 0,25% với 16 mã tăng/11 mã giảm.

Thống kê cho thấy có tới 20/30 mã của rổ blue-chips VN30 tụt giá chiều nay. Hầu hết là co hẹp biên độ tăng và mức độ cũng không lớn. Đáng chú ý là GVR để mất 1,4% so với giá chốt buổi sáng, còn tăng 0,29% so với tham chiếu lúc đóng cửa. VIC để mất 0,9%, đóng cửa còn tăng 0,34%. VHM cũng lùi 0,88% còn tăng 0,25%. VCB, TCB, BID, HPG là các trụ khác cũng suy yếu.

Mặc dù trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index có tới 9 mã tăng, duy nhất VPB giảm 0,55%, nhưng đà tăng suy yếu cho thấy khả năng đồng thuận còn kém. Quan trọng nhất là dòng tiền hoạt động ở rổ blue-chips VN30 không bền, ví dụ chiều nay lại sụt giảm hơn 12% so với buổi sáng. Cổ phiếu ngân hàng được đặt nhiều kỳ vọng sau phiên tăng tích cực hôm qua, hôm nay lại gây thất vọng. TCB tăng khá nhất trong các mã ngân hàng lớn cũng chưa tới 1%. STB, BID, VCB, CTG buổi sáng mạnh bao nhiêu thì chiều nay lùi giá còn tăng không đáng kể.

Độ rộng phiên chiều cũng thay đổi theo hướng tiêu cực, xác nhận lực bán ép giá xuất hiện ở nhiều cổ phiếu. Cụ thể, chốt phiên sáng VN-Index khá mạnh với 226 mã tăng/164 mã giảm nhưng đóng cửa còn 202 mã tăng/224 mã giảm. Số mã giảm quá 1% buổi sáng mới là 30, chiều nay tăng gấp đôi lên 66. Xuất hiện nhiều hơn các mã bị bán tháo như HAG giảm 4% thanh khoản 317,3 tỷ đồng; EIB giảm 1,52%, giao dịch 219,8 tỷ; HDC giảm 1,4% với 96 tỷ; KDH giảm 1,32% với 101,3 tỷ; KBC giảm 1,24% với 150,9 tỷ; ACB giảm 1,21% với 239,4 tỷ; DGC giảm 1,12% với 365,1 tỷ… Nhóm giảm giá trên 1% buổi sáng mới chiếm chưa tới 2% tổng thanh khoản thì chiều nay là gần 11%.

Các cổ phiếu thu hút được dòng tiền vẫn nhiều mã tăng tốt.
Các cổ phiếu thu hút được dòng tiền vẫn nhiều mã tăng tốt.

Dù vậy mức tăng điểm nhẹ của chỉ số cũng vẫn tạo điều kiện tốt cho dòng tiền hoạt động ở nhiều cổ phiếu. Thanh khoản trong nhóm tăng giá khá nhất (từ 1% trở lên) vẫn chiếm hơn 32% tổng giao dịch của sàn. Chỉ số Midcap đóng cửa giảm 0,11%, Smallcap tăng không đáng kể 0,18% nhưng vẫn có độ phân hóa mạnh mẽ. Nhóm cổ phiếu thép xuất sắc với HPG tăng 1,03%, giao dịch lớn nhất thị trường 1.167,5 tỷ đồng; NKG tăng 2,62% thanh khoản 403,7 tỷ; HSG tăng 3,58% với 732,3 tỷ đều thuộc Top 10 thanh khoản hàng đầu. Các mã tầm trung khác như POW, EVF, VSC, GMD, CMG, VCI, VTP đều mạnh và khớp từ 150 tỷ đến trên 200 tỷ đồng mỗi mã.

Tuy vậy nhìn từ góc độ chốt lời thì trừ 8 cổ phiếu chốt giá kịch trần, tất cả số tăng mạnh nhất vẫn bị ép giá ở mức độ nhất định. CMG chẳng hạn, đã tụt 1,58% so với đỉnh của phiên, HSG tụt 2,11%, NKG tụt 2,67%, HPG tụt 1,68%... Đây là một hiệu ứng thường thấy khi nhà đầu tư cầm cổ phiếu có lời quan sát VN-Index để giao dịch. Hiện tượng hụt hơi dần về cuối phiên làm giảm khả năng đột phá đỉnh, kéo theo tâm lý bảo toàn lợi nhuận.

Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng tăng giải ngân đáng kể lên 1.331,2 tỷ đồng trên sàn HoSE, cao hơn buổi sáng 73%. Mức mua ròng đạt 70,7 tỷ đồng trong khi buổi sáng bán ròng 205,1 tỷ. Dù vậy giao dịch của khối ngoại hôm nay cũng chỉ chiếm 8,8% thị trường ở phía mua và 9,4% ở chiều bán. Nhà đầu tư trong nước vẫn là đối lượng giao dịch chính.