Hơn 210.000 tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới trong tháng 2
Tính tới cuối tháng 2/2022, tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là hơn 4,7 triệu tài khoản...
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 2/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới 210.883 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 16.000 tài khoản so với tháng liền trước.
Cụ thể, trong tháng 2/2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 210.765 tài khoản và 118 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Như vậy, sau khi sụt giảm số lượng tài khoản mở mới trong tháng 1 bởi ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán, số lượng tài khoản mở mới đã tăng trở lại trên mức 200.000 tài khoản trong một tháng.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 405.000 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).
Tính tới cuối tháng 2/2022, tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là hơn 4,7 triệu tài khoản.
Theo chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường, mặc dù dư nợ margin tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhưng khi đặt trong mối tương quan với giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân thì dòng tiền không tăng tương ứng.
Cụ thể, số lượng tài khoản mở mới tăng trung bình đạt 10%/quý nhưng số dư tiền gửi trên mỗi tài khoản chỉ tăng thêm khoảng vài triệu đồng. Đáng chú ý, số dư margin trên mỗi tài khoản mới giảm mạnh từ 70 triệu đồng trong quý 2/2021 xuống còn 54 triệu đồng trong quý 4/2021. Giá trị mua ròng chia bình quân cho số lượng tài khoản cũng giảm rất nhiều.
Vì vậy, ông Tường nhận định tài khoản của nhà đầu tư cá nhân đang tăng về lượng nhưng chưa tăng về chất.
Từ nền tảng 2021 và nhìn sang câu chuyện 2022, với dòng tiền đang rút ra khỏi thị trường qua kênh margin và chất lượng nhà đầu tư mới giảm, thị trường cần phải có một cái cú hích để tác động vào tâm lý nhà đầu tư, kéo nhà đầu tư quay trở lại thị trường.
Theo ông Tường, cú hích có thể đến từ các yếu tố như nền tảng lợi nhuận, lãi suất giảm, chính sách kiểm soát thị trường chứng khoán được nới lỏng, chương trình thoái vốn, hệ thống giao dịch mới vào hoạt động…
“Thế nhưng, loạt yếu tố này tôi chưa nhìn thấy là có xác suất cao sẽ xảy ra trong năm ngoái 2021. Vậy nên, quan điểm của tôi là thanh khoản năm 2022 chúng ta phải cẩn trọng”, ông Tường đánh giá.