Kế hoạch tài chính quốc gia 2021 - 2025: Nguy cơ nhiều chỉ tiêu khó đạt
Một số chỉ tiêu về kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được dự đoán khó đạt, bao gồm: tỷ trọng thu nội địa bình quân trong tổng thu ngân sách, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngoài nước. Đáng nói, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước đang sát ngưỡng cảnh báo...
Sơ kết về 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo đánh giá của Chính phủ, việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm ước đạt 5 triệu tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch, tỷ lệ huy động thu vào ngân sách nhà nước bình quân 17,9% GDP; trong đó từ thuế, phí khoảng 14,5% GDP.
TỶ TRỌNG THU NỘI ĐỊA CAO, DỒN LỰC CHO ĐẦU TƯ CÔNG
Đối chiếu với Chiến lược tài chính đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/3/2022, một số mục tiêu đều đạt như tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân không thấp hơn 16% GDP; trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí giai đoạn 2021-2025 khoảng 13-14% GDP. Nhờ đó, nguồn lực tài chính ngân sách được đảm bảo để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng cả nước.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2023, thu dầu thô ước đạt 184,7 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu 5 năm. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tương ứng đạt khoảng 65% kế hoạch. Còn thu nội địa lũy kế ước đạt 4,1 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 58% kế hoạch, chiếm tỷ trọng bình quân 82% tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu nội địa từ mức bình quân 68,7% giai đoạn 2011-2015 lên mức 82% giai đoạn 2016-2020 và neo ở mức cao đến nay để giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô.
Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 8,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tỷ lệ huy động thu vào ngân sách nhà nước khoảng 16,4% GDP, huy động từ thuế, phí khoảng 13,4% GDP, đạt các mục tiêu.
Ở chiều ngược lại, tổng chi 3 năm khoảng 5,9 triệu tỷ đồng, bằng 57,5% kế hoạch. Chính phủ nhìn nhận các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, ưu tiên chi đầu tư phát triển, tiết kiệm chi thường xuyên; đảm bảo kinh phí phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, nhiệm vụ chính trị quan trọng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và kịp thời điều chỉnh tăng lương cơ sở năm 2023.
Đáng chú ý, cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, bình quân các năm 2021-2023, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 30%, cao hơn kế hoạch đặt ra, cho thấy đầu tư của Nhà nước vào hạ tầng vẫn tiếp tục được duy trì ở mức cao trong thời gian qua.
Trong đó, tổng nguồn bố trí dự toán chi đầu tư phát triển lũy kế 3 năm trên 1,7 triệu tỷ đồng, nếu loại trừ phần bố trí cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì bằng khoảng 56% kế hoạch; trong thực hiện, đạt khoảng 1,9 triệu tỷ đồng.
“Đây là mức rất tích cực trong bối cảnh nguồn thu bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp hụt lớn và chưa sửa đổi cơ chế phân cấp ngân sách để huy động thêm nguồn lực cho chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương”, báo cáo của Chính phủ đánh giá.
Còn tổng chi thường xuyên 3 năm ước thực hiện (bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương) khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch. Bên cạnh đó, đảm bảo chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn, cũng như bố trí chi dự trữ quốc gia ở mức hợp lý ứng phó kịp thời với thiên tai, dịch bệnh và an sinh xã hội.
Dự kiến tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 10,14 triệu tỷ đồng, bằng 99% kế hoạch. Lũy kế bố trí dự toán chi đầu tư phát triển cả giai đoạn (không tính phần bố trí cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) là 2,85 triệu tỷ đồng, cơ bản đạt mục tiêu; trong tổ chức thực hiện, đánh giá vượt kế hoạch; tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân 5 năm vượt kế hoạch 28-29% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bố trí chi đầu tư phát triển nguồn ngoài nước chỉ đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng, không đạt kế hoạch.
Về bội chi, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân 2021-2023 ước khoảng 3,4% GDP, trong phạm vi được Quốc hội phê duyệt. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi mục tiêu 3,7% GDP; số tuyệt đối dự kiến giảm.
CƠ CẤU LẠI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GẶP KHÓ
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Chính phủ, quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại. Nổi bật là, thứ nhất, thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, dự báo các năm còn lại của giai đoạn phụ thuộc vào việc xử lý các hạn chế nội tại, sự phục hồi của nền kinh tế.
Thứ hai, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước bình quân khả năng không đạt kế hoạch 85-86% đến năm 2025 như Chiến lược tài chính đến năm 2030 đề ra; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở mức rất thấp...
Thứ ba, việc cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước tiếp tục gặp thách thức, áp lực tăng chi lớn. Hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn bất cập; phân bổ nhiều lần trong năm. Giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm không đạt kế hoạch.
Thứ tư, kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường nhưng chưa nghiêm; một số vi phạm phức tạp.
Nguyên nhân khách quan dẫn đến những tồn tại trên, theo Chính phủ là do bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới và khu vực diễn biến nhanh, chưa có tiền lệ, khó lường. Trong khi đó, tình hình kinh tế - xã hội trong nước vẫn còn khó khăn. Tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế cần thời gian; trong khi đó, năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế chậm cải thiện. Hệ thống pháp lý trong tổ chức thực hiện còn có những điểm bất cập, chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, có không ít nhân tố chủ quan như năng lực xây dựng và thực thi thể chế chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Công tác quản lý, điều hành có lúc lúng túng, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, năng lực phân tích, dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn luôn biến động...
NGHĨA VỤ TRẢ NỢ TĂNG DẦN
Đáng chú ý, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại)/Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%, giảm nhẹ so với mức 21,5% năm 2021 nhưng cao hơn đáng kể năm 2022 (15,7%).
Đánh giá về kế hoạch vay, trả nợ công tại chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tuần qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, cho rằng tỷ lệ an toàn nợ công trong giai đoạn 2021-2023 được đảm bảo và dự kiến 2 năm còn lại của giai đoạn trong hạn mức được Quốc hội quyết định.
Tuy nhiên, theo ông Mạnh, Chính phủ cần phân tích kỹ về hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả huy động vốn gắn với nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2023 phát hành ngày 30-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam